Nổi hạch sau khi tiêm vaccine Covid-19 dễ nhầm với ung thư

NDO -

Các chuyên gia ung thư và bác sĩ X quang cảnh báo, các hạch bạch huyết, đặc biệt là ở nách, thường sưng lên sau khi tiêm phòng. Đó là một phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch, nhưng có thể bị nhầm với ung thư nếu nó xuất hiện trên phim chụp X-quang tuyến vú hoặc lồng ngực.

Người chụp quang tuyến vú hoặc kiểm tra ung thư khác ngay sau khi tiêm vaccine Covid-19 nên báo cho các bác sĩ, để ngăn ngừa các chẩn đoán sai. Ảnh: AP.
Người chụp quang tuyến vú hoặc kiểm tra ung thư khác ngay sau khi tiêm vaccine Covid-19 nên báo cho các bác sĩ, để ngăn ngừa các chẩn đoán sai. Ảnh: AP.

Vào tuần trước, một nhóm chuyên gia từ ba trung tâm ung thư ở Mỹ gồm MD Anderson, Memorial Sloan Kettering và Dana-Farber đã công bố các khuyến nghị trên tạp chí Radiology về cách xử lý các bản scan phức tạp do tác dụng phụ của tiêm chủng.

Thông điệp chính của bài báo là: “Điều này sẽ không ngăn cản bệnh nhân tiêm vaccine”, Tiến sĩ Melissa Chen, bác sĩ X quang tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, một trong những đồng tác giả nhấn mạnh.

Tuần này, theo các khuyến nghị tương tự trên tạp chí American College of Radiology, các hạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch, nơi tập trung các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Bình thường, các hạch này thường quá nhỏ để cảm nhận được. Nhưng chúng có thể sưng lên khi bị bệnh và sau khi tiêm các loại vaccine. Và với sự tăng vọt số lượng người tiêm chủng Covid-19, các kết quả chụp hình ảnh gồm CT ngực, chụp PET và chụp quang tuyến vú cho thấy các hạch bạch huyết nổi lên.

Tiến sĩ Chen cho biết, các hạch sưng thường là ở nách và gần xương đòn, cùng phía với vết tiêm chủng.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tình trạng nổi hạch cùng với các phản ứng liên quan đến tiêm khác thường được báo cáo trong các nghiên cứu về vaccine của Pfizer và Moderna, còn vaccine Johnson & Johnson thì không.

FDA nhận thấy, 16% người tham gia nghiên cứu của Moderna bị nổi hạch dưới cánh tay sau liều tiêm thứ hai. Nhưng nếu các hạch bạch huyết chỉ to lên một chút, chúng đã có thể hiển thị trên các bản chụp quang tuyến vú hoặc chụp cắt lớp lồng ngực, gần giống với hình ảnh lây lan của khối u.

Các chuyên gia khuyên rằng, nếu vừa mới được chủng ngừa, người bệnh hãy nói với bác sĩ X quang trước khi chụp. Điều đó sẽ giúp họ đánh giá xem đó là hạch bạch huyết liên quan đến vaccine hay là cần theo dõi để làm sinh thiết hoặc xét nghiệm khác nếu cần.

Người bệnh nên cố gắng lên lịch khám sàng lọc và chụp chiếu liên quan đến ung thư trước khi tiêm chủng.

Những người bị ung thư đang hoạt động ở một bên cơ thể có thể chọn tiêm vaccine cho bên đối diện để giảm thiểu nhầm lẫn.

Các bác sĩ X quang nhấn mạnh, không vì sự nhầm lẫn này mà trì hoãn tiêm vaccine. Để không bị nhầm lẫn thì bệnh nhân nên lên lịch khám sàng lọc thông thường sáu tuần sau khi tiêm chủng.

Cuộc đua vaccine Covid-19