Xác lập giá trị mới cho hang động núi lửa ở Tây Nguyên

Sau ba năm nghiên cứu, trải qua nhiều đợt thực địa dài ngày tại các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam đã có nhiều phát hiện mới về di sản hang động núi lửa ở Tây Nguyên trong khuôn khổ đề tài TN17/T06 thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng để bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, mở ra các hướng nghiên cứu mới, góp phần giải mã các vấn đề liên quan nhân chủng học cư dân tiền sử Tây Nguyên.

Việt Nam, hang động núi lửa mới chỉ được phát hiện ở huyện Tân Phú (Ðồng Nai) và huyện Krông Nô (Ðắk Nông). Hang động núi lửa ở Krông Nô được phát hiện vào năm 2007 và được xác lập có quy mô, độ dài và tính độc đáo nhất Ðông - Nam Á vào năm 2014. Sau khi được phát hiện, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô là đối tượng quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu ở mức độ chuyên sâu đa ngành và toàn diện hơn nhằm bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý di sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nhiều đề tài khoa học ở các cấp độ khác nhau liên quan hệ thống hang động núi lửa đã được thực hiện, trong đó chỉ có đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông" (triển khai từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2020) thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 đã nghiên cứu tổng thể về di sản trên cả ba lĩnh vực: di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hóa. Kết quả nghiên cứu tổng thể về di sản trong hang động và di sản liên quan diện phân bố đá ba-dan của đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc, nổi bật, trong đó có các giá trị di sản liên quan hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.

TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Ðến nay, đã phát hiện và định danh trên bản đồ được 50 hang động núi lửa, khảo sát và đo vẽ
chi tiết được 20 hang, trong đó 12 hang liên quan di tích khảo cổ tiền sử. Hang động ở đây được thành tạo liên quan nhiều đợt phun trào của núi lửa Chư B’Luk, trong đó đợt phun trào đầu tiên cách ngày nay 700 nghìn năm và đợt gần đây nhất là cách 200 nghìn năm.

Ðối với di sản địa chất, theo phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của UNESCO, di sản địa chất trong hang động núi lửa Krông Nô có 7 trong số 10 kiểu, gồm: kiểu A (cổ sinh), kiểu B (địa mạo), kiểu C (cổ môi trường), kiểu D (đá), kiểu E (địa tầng), kiểu I (kiến tạo/lịch sử địa chất), kiểu F (khoáng vật khoáng sản). Mỗi kiểu di sản địa chất đều đặc trưng cho nguồn gốc và cơ chế thành tạo khác nhau, trong bối cảnh địa chất khác nhau. Giá trị di sản của 50 hang động đã được các nhà khoa học của đề tài đánh giá xếp hạng, với sáu hang cấp quốc tế, 40 hang cấp quốc gia, bốn hang cấp địa phương.

Ðối với đa dạng sinh học, các nhà sinh học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã xác lập tính đa dạng trong hang và phát hiện nhiều loài sinh vật có thể mới cho khoa học, thí dụ loài bọ cạp mới và đặc hữu cho hang động núi lửa Krông Nô đã được công bố quốc tế là loài bọ cạp Chaerilus chubluk. Một số loài động vật (dơi, thạch sùng…) và côn trùng khác đang tiếp tục được nghiên cứu, biên tập để công bố.

Ðối với di sản văn hóa, nổi bật là di chỉ khảo cổ - di tích tiền sử trong hang động núi lửa ở Krông Nô, được khai quật từ năm 2018 đến 2020. Kết quả khai quật đã thu thập được hàng chục nghìn hiện vật các loại, trong đó có rất nhiều di tích động vật (vụn vỏ nhuyễn thể, xương răng động vật…); đặc biệt là di cốt người tiền sử đã gây chấn động giới khoa học trong nước và quốc tế bởi tính độc đáo và hiếm gặp (cho đến nay, trên thế giới chưa có hang động núi lửa nào được tìm thấy di cốt người tiền sử). Các hiện vật thu thập được cho thấy, cư dân thời tiền sử định cư trong hang 7.000 năm cách ngày nay và ở liên tục trong hang khoảng từ 3.000 đến 4.000 năm. Các công cụ đặc trưng là rìu đá hình bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn ghè hai mặt và táng thức của cư dân tiền sử ở đây đã gợi lại loại hình kỹ thuật của nền văn hóa Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu và khai quật đã xác lập được các loại hình di tích trong hang động núi lửa ở đây gồm: di tích cư trú, di tích xưởng, di chỉ mộ táng, di tích trại săn tạm thời và di tích liên quan đến nghi lễ tôn giáo. Cùng với đó, trên cơ sở nghiên cứu tổng thể về môi trường địa - hóa - sinh ở tầng văn hóa, các nhà khoa học đã trả lời được vì sao hang động ở đây bảo tồn rất tốt di tích động vật cổ, di cốt người tiền sử, đó là do thành phần các-bo-nát, can-xi trong đất rất cao, nhiệt độ trong hang khá ổn định, hàm lượng vi sinh vật trong hang rất thấp, khiến hang có vai trò như chiếc tủ lạnh bảo quản bảo tồn di tích. Các kết quả nghiên cứu và phát hiện mới của đề tài là cơ sở khoa học vững chắc để bổ sung, hoàn thiện các nghiên cứu về đặc tính phát triển liên tục, hệ thống của lịch sử tự nhiên và xã hội trên đất Tây Nguyên.

Di tích tiền sử trong hang C6.1, nổi bật là di cốt người tiền sử đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Ðáng chú ý, tổ chức nghiên cứu khoa học có uy tín hàng đầu thế giới như Trung tâm Geogenetics thuộc Ðại học Copenhagen (Ðan Mạch) đang hợp tác với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để đầu tư nghiên cứu các chuyên môn sâu. Kết quả nghiên cứu đã và đang được xác lập, biên tập để công bố quốc tế.

Có thể thấy, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một quần thể di sản hỗn hợp vô giá của cả di sản thiên nhiên (gồm di sản địa chất và đa dạng sinh học) và di sản văn hóa (di tích tiền sử) có giá trị nổi bật toàn cầu, là linh hồn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông. Các kết quả nghiên cứu và phát hiện mới của đề tài rất có giá trị về khoa học và thực tiễn trong công tác nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, góp phần làm nên danh hiệu và bảo vệ danh hiệu "Công viên địa chất toàn cầu" trong lần tái thẩm định sắp tới cũng như mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới liên quan.