Bước qua lằn ranh

"Đây vẫn là một tiến trình ngoại giao cực kỳ tinh tế và căng thẳng. Tuy nhiên, tôi dám nói rằng tôi cảm thấy lạc quan. Cánh cửa cho cơ hội vẫn mở trong vài tuần tới nữa trong tháng này, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm khi thời gian có hạn" - ngày 10-5, ông G.Bô-re-lơ (Josep Borrell), Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU), nhận xét về vòng đàm phán mới nhất liên quan việc khôi phục hiệu lực của thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 liên quan I-ran (Iran). Một điểm sáng, trên thế giới mịt mù hiện tại.

Thực tế, cũng cần phải nhấn mạnh là chỉ một ngày sau đó, ngày 11-5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết: I-ran đã làm giàu urani ở mức tinh khiết 63% tại nhà máy trên mặt đất ở Na-tan (Natanz), cao hơn mức 60% mà Tê-hê-ran (Tehran) thông báo trước đây. Tuy vậy, IAEA cũng xác nhận: "Theo phía I-ran, mức làm giàu urani có thể có những dao động".

Tăng mức làm giàu urani, và lắp đặt thêm các hệ thống máy ly tâm hiện đại, có thể thấy là Tê-hê-ran vẫn cố gắng gia tăng một chút sức ép, để củng cố thêm yêu cầu của họ trên bàn đàm phán (được họ gọi là bốn "lằn ranh đỏ"), bao gồm: Dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cả các biện pháp đã nêu trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA - tên đầy đủ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) lẫn các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) áp đặt; I-ran được quyền kiểm tra các hoạt động dỡ bỏ trừng phạt; I-ran không đàm phán với Mỹ trước khi dỡ bỏ hết các lệnh trừng phạt; và các đạo luật cũng như chính sách của I-ran đã được thông qua hay ban bố cần phải được tôn trọng trong các cuộc đàm phán.

Rất cứng rắn, nhưng điều quan trọng nhất, chính là việc I-ran vẫn đang tham gia đàm phán.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do chính, để Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Ma-át (Heiko Maas) đánh giá: "Các cuộc đàm phán là rất khó khăn, nhưng tất cả các bên đang đàm phán trong bầu không khí mang tính xây dựng".

Trong vòng một tháng qua, kể từ đầu tháng 4, các bên liên quan JCPOA đã liên tục cử đặc phái viên tổ chức và tham dự các vòng đàm phán tại Thủ đô Viên (Vienne) của nước Áo, nhằm chạy đua với thời gian để khôi phục thỏa thuận can hệ đến an ninh và ổn định toàn cầu ấy. Không chỉ Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, cả các đặc phái viên Mỹ - nước đã tuyên bố rút khỏi JCPOA trong nhiệm kỳ tổng thống trước - cũng tham dự riêng rẽ, với EU trong vai trò trung gian.

Vì sao phải "chạy đua với thời gian"? Vì chỉ đến tháng sáu tới, I-ran sẽ có cuộc bầu cử tổng thống mới. Mọi phía tham dự JCPOA, kể cả chính quyền Tổng thống I-ran đương nhiệm H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani) hẳn đều muốn kết thúc câu chuyện, đưa mọi tiến trình vào quỹ đạo cơ bản, không để lại những vấn đề dang dở cho tương lai… khi mà bất cứ thay đổi nào trên chính trường cũng có thể có những tác động khó dự đoán đến mọi chiến lược đối ngoại.

Cứng rắn, nhưng không từ bỏ đối thoại. Gia tăng sức ép, nhưng vẫn trong sai số cho phép. Đó là cách mà Tê-hê-ran đang tiếp cận vấn đề.

Ở phía đối diện, EU nói riêng cũng như mọi phía tham dự JCPOA nói chung đều dễ dàng đọc được "thông điệp ngầm" đó. Nói như Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc - M.U-ly-a-nốp (Mikhail Ulyanov) - ngày 7-5: "Các bên tham gia đã nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình này". Các phái đoàn tham dự cũng đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng lưu lại Viên dài ngày, nhằm bảo đảm đủ thời gian cần thiết để chạm đến được mục tiêu đó.

Chưa có gì đột phá, nhưng đến lúc này, các vòng đàm phán vẫn đi đúng hướng. Việc chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) thể hiện thiện chí cũng như quyết tâm chính trị ban đầu về việc quay trở lại với thỏa thuận ấy đã tiếp thêm những xung lực mạnh mẽ, cho tiến trình khôi phục JCPOA hoàn toàn.

Những lằn ranh còn đó, nhưng có khả năng sẽ không còn là trở ngại lớn, khi có vẻ như các bên đều đang cùng nhìn về một hướng. Vì lợi ích của chính họ, và vì lợi ích ấy trùng khớp với mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh chung của thế giới.