Quy hoạch - Đầu tư

Kiểm soát chặt để hạn chế vi phạm xây dựng

Sáu tháng đầu năm nay, công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị của Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực. Dẫu vậy, lĩnh vực quản lý xây dựng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2018, số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 621 trường hợp (giảm 50,6% so với cùng kỳ năm 2017); tỷ lệ công trình có vi phạm trên tổng số công trình là 6,5% (giảm 6,1%); số trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên tổng số vi phạm là 26,4% (giảm 20,1%)… Ðó là con số đáng mừng, bởi trong nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, quá trình xử lý chưa triệt để, nhất là đối với công trình dạng nhà "siêu mỏng, siêu méo", cũng như với nhà ở cao tầng tại các dự án đã được phê duyệt. Do vậy, đã có những cán bộ quản lý bị kỷ luật, khiển trách, điều chuyển công tác. Mới nhất, đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND phường Mỹ Ðình 2, rồi Ðội trưởng Thanh tra xây dựng (quận Nam Từ Liêm) bị đình chỉ công tác có thời hạn.

Mặc dù công tác quản lý trật tự xây dựng được đánh giá đã có sự chuyển biến, song vẫn có không ít lo ngại chưa thể kiểm soát tốt lĩnh vực này. Ngày 17-7-2018, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Công văn số 3245/UBND-ÐT về việc tổng hợp, đôn đốc kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng. Trong công văn này, thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND thành phố chỉ đạo tại Văn bản số 1448/UBND-ÐT ngày 5-4-2018. Các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, bảo đảm tiến độ xử lý xong trước ngày 15-10-2018; Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn, bảo đảm các trường hợp vi phạm phải được kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để không gây bức xúc trong dư luận.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư khẩn trương rà soát việc thực hiện dự án tại 129D phố Trương Ðịnh, phường Trương Ðịnh (quận Hai Bà Trưng), báo cáo UBND thành phố theo đúng quy định. Ðối với việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Ðánh giá về động thái quyết tâm xử lý các công trình xây dựng vi phạm, các chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, việc chấn chỉnh, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội là rất cần thiết, và cần có những hình thức xử lý mạnh tay, tăng tính răn đe đối với các chủ đầu tư. Tuy vậy, thành phố nên công bố công khai các công trình, dự án có vi phạm về xây dựng, quy hoạch, như Cục Thuế Hà Nội đã và đang thực hiện đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Cùng với yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, cũng phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại, lực lượng thanh tra xây dựng khi để xảy ra sai phạm kéo dài, không xử lý dứt điểm.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, việc Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm thành lập Ðội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã sẽ đem lại những tín hiệu sáng hơn trong lĩnh vực này. TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng nhìn nhận: Ðiều chuyển Ðội thanh tra xây dựng về quận, huyện, thị xã nhằm mục đích kiểm soát chặt từ "gốc". Lực lượng này sẽ bám sát địa bàn và ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng ngay khi mới phát sinh. Tuy nhiên, để ngăn vi phạm tái diễn, cần có chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với người đứng đầu, để buộc các Chủ tịch UBND quận, huyện thực thi trách
nhiệm tốt hơn.