Bên lở, bên bồi

Nước Mỹ đã và đang gấp rút tiến hành triệt thoái binh sĩ của mình khỏi Xy-ri (Syria). Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã và đang bị đẩy lùi. Thế nhưng, theo các nhà quan sát quốc tế, năm 2019, tình hình Trung Đông vẫn sẽ diễn biến vô cùng phức tạp, với không ít những mâu thuẫn mới nảy sinh. Không loại trừ, sẽ có cả những “điểm nóng” mới xuất hiện.

Đầu tiên và có ý nghĩa quyết định, cho dù đã le lói những tín hiệu được xem là tích cực đối với hành trình tìm kiếm hòa bình và ổn định ở khu vực này, thì những mâu thuẫn trầm tích “thâm căn cố đế” tại Trung Đông vẫn chưa hề được giải quyết triệt để.

Thù hận nghìn năm giữa I-xra-en (Israel) với Pa-le-xtin (Palestine) nói riêng và xung đột Do Thái - Cộng đồng A-rập Hồi giáo nói chung vẫn đó. Mâu thuẫn giữa khát vọng “lập quốc” của người Cuốc (Kurd) với quyền đòi hỏi được bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ và I-rắc (Iraq) còn đây. Và ngay trong nội bộ thế giới Hồi giáo, mối hiềm khích giữa hệ phái Xăn-ni (Sunni) mà A-rập Xê-út (Ssaudi Arabia) là quốc gia lãnh đạo với hệ phái Xi-ít (Shi’ite) mà I-ran (Iran) là ngọn cờ đầu vẫn kia. Chưa kể, những sứt mẻ mang tính cục bộ ở các mối dây liên hệ, như cuộc khủng hoảng ngoại giao mà Liên đoàn A-rập (AL) tiến hành cô lập Ca-ta (Qatar). Chưa kể, những cuộc xung đột đẫm máu mang tính ủy nhiệm, như nội chiến Y-ê-men (Yemen).

Chưa kể, toan tính bảo vệ vị thế, tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của các cường quốc.

Quân đội Mỹ đã sẵn sàng rút chân khỏi Xy-ri. Ngày 22-1, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-pê-ô (Mike Pompeo) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu (Melvut Cavusoglu), hai thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã thảo luận qua điện đàm về tiến trình này, cũng như các vấn đề song phương khác. Lính Mỹ triệt thoái, nhưng quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết”, kể cả tràn qua biên giới-nghĩa là không đếm xỉa đến chủ quyền quốc gia của Xy-ri, để trấn áp các lực lượng vũ trang người Cuốc.

Đưa các lực lượng quân sự rời khỏi Xy-ri, nhưng bù lại, chắc chắn Nhà trắng sẽ sử dụng những công cụ khác, để tăng cường sức ép lên I-ran - quốc gia đang từng bước tái khẳng định vai trò cường quốc hàng đầu khu vực. Những gì đã và đang diễn ra chung quanh việc Mỹ tìm mọi cách để ép I-ran tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân lịch sử (JCPOA) là chỉ dấu cho thấy mọi chuyện sẽ còn có thể trở nên căng thẳng gấp bội. Và chớ quên, với các căn cứ quân sự của mình ở những nước Trung Đông khác, lúc nào quân đội Mỹ cũng có thể can thiệp trở lại.

Trong khi đó, câu chuyện về Giê-ru-xa-lem (Jerusalem), nơi được nước Mỹ bảo trợ để trở thành thủ đô mới của I-xra-en, bất chấp sự phản đối gay gắt của dư luận quốc tế và chính là tiền đề của những làn sóng phản kháng dữ dội khắp dải Ga-da (Gaza), cũng là một câu chuyện chưa hồi kết.

Đối diện với tất cả những động thái đó, chắc chắn những quốc gia không chấp nhận “khiêu vũ dưới cây gậy chỉ huy của Mỹ”, như Nga, I-ran và chính quyền Đa-mát (Damascus) của Xy-ri sẽ không dễ dàng chấp nhận thời cuộc xoay chuyển theo các toan tính của đối thủ. Mới nhất, đại diện nước Nga đã từ chối tham dự một hội nghị toàn cầu về hòa bình cho Xy-ri do Mỹ tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 2-2019 tại Ba Lan.

Và giới quan sát quốc tế hầu như đều đồng thuận với nhau về một điểm: I-ran cũng sẽ không có lý do gì để lùi bước trước sức ép. Điều đó lại càng khiến những nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Tê-hê-ran (Tehran) với các đối thủ cạnh tranh khác càng trở nên gần hơn trong hiện thực.

Điểm tích cực duy nhất để có thể hy vọng rằng mọi chuyện sẽ không tồi tệ thêm nữa, là lợi ích kinh tế. Giá dầu thô đang tăng trở lại, và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang dự báo những tương lai tươi sáng trong năm 2019, cho tất cả các quốc gia xuất khẩu dầu chủ chốt của Vùng Vịnh. Có lẽ, nhờ vậy, người ta sẽ hết sức tránh những điều tiêu cực ảnh hưởng đến “chuyện làm ăn” của mình…