Bình minh le lói

Một tuần sau khi thỏa thuận ngừng bắn Ít-líp (Idlib) được ký, tuyến đường cao tốc M4 nối La-ta-ki-a (Latakia) với A-lép-pô (Aleppo) chứng kiến lần tuần tra quân sự chung đầu tiên giữa các binh sĩ Nga với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Những cảm giác yên bình lạ lẫm, nhờ vậy, đã bắt đầu xuất hiện quanh biên giới tây bắc Xy-ri (Syria).

Dĩ nhiên, đây vẫn chỉ là một biện pháp tạm thời. Về lâu dài, những câu chuyện của riêng Xy-ri sẽ phải do chính người Xy-ri quyết định, và giữa chính phủ trung ương Đa-mát (Damascus) với những nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng đang co cụm trong thành lũy cuối cùng - khu định cư Trôn-ba (Tronba), nằm trong phạm vi Ít-líp - vẫn còn rất nhiều mâu thuẫn.

Nhưng ít nhất, nguy cơ về một cuộc đụng độ vũ trang toàn diện giữa Đa-mát và An-ca-ra (Ankara) cũng đã tạm thời lắng xuống. Nhờ những nỗ lực trong vai trò trung gian của Nga, từ ngày 6-3, trên lý thuyết, đường cao tốc M4 trở thành một hành lang an toàn cần thiết được vạch ra trên bản đồ, khi các bên đồng ý chấm dứt mọi hoạt động giao tranh.

Và khi những cuộc tuần tra chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 15-3, dân thường Xy-ri đã thật sự có thể yên tâm di chuyển trên hành lang đó, mà không còn phải nơm nớp lo sợ bom rơi đạn nổ. Thật giản dị, nhưng với họ, sự thanh bình ấy là vô giá. Nó đã không còn hiện hữu nơi đây, từ ngày lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ập tới, biến A-lép-pô và Ít-líp thành những chiến địa hoang tàn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hoạt động tuần tra chung này không chỉ là phương thức bảo đảm an toàn cho dân thường. Nó còn hướng tới một mục tiêu cao hơn: bảo đảm xung đột vũ trang không tái bùng phát trong khu vực.

Với tình hình Xy-ri hiện tại, có thể nói, đây là cách duy nhất để áp chế tất cả các lực lượng quân sự không sử dụng vũ lực như phương tiện hữu hiệu để đạt tới một mục đích quyền lực nào đó. Nếu được duy trì đủ lâu, và đủ bền vững, những cuộc tuần tra chung ấy hoàn toàn có thể trở thành cơ sở để những giải pháp hòa bình xuất hiện, khi người Xy-ri không còn cảm thấy nhất thiết phải chĩa súng vào nhau.

Xy-ri là một điểm nóng xung đột đã bị “quốc tế hóa” quá lâu, và tất yếu là rất khó đặt các thế lực quốc tế bên ngoài tiến trình vãn hồi hòa bình, xử lý các mâu thuẫn, dàn xếp những xung đột ấy, nhằm hướng đến một tương lai yên ổn.

Song, cũng chính là bởi tính chất “quốc tế hóa” ấy của cuộc xung đột Xy-ri, những cuộc tuần tra chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dù thế nào cũng sẽ chỉ là giải pháp tạm thời. Bên cạnh đó, giới quan sát toàn cầu vẫn luôn có lý do để nghi ngại về những trắc trở luôn sẵn sàng xuất hiện, nhằm ngăn cản hoặc phá hủy khát vọng hòa bình.

Cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều có những “đối thủ cạnh tranh” trên trường quốc tế. Những đối thủ đó sẽ không có nhiều lý do để hài lòng, nếu cả Mát-xcơ-va (Moscow) và An-ca-ra thể hiện được vị thế của mình ở Xy-ri - nơi đã từng có lúc bị xem là “chiến trường ủy nhiệm”. Cũng không nên quên, khi mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga ngày càng trở nên khăng khít trong những năm gần đây, khá nhiều cường quốc phương Tây đã cảm thấy “gai mắt”.

Trong khi đó, IS vẫn luôn sẵn sàng tận dụng mọi mối hiềm khích để trở lại. Bên cạnh họ, những chiến binh người Cuốc (Kurd) cũng vẫn ôm ấp giấc mơ lập quốc, như vẫn thế suốt cả trăm năm qua. Ở những mảnh lãnh thổ khác của Xy-ri, các nhóm vũ trang đối lập với chính quyền Đa-mát (từng được Mỹ chống lưng), dù đã bị đánh tan tác, hẳn cũng chưa hoàn toàn bỏ cuộc.

Nếu có thể, đất nước ấy cần nhiều thỏa thuận, và cần nhiều cuộc tuần tra chung hơn nữa. Nhưng chưa ai biết, bao giờ mới là lúc thích hợp để quân đội Đa-mát cùng bảo vệ dân thường, cùng ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát bạo lực với những tay súng đã từng chống lại mình…