Bóng mây che cả chân trời

Chắc chắn tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), thường được gọi là Brexit, sẽ phải hoàn tất. Ít nhất, có thể tin là đương kim Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) sẽ làm tất cả để bảo đảm rằng Brexit sẽ không còn phải trì hoãn thêm lần nào nữa, sau ngày 31-1 tới. Tuy nhiên, sẵn sàng cho điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế nước Anh đã sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất.

Không ai khác, chính Thủ tướng Anh đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đó, bất chấp động thái này có thể khiến ông gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thúc đẩy Brexit “về đích” đúng theo kế hoạch.

Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông đột nhiên trở nên thận trọng hơn với tương lai, khi gợi ý rằng nước Anh nên dự trù ngân sách cho kịch bản không đạt được một thỏa thuận thương mại với EU trước thời hạn chót (mà Luân Đôn tự ấn định) - tháng 12-2020.

Song, cần phải nhắc lại, suốt chiến dịch tranh cử cuối năm 2019, chính nhà lãnh đạo vừa đắc cử vẫn cho rằng khả năng không có thỏa thuận nào được ký kết ấy là “hoàn toàn bằng 0”, và đảng Bảo thủ cũng đã ra tuyên ngôn loại trừ khả năng thêm một lần nữa gia hạn thời hạn chuyển tiếp, khi nó kết thúc vào cuối năm nay (như dự tính).

Bởi vậy, sự “chuyển hướng bất ngờ” về tư tưởng ấy hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ lụy không hề bất ngờ dành cho nền kinh tế Anh.

Cộng đồng doanh nghiệp “đảo quốc sương mù” có đầy đủ mọi lý do để lo lắng, bởi nếu kịch bản không đạt được thỏa thuận thương mại với EU trở thành hiện thực, Anh sẽ kết thúc mối quan hệ với thị trường chung khổng lồ kia mà thiếu đi các công cụ cần thiết để bảo vệ chính mình, trong các vấn đề việc làm cũng như quy chế trao đổi thương mại song phương. Bắt buộc, Anh sẽ phải giao dịch với EU trên cơ sở là các điều khoản chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 1-2021, với rất nhiều “khoảng trống”, từ các loại giấy tờ đến các mức thuế quan, từ sự phức tạp của các thủ tục đến hậu quả tất yếu là sự chậm trễ tại các cảng biển.

Từ bên kia eo biển Măng-sơ (Manche), trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - ông M.Bác-nhi-ê (Michel Barnier) cảnh báo: Anh vẫn đang là nước thành viên của EU tham gia tới 600 thỏa thuận quốc tế. Các thỏa thuận này đều sẽ hết hạn vào cuối năm nay, và tất cả đều cần phải được đàm phán lại. Do đó, thời hạn 11 tháng còn lại của năm 2020 là một quỹ thời gian quá ít ỏi, và chưa chắc đã đủ cho chừng đó công việc.

Vẫn còn một “cửa thoát hiểm” cho Chính phủ Anh: Đề nghị gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thêm từ một tới hai năm. Có điều, chẳng những khẳng định sẽ không đưa ra đề nghị này, đương kim Thủ tướng Anh còn hé lộ rằng có thể ông sẽ xúc tiến xây dựng một dự luật cấm động thái đó. Điều này thực ra cũng dễ hiểu. Thủ tướng B.Giôn-xơn muốn kết thúc câu chuyện dài này sớm nhất có thể. Ông không muốn Brexit mắc kẹt thêm một lần nào nữa.

Mặc dù vậy, 11 tháng cho toàn bộ các vấn đề cần phải đàm phán xong vẫn là một mục tiêu quá mức tham vọng. Chưa kể, trong ưu tiên đàm phán mà EU đề đạt, thương mại song phương vẫn xếp sau các điều khoản về xây dựng một cấu trúc mới cho mối quan hệ nhằm điều phối các lợi ích chung, tham gia các hành động toàn cầu; hay đòi hỏi cơ chế tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh - quốc phòng.

Ở một khía cạnh nào đó, thứ tự ưu tiên này cũng có thể là một ngón đòn ngoại giao, nhằm gia tăng sức ép lên các quyết định của người đứng đầu Chính phủ Anh. Trong một nước Anh vẫn còn đang khá chia rẽ về tư tưởng chung quanh Brexit, càng kéo dài thời gian, những cơn sóng gió chính trường càng có nguy cơ nổi lên dữ dội.

Và điều đó có nghĩa là: Nếu không chấp nhận đề nghị gia hạn thời hạn chuyển tiếp, bầu trời cả năm 2020 trước mắt nước Anh sẽ bị bao trùm bởi một bóng mây xám khổng lồ.