Nhân bản ngựa hoang Mông Cổ đầu tiên trên thế giới

NDO -

Các nhà khoa học lần đầu tiên nhân bản thành công một chú ngựa hoang Mông Cổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên từ hơn 50 năm nay trong nỗ lực bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Ngựa con Przewalski được nhân bản tại cơ sở thú y Texas vào ngày 6-8.
Ngựa con Przewalski được nhân bản tại cơ sở thú y Texas vào ngày 6-8.

Chú ngựa con được đặt tên là Kurt, biểu tượng của niềm hy vọng mới cho sự tồn tại của loài ngựa này, được sinh ra vào ngày 6-8. Chú là con ngựa hoang Mông Cổ đầu tiên được nhân bản thành công.

Nhân bản ngựa từ DNA đông lạnh 40 năm trước

Ngựa hoang Mông Cổ, còn gọi là ngựa Przewalski, là một loài ngựa có nguy cơ tuyệt chủng có nguồn gốc từ thảo nguyên ở Trung Á. Chúng được coi là loài cuối cùng của “ngựa hoang thực sự” và là “anh em họ xa” của ngựa nhà ngày nay, có khả năng tách ra từ một tổ tiên chung khoảng 500.000 năm trước.

Điều thú vị hơn cả là chú ngựa Kurt đã được nhân bản từ DNA của một con ngựa đực Przewalski được bảo quản lạnh tại vườn thú cách đây 40 năm, hồi sinh sự đa dạng di truyền được cho là đã mất cách đây nhiều thập kỷ.

Nhà động vật học Bob Wiese, Giám đốc khoa học sự sống tại San Diego Zoo Global, Texas, Mỹ cho biết: “Chú ngựa con này được kỳ vọng là một trong những cá thể quan trọng nhất về mặt di truyền của loài ngựa hoang Mông Cổ”.

"Chúng tôi hy vọng rằng chú ngựa nhân bản sẽ mang lại sự biến đổi gen quan trọng cho tương lai của quần thể ngựa Przewalski."

Các quần thể ngựa bản địa Przewalski (Equus ferus przewalskii) lang thang trên thảo nguyên đã giảm sút nghiêm trọng sau Thế chiến thứ hai, do sự kết hợp của các yếu tố như săn bắn, cạnh tranh với gia súc khi con người di chuyển vào lãnh thổ của chúng và mùa đông khắc nghiệt.

Lần cuối cùng được xác nhận nhìn thấy ngựa Przewalski trong tự nhiên là vào năm 1969.

Ngựa hoang Mông Cổ nhân bản đầu tiên trên thế giới -0
 Chú ngựa nhân bản đầu tiên trên thế giới được đặt tên là Kurt.

May mắn thay, một số con ngựa vẫn còn trong vườn thú, nhưng không nhiều. Người ta đã nhân giống ngựa hoang Mông Cổ từ 12 con ngựa, trong đó có 11 con ngựa Przewalski bị bắt từ tự nhiên từ năm 1899 đến năm 1902, và một con khác bị bắt vào năm 1947. Nhờ chương trình nhân giống này, ngày nay có khoảng 2.000 cá thể ngựa Przewalski.

Tuy nhiên, việc đàn ngựa được nhân giống từ 12 cá thể tổ tiên khiến sự đa dạng di truyền thấp hơn. Trên hết, các quần thể nhỏ giống nhau về mặt di truyền khiến tỷ lệ ngựa Przewalski giao phối cận huyết cao hơn nhiều, và một lần nữa làm giảm khả năng sống sót lâu dài của loài này.

Một vấn đề khác là một số ngựa Przewalski lai với ngựa nhà, làm trầm trọng thêm sự thất lạc di truyền.

Sẽ nhân bản cả voi ma mút tuyệt chủng 4.000 năm

Bố của chú ngựa Kurt tên là Kuporovic, sống từ năm 1975 đến 1998. Một phân tích về phả hệ cho thấy bộ gen của Kuporovic có tổ tiên duy nhất từ ​​hai con ngựa Przewalski hoang dã. Vì thế, ngựa bố Kuporovic cung cấp nhiều biến thể di truyền hơn bất kỳ con ngựa Przewalski nào còn sống. Vào năm 1980, các nhà khoa học đã lấy mẫu DNA của Kuporovic và bảo quản nó trong Vườn thú Frozen của Sở thú San Diego.

Sở thú San Diego hợp tác với nhóm bảo tồn động vật hoang dã Revive & Restore và Công ty nhân bản động vật ViaGen Equine để tạo ra một phôi thai sử dụng vật liệu di truyền của Kuporovic.

Ngựa hoang Mông Cổ nhân bản đầu tiên trên thế giới -0
Ngựa Kurt và ngựa mẹ mang thai hộ. Ảnh: Revive & Restore.

Phôi thai này được cấy vào một con ngựa nhà và chú ngựa Przewalski thuần chủng được sinh ra khỏe mạnh sau khi mang thai bình thường. Nó được đặt theo tên của người sáng lập Sở thú Frozen, ông Kurt Benirschke. Ông chính là người tạo ra Vườn thú Đông lạnh toàn cầu của Sở thú San Diego, nơi đã thu thập và bảo tồn vật liệu di truyền của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng từ năm 1975.

Các nhà khoa học cho biết chú ngựa nhân bản Kurt cuối cùng sẽ được chuyển đến Vườn thú San Diego Safari Park và hòa nhập vào một đàn ngựa Przewalski khác để sinh sản.

"Chúng tôi hy vọng rằng trong 5 đến 10 năm tới, khi Kurt trưởng thành thành con ngựa giống Przewalski nhân bản đầu tiên trên thế giới, nó sẽ giao phối thành công và đóng góp vào sự đa dạng di truyền của loài mình và cho tương lai của sự đổi mới bảo tồn."

Chủ tịch của San Diego Zoo Global, ông Paul A. Baribault nói trong một tuyên bố: “Công việc cứu các loài nguy cấp đòi hỏi các đối tác hợp tác và tận tâm với các mục tiêu”.

Ngựa hoang Mông Cổ nhân bản đầu tiên trên thế giới -0
"Vườn thú đông lạnh toàn cầu" tại Sở thú San Diego thu thập và bảo tồn vật liệu di truyền của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

“Chúng tôi chia sẻ thành tựu đáng kể này bởi vì chúng tôi đã áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành để tận dụng kiến thức khoa học tốt nhất và sử dụng vật liệu di truyền quý giá được thu thập và lưu trữ trong ngân hàng sinh học DNA động vật hoang dã của chúng tôi”, ông nói.

Bà Ryan Phelan, Giám đốc điều hành của Revive & Restore cho biết: “Sự ra đời của chú ngựa theo phương pháp nhân bản này mở rộng cơ hội cứu các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng”.

“Các công nghệ sinh sản tiên tiến, bao gồm nhân bản, có thể cứu các loài bằng cách cho phép chúng ta khôi phục sự đa dạng di truyền mà lẽ ra đã bị mất theo thời gian”, bà khẳng định.

Ngựa Przewalski không phải là loài duy nhất mà Revive & Restore đang cố gắng phục hồi thông qua công nghệ sinh học. Nhóm đang cố gắng hồi sinh ít nhất sáu loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng, trong đó có cả voi ma mút Wooly, loài đã tuyệt chủng khoảng 4.000 năm trước.

Các tổ chức và cơ sở nghiên cứu khác cũng đang cố gắng hồi sinh các loài đã tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng bằng công nghệ sinh học, chẳng hạn Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia đang lên kế hoạch hồi sinh loài tê giác Sumatra vừa tuyệt chủng.

Trước đó, bò đực đã được các nhà khoa học nhân bản từ vật liệu đông lạnh trước đó 13 năm. Và những con chồn chân đen có nguy cơ tuyệt chủng đã được lai tạo bằng cách sử dụng tinh trùng đã được đông lạnh trong 20 năm.