Phát hiện rạn san hô cao hơn Tòa nhà Empire State

NDO -

Trong khi thực hiện chuyến thám hiểm trên tàu nghiên cứu Falkor, các nhà khoa học từ Viện Đại dương Schmidt, Australia đã phát hiện một rạn san hô tách rời khổng lồ cao hơn 500m ở quần thể rạn san hô Great Barrier.

Rạn san hô mới phát hiện cao hơn 500 m, cách mặt biển 40 m. Ảnh: Viện Đại dương Schmidt.
Rạn san hô mới phát hiện cao hơn 500 m, cách mặt biển 40 m. Ảnh: Viện Đại dương Schmidt.

Được tìm thấy vào ngày 20-10, rạn san hô này cao hơn Tòa nhà Empire State, Tháp Sydney, hay Tháp đôi Petronas.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rạn san hô này khi đang tiến hành lập bản đồ dưới nước của đáy biển phía bắc quần thể rạn san hô Great Barrier trong chuyến khám phá đại dương bao quanh Australia kéo dài 12 tháng. Sau khi phát hiện, họ sử dụng robot dưới nước SuBastian để tiến hành lặn để khám phá rạn san hô mới.

Phần chóp của mỏm san hô cao vút nằm dưới bề mặt đại dương 40 m và phần đáy rộng khoảng 1,5 km.

Nhà sinh vật học Tom Bridge cho biết đây là rạn san hô tách rời đầu tiên được tìm thấy trong hơn 120 năm. Trước đó, bảy rạn san hô khác được lập bản đồ vào cuối những năm 1800.

"Rạn san hô tách ra mới được phát hiện này bổ sung cho bảy rạn san hô tách rời cao khác trong khu vực", ông nói.

Phát hiện rạn san hô cao hơn Tòa nhà Empire State -0
Ảnh: Viện Đại dương Schmidt. 

Wendy Schmidt, người đồng sáng lập Viện Đại dương Schmidt cho biết: “Khám phá bất ngờ này khẳng định rằng chúng ta tiếp tục tìm thấy các cấu trúc chưa được biết đến và các loài mới trong đại dương của chúng ta. Sự hiểu biết của chúng ta về những gì trong đại dương từ lâu đã rất hạn chế. Nhờ các công nghệ mới hoạt động như mắt, tai và tay của con người trong lòng đại dương sâu thẳm, chúng ta có thể khám phá nhiều hơn bao giờ hết. Các cảnh quan đại dương mới đang mở ra với chúng ta, tiết lộ các hệ sinh thái và các dạng sống đa dạng trong hành tinh của chúng ta”.

Nhóm nghiên cứu trên tàu nghiên cứu Falkor cũng đã tìm thấy năm loài san hô đen và bọt biển chưa từng được mô tả.

Họ cũng lần đầu tiên phát hiện một con cá cạp nia quý hiếm ở Biển San hô và Công viên biển Great Barrier Reef.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra sinh vật biển dài nhất được ghi nhận ở Ningaloo Canyon ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Tây Úc, đó là một con Siphonophore dài 45 mét, là loài ăn thịt dạng keo sống sâu dưới đại dương.

Xa hơn về phía nam, họ tìm thấy những khu vườn và nghĩa địa san hô dưới đáy biển sâu trong Công viên Hàng hải Bremer Canyon.

Tiến sĩ Bridge nói: “Chúng ta biết nhiều hơn về bề mặt của mặt trăng so với những gì nằm ở dưới sâu bên ngoài đường bờ biển của chúng ta”.

Chuyến thám hiểm quần thể rạn san hô Great Barrier sẽ tiếp tục cho đến ngày 17-11 trong khuôn khổ chiến dịch kéo dài một năm của Viện Đại dương Schmidt. Họ sẽ lập các bản đồ thông qua AusSeabed, một chương trình lập bản đồ đáy biển quốc gia của Australia.