Bắt đầu một sự kết thúc

Nước Mỹ đã mỏi mệt, nhưng có lẽ các thành viên khác của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) còn mỏi mệt hơn, với cuộc chiến tranh đã kéo dài tới 20 năm tại Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan). Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-béc (Jens Stoltenberg) hé lộ rằng tiến trình triệt thoái binh sĩ sẽ bắt đầu ngay sau ngày 1-5, và kết thúc trong vài tháng. Không còn lý do nào để những người lính ấy ở lại nữa.

Ngày 11-9, tròn 20 năm ngày nhóm khủng bố An Kê-đa (Al Qaeda) cắm một mũi dao vào trái tim nước Mỹ, cũng là ngày đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) lựa chọn làm thời hạn cuối cùng để đưa toàn bộ các binh sĩ đồn trú Mỹ "về nhà"."Tôi đang là Tổng thống Mỹ thứ tư quản lý sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người thứ năm!" - ông chủ Nhà trắng khẳng định.

Nhưng thật ra, tiến trình này đã được bắt đầu từ năm cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống tiền nhiệm - Ðô-nan Trăm (Donald Trump), qua những cuộc đàm phán và tiếp xúc song phương riêng rẽ giữa Mỹ với lực lượng Ta-li-ban (Taliban).

Và khi ấy, nước Mỹ làm các đồng minh NATO của mình hoang mang, nếu không muốn nói là cả giận dữ, khi cứ quyết định cũng như cứ tiến hành như vậy mà không có sự tham vấn ý kiến nào.

Còn bây giờ, mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Áp-ga-ni-xtan không chỉ là "vũng lầy" của riêng nước Mỹ. Ðó cũng chính là cuộc chiến dài nhất và gây nhiều tổn thất nhất cho NATO nói chung, theo đánh giá của đài DW (Ðức). Bên cạnh những đơn vị lính Mỹ, lực lượng quốc tế đóng trú ở quốc gia Nam Á này còn bao gồm cả sự hiện diện của 36 quốc gia, mà trong đó, Ðức là cường quốc cung cấp lực lượng lớn thứ hai.

Chi phí chiến tranh đã trở thành một gánh nặng đối với nước Mỹ khi đặt lên những cán cân lợi ích. Và có thể khẳng định, điều đó còn "khó chịu" hơn nữa đối với các đồng minh NATO khác, bởi lợi ích mà họ thu được từ việc đóng quân ở Áp-ga-ni-xtan là nhỏ hơn nhiều so với những gì nước Mỹ có được. Tuy vậy, phải đến sau khi đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tái xác nhận lộ trình rút quân, Ðức, Anh và nhiều quốc gia khác mới chính thức đưa ra các tuyên bố cần thiết.

"Ðây không phải sự kết thúc. Ðây là điểm khởi đầu của một chương mới, nơi người Áp-ga-ni-xtan tự xây dựng nền hòa bình bền vững cho mình" - Tổng Thư ký NATO phát biểu.

Tuy vậy, đó dường như chỉ là một lời biện hộ cho sự vội vã "rút chân khỏi vũng lầy" theo chân Mỹ của NATO. Rất nhiều đánh giá từ giới quan sát quốc tế dự báo Áp-ga-ni-xtan có thể rơi vào tình trạng "hỗn loạn tồi tệ". Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi năm 2014, khi quyền lực nhà nước tại I-rắc (Iraq) sụp đổ trong một bối cảnh tương tự Áp-ga-ni-xtan hiện tại, là một vết xe đổ rất khó tránh.

Nhưng trong khi đó, cho đến lúc này, những tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Áp-ga-ni-xtan với Ta-li-ban vẫn đang lâm vào bế tắc. Cho đến lúc này, cùng với Mỹ, NATO cũng đã phải phát đi những thông điệp răn đe, rằng họ sẽ cân nhắc chuyện đẩy nhanh tiến trình triệt thoái binh sĩ hoặc chậm lại, căn cứ trên thiện chí và sự giảm bạo lực từ phía Ta-li-ban. Và cho đến lúc này, thật ra, vẫn chưa có thỏa thuận ngừng bắn nào được ký kết, để bảo đảm rằng đã có một nền tảng cơ sở cho viễn cảnh "hòa bình bền vững" nào đó.

Thỏa thuận ấy ngày càng xa vời, bởi khi không còn lính Mỹ, không còn các binh sĩ quốc tế, chỉ còn trơ trọi các nhân viên dân sự làm nhiệm vụ nhân đạo mà Liên hợp quốc giao phó, chẳng còn quyền lực nào có thể ép Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán, chứ đừng nói đến chấp nhận thỏa hiệp.

Tròn 20 năm, những người lính NATO đã có thể nghĩ đến chuyện "trở về nhà an toàn", như các chính trị gia đang cổ vũ họ. Chỉ có mảnh đất mà họ để lại vẫn sẽ còn day dứt vì những câu hỏi: Nếu vậy, thì những đơn vị phương Tây ấy vì sao lại đến đây? Và ở lại lâu đến thế để làm gì?