Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Tuyên Quang có đặc thù là tỉnh miền núi, cho nên việc tìm tòi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất luôn được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu, coi đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là khâu then chốt để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lạc cho người dân tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lạc cho người dân tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang chú trọng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; tham mưu xây dựng lồng ghép các nguồn vốn để ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, từ đó thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp; nhiều mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân 5,78%/năm, năm 2016 tăng trưởng hơn 4%.

Thời gian qua, Tuyên Quang đã xây dựng thành công và duy trì 13 mô hình sản xuất VietGAP, với tổng diện tích áp dụng là 153,7 ha (trong đó có hai mô hình chè, 10 mô hình cam, và một mô hình bưởi) và 769 ha chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững Rainforest. Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho 29 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm được chứng nhận VietGAP đều có giá bán tăng khoảng 30% so với trước khi được chứng nhận, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường như: cam sành Hàm Yên, bưởi Xuân Vân, chè bát tiên Mỹ Bằng, chè xanh Vĩnh Tân, mật ong Phong Thổ,... Hệ thống khuyến nông đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ đối với nhiều cây trồng; việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường và giá các mặt hàng nông sản để nông dân thực hiện đúng kỹ thuật và có định hướng đầu tư sản xuất; triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình đạt hiệu quả, được nhân rộng, điển hình như: mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu; mô hình giống lúa RVT và Bte-1; mô hình chè Làng Bát; mô hình hầm bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi; mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học,... Chú trọng nghiên cứu tuyển chọn, chuyển giao đưa vào sản xuất nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của thị trường thông qua các đề tài, dự án khoa học - công nghệ. Góp phần đưa tỷ lệ sử dụng giống lúa tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đạt hơn 85% diện tích. Ðồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ máy móc giảm tổn thất sau thu hoạch; tập huấn kiến thức và kỹ năng về sử dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Ðưa mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 80,59%; cơ giới khâu thu hoạch, tuốt, tách hạt 47,93%; cơ giới khâu chăm sóc 16,83%; cơ giới khâu gieo cấy 7,09%,... vừa nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội được tiếp cận với khoa học và công nghệ mới trong sản xuất. Không chỉ hỗ trợ sản xuất, Trung tâm khuyến nông tỉnh Tuyên Quang còn hướng dẫn các địa phương trong tỉnh ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Để góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá ở miền núi phía bắc như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra, giai đoạn tới, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định "đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là khâu then chốt để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản". Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tạo bước đột phá về giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống; tưới tiên tiến; sản xuất an toàn sinh học; phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Tăng cường hợp tác công tư, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ hiệu quả. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.

Chú trọng thực hiện công tác đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả.

NGUYỄN ĐẠI THÀNH

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang