Bên những nụ cười

Có lẽ một chương mới đã thật sự được mở ra cho lịch sử Trung Ðông. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh đầy những gam màu tươi sáng mà người ta đang cố gắng vẽ nên, những đường nét về một Pa-le-xtin (Palestine) độc lập và toàn vẹn lãnh thổ dường như lại có phần nhòa nhạt.

Dĩ nhiên, việc bình thường hóa quan hệ với I-xra-en (Israel) thông qua vai trò trung gian của Mỹ là một sự "phá vỡ rào cản tâm lý", và "có thể tạo nên động lực phát triển cho toàn khu vực", như lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) A.Gác-gát (Anwar Gargash) ngày 15-9 - ngày mà UAE cùng Ba-ren (Bahrain) ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử tại khuôn viên Nhà trắng, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm (Donald Trump).

Ði kèm với thỏa thuận này là hàng loạt những cuộc thảo luận về khả năng hợp tác nhiều mặt, từ thương mại, công nghiệp tới du lịch… giữa các bên - món "lễ vật cầu hòa" hậu hĩnh mà bất cứ quốc gia nào, vì lợi ích của mình, cũng sẽ rất khó chối từ. Chưa kể, như chính người đứng đầu ngành ngoại giao UAE tiết lộ: UAE sẽ gần như chắc chắn có cơ hội mua được những chiến đấu cơ hiện đại F-35 của Mỹ để thay thế dòng máy bay F-16 đã quá lạc hậu, nhằm nâng cao năng lực quốc phòng.

Với những điều khoản đầy lợi lộc đó, có vẻ không phải là quá khoa trương, khi ông chủ hiện tại của Nhà trắng nói rằng sau UAE và Ba-ren, còn tới 5-6 quốc gia A-rập Hồi giáo sẵn sàng tham gia tiến trình bình thường hóa quan hệ với I-xra-en. Cho dù, cộng đồng ấy vẫn bày tỏ ý chí một lòng sát cánh với cuộc đấu tranh của người Pa-le-xtin.

ŨNG dĩ nhiên, Pa-le-xtin phản đối dữ dội những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương giữa I-xra-en và các nước A-rập này - được gọi chung là Thỏa thuận A-bra-ham (Abraham). Tuy nhiên, lần này, cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ bên cạnh họ chỉ còn I-ran (Iran) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao lại có sự thay đổi này từ UAE, Ba-ren và có thể là còn nhiều quốc gia A-rập khác? Vì đơn giản, trong mọi mối quan hệ quốc tế, lợi ích riêng của mỗi quốc gia luôn là điều quan trọng nhất. Có thể tin rằng, trong chuyến công du tới Trung Ðông hai tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo (Mike Pompeo) đã thật sự thuyết phục được các nhà lãnh đạo A-rập, bằng cách phác họa những viễn cảnh tươi sáng. I-xra-en, nói gì thì nói, vẫn là đất nước giàu mạnh hàng đầu của khu vực, và mọi sự kết nối để hợp tác phát triển kinh tế với đất nước ấy, trong hòa bình và ổn định, hiển nhiên là hấp dẫn hơn không khí căng thẳng của sự đối đầu. Ðó cũng là xu thế chung của thế giới hiện đại.

Bên cạnh đó, việc nước Mỹ "ra mặt" gánh vác vai trò trung gian cũng được UAE hay Ba-ren nhìn nhận như một sự bảo đảm về cân bằng chiến lược ở khu vực. Ở một khía cạnh nào đó, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này cũng có thể xem là một kiểu "hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau" trong các mối quan hệ song phương. Không chỉ vậy, việc có thể nâng cao năng lực quốc phòng thông qua các bản hợp đồng mua bán vũ khí hiện đại cũng sẽ khiến bản thân các quốc gia cảm thấy an toàn hơn, giữa rất nhiều xung đột chồng chéo…

Những nụ cười xuất hiện khi các cam kết được ký. I-xra-en không còn phải đối diện với quá nhiều tâm lý thù địch chung quanh. Ba-ren và UAE tiếp cận các cơ hội phát triển. Nước Mỹ tô đậm thêm vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Ðông, trong khi đương kim tổng thống Mỹ nâng cao thêm được uy tín ngay trước thềm chặng cuối của cuộc bầu cử. Ðây sẽ là một thành tựu ngoại giao còn được nhắc đến để tạo thêm ưu thế cho ông Ðô-nan Trăm trước đối thủ đảng Dân chủ. Kế hoạch này, ban đầu, đã từng bị nghi ngờ, thậm chí là bị chế giễu. Nhưng đến lúc này, nó đã trở nên hoàn toàn khả thi và đầy tính thuyết phục.

Nhưng, khó có cuộc chơi nào mà tất cả các bên đều chiến thắng! Trong trường hợp này, rõ ràng là quyền lợi của Pa-le-xtin đã được tạm gác sang một bên.

ĐÔNG PHONG