Hỗ trợ các chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, nhằm mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Thời gian qua, đề án đã chú trọng nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST), góp phần thực hiện mục tiêu của đề án đã đề ra.

Dự án mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Vietnam Startup Day.Ảnh: MINH THU
Dự án mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Vietnam Startup Day.Ảnh: MINH THU

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến hết năm 2019, đề án đã hỗ trợ tổ chức 244 khóa đào tạo, tập huấn về KNST cho hơn 23 nghìn người là các chủ thể của hệ sinh thái. Trong đó, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNST chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là lực lượng cán bộ quản lý địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và đội ngũ huấn luyện viên, cố vấn KNST. Hoạt động đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực, kết nối mạng lưới chuyên gia với các tổ chức hỗ trợ KNST, hỗ trợ các cán bộ địa phương trong việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ KNST kịp thời. Chỉ riêng hai năm 2018 và 2019, gần 200 cá nhân thuộc các nhóm doanh nghiệp KNST được đào tạo thông qua các khóa huấn luyện lý thuyết và thực hành. Trong đó, khoảng 10% số nhóm, doanh nghiệp KNST được đào tạo để tiếp tục tham gia các chương trình thúc đẩy kinh doanh, kết nối đầu tư. Đơn cử, Đại học Huế đã kết nối cho sáu nhóm, doanh nghiệp KNST nhận đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
 
 Đề án đã đào tạo 625 cố vấn, huấn luyện viên về KNST. Ngoài các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương đã bắt đầu hình thành các mạng lưới cố vấn, huấn luyện viên hoạt động tích cực với sự hỗ trợ ban đầu của đề án, như Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Vũng Tàu… Các cán bộ quản lý của các bộ, ngành, địa phương… cũng được đào tạo, từ đó hình thành mạng lưới các cán bộ đầu mối hỗ trợ KNST giữa các tỉnh, thành phố để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái KNST tại địa phương. Năm 2019, có thêm sáu tỉnh, thành phố ban hành đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNST tại địa phương, trong khi nhiều địa phương cũng đã thành lập trung tâm hỗ trợ KNST, các cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ. Một số trung tâm tập trung vào lĩnh vực đặc trưng của địa phương, vùng, như tỉnh Quảng Ninh có hai trung tâm ươm tạo lĩnh vực dược liệu, gốm sứ mỹ nghệ; tỉnh Bình Dương có Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Cùng với hoạt động đào tạo, hỗ trợ, đề án chú trọng huấn luyện chuyên sâu cho doanh nghiệp KNST trong các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đến hết năm 2019, thông qua các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đề án đã hỗ trợ cho hơn 500 doanh nghiệp KNST, trong đó 52 doanh nghiệp KNST kêu gọi được khoảng 900 tỷ đồng.
 
 Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng đề án Phạm Dũng Nam cho biết, từ thực tế nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái KNST đã bộc lộ những khó khăn cần tháo gỡ. Trong khuôn khổ của đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đưa chương trình đào tạo về KNST thành các môn học chính khóa hoặc ngoại khóa trong các trường đại học, cao đẳng. Hiện, có hơn 40 cơ sở giáo dục và đào tạo đã hình thành mô hình câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ KNST. Mặc dù khung tài liệu, giáo trình về KNST cho các cơ sở giáo dục đã có, nhưng khi phổ biến đến mỗi địa phương, các trường đại học, cao đẳng cần có hướng dẫn cụ thể để đưa ra chương trình phù hợp với từng loại đối tượng người học.
 
 Bên cạnh đó, số lượng huấn luyện viên KNST có năng lực chuyên sâu và kinh nghiệm truyền đạt còn ít; hoạt động thu thập, công bố thông tin về chuyên gia tư vấn, huấn luyện viên KNST trong các lĩnh vực công nghệ chưa được thực hiện. Do đó, việc khai thác, tận dụng nguồn lực trí tuệ của chuyên gia, huấn luyện viên KNST còn thấp, với khoảng gần 50 người trong cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần tổ chức các chương trình đào tạo huấn luyện viên chất lượng cao, có cơ chế thu hút chuyên gia nước ngoài. Cùng với đó, cần hoàn thiện các quy định về quản lý, đánh giá công nhận, công bố và điều phối hoạt động của mạng lưới chuyên gia KNST. Thời gian tới, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ vận hành các trung tâm, tổ chức hỗ trợ KNST tại địa phương để hình thành hệ thống đồng bộ, liên kết và tận dụng các nguồn lực của nhau hiệu quả.