Quy hoạch - đầu tư

Quan tâm hơn đến thiết kế đô thị

Việc chưa quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng về tốc độ phát triển của đô thị đã dẫn tới những áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, biểu hiện rõ nhất là nạn ùn tắc giao thông, úng ngập.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), phần lớn các công trình đã đưa vào sử dụng và xây dựng mới tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều được xây dựng trong khu đô thị, nhất là khu vực đô thị lõi. Tại Hà Nội, có thể kể đến các tổ hợp công trình như chung cư Pacific Place Hà Nội (quận Hoàn Kiếm, cao 18 tầng), chung cư Kinh Đô Building (quận Hai Bà Trưng, cao 29 tầng), tổ hợp Indochina Plaza Hà Nội (quận Cầu Giấy cao 43 đến 54 tầng). Trong khi đó, các khu đô thị ở nội đô cũng có tỷ lệ sử dụng đất xây dựng các công trình ở mức cao, từ 60% đến 90%, như khu trung tâm bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

GS, TS, KTS Nguyễn Tố Lăng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc phát triển các công trình hỗn hợp cao tầng tại các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao là chưa quan tâm đúng mức tới thiết kế đô thị. Các chủ đầu tư thường tận dụng tối đa không gian để xây dựng công trình, từ đó gây áp lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Thực tế, có không ít dự án nhà cao tầng sau vài năm ngừng thi công, khi tái khởi động bỗng chốc được nâng tầng. Ngay cả việc nén nhiều dự án cao tầng tại một trục đường cũng đã gây áp lực giao thông rất lớn, như trục Cầu Giấy - Xuân Thủy, Lê Văn Lương - Tố Hữu...

Hay việc chủ đầu tư vì lợi nhuận bán căn hộ đã “bỏ quên” phần diện tích phục vụ cộng đồng cũng làm gia tăng áp lực đô thị cho khu vực đó. Phân tích rõ hơn, Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia, TS, KTS Đặng Tiên Phong cho biết, do hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định cho công tác thiết kế công trình hỗn hợp cao tầng chưa thống nhất và đồng bộ, cho nên việc “bùng nổ xen cấy” các dự án công trình hỗn hợp cao tầng trong khu vực nội đô đã trở thành rào cản cho công tác quản lý cấp phép cũng như thiết kế. Vì thế, dẫn đến những tác động tiêu cực của việc phát triển nhà cao tầng với đô thị, mà biểu hiện rõ nét nhất là các hiện tượng tắc đường, ngập úng, quá tải hạ tầng thường xuyên xảy ra.

Để giải quyết vấn đề này, theo TS, KTS Đặng Tiên Phong, cần phải sớm xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí cho phát triển nhà cao tầng nói riêng và công trình cao tầng hỗn hợp nói chung. Công trình cao tầng hỗn hợp tại khu vực nội đô khi xây dựng phải tuân theo các quy định về khoảng đệm, khoảng lùi, cây xanh cần thiết để làm đẹp cho kiến trúc cảnh quan, tránh xung đột về giao thông. Tùy theo các loại chức năng và vị trí khác nhau, các công trình hỗn hợp có khoảng lùi từ 5 đến 30 m, với khoảng đệm trồng cây xanh từ 3 đến 5 m.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan thẩm quyền có chức năng khi xét duyệt quy hoạch, cấp phép dự án phải quan tâm hơn đến thiết kế của tòa nhà trong mỗi khu vực. Chẳng hạn, với dạng công trình nhà ở, diện tích khu vực trung tâm thương mại trong các tòa nhà chung cư cần đáp ứng các tiêu chí cụ thể, như mật độ tập trung người phù hợp; bảo đảm khả năng thoát người an toàn; có vị trí xây dựng tiếp cận gần với các tuyến giao thông chính; diện tích chỗ để xe. Diện tích công trình hỗn hợp dịch vụ, không được vượt quá 20% tổng diện tích sàn công trình.

Phát triển nhà cao tầng trong đô thị là xu thế tất yếu, nhưng việc thiết kế đô thị phải tạo ra sự hấp dẫn, năng động. Vì thế, việc quan tâm đến thiết kế đô thị sẽ có sức hút người dân lựa chọn đến sinh sống, làm việc ổn định, tạo sự phát triển tích cực.