Hóa giải thách thức

Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tác động nhiều đến cấu trúc xanh của Hà Nội. Do đó phát triển phải gắn liền với xây dựng đô thị xanh, nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.

Trước những áp lực từ đô thị hóa có nguy cơ ngày càng lớn, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Việc điều chỉnh quy hoạch lần này, Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ trong khu vực các quận, huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng, góp phần giảm tải khu vực nội đô lịch sử. Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh một phần quỹ đất trên địa bàn huyện Gia Lâm để xây dựng các khu đô thị hiện đại, công viên chuyên đề, công viên giải trí và các khu công viên cây xanh; tạo ra khu đô thị hấp dẫn, thu hút người dân, góp phần giảm dân số khu vực nội đô lịch sử, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị và yêu cầu phát triển bền vững.

Môi trường ô nhiễm, nắng nóng ngày càng khắc nghiệt một phần là do thiếu cây xanh. Có nhiều nguyên nhân, nhưng với lĩnh vực quy hoạch, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, do lợi ích kinh tế, không ít chủ đầu tư cắt xén diện tích đất công cộng của công trình. Tại các dự án chung cư cao tầng, khu đô thị mới tọa lạc ở những vị trí “đất vàng” của Thủ đô, điều này càng hiện rõ. Không ít khu đất sau khi nhà máy, xí nghiệp di dời khỏi nội đô đã nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng. Khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt tại Việt Nam (Healthbridge) cho thấy, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người trên địa bàn đạt 18 m2. Nhưng với tốc độ phủ xanh như hiện nay sẽ khó đạt, bởi đến nay chỉ đạt hơn 4 m2/người. Tại các quận trung tâm, tỷ lệ cây xanh còn thấp hơn, ở mức 0,9 m2/người, trong khi mục tiêu là 7 m2/người. Vì thế, để phát triển không gian xanh đô thị cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong quy hoạch đô thị cần hóa giải những thách thức về áp lực đô thị, môi trường sống, hạ tầng…, và phải phân định rõ diện tích bắt buộc trồng cây xanh trong mỗi dự án.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, ngay từ khi chưa mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có hệ thống sông, hồ, công viên, khuôn viên cây xanh khá dày với bảy con sông lớn chảy qua, là điều kiện thuận lợi cho hệ thống cây xanh phát triển. Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã xây dựng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh để hạn chế tác động của quá trình đô thị hóa. Vì thế, thành phố cần thực hiện chặt chẽ đồ án quy hoạch này trong quá trình phát triển.

Trong thiết kế đô thị và kiểm soát kiến trúc đô thị, thành phố cần xác định các không gian trọng tâm, không gian đặc sắc của phân khu lõi để có quy định quản lý phù hợp. Đối với các tuyến đường và không gian chính, cần tổ chức thiết kế đô thị, nhất là các tuyến đường xuyên tâm, vành đai, nút giao thông trọng điểm, cửa ngõ Thủ đô, các không gian công cộng mới của thành phố nhằm tạo dựng đặc thù, bản sắc cho từng khu vực, nhưng vẫn gắn kết với địa bàn và định hướng quy hoạch chung. Cần ưu tiên tổ chức vành đai xanh, góp phần cải thiện môi trường, khí hậu chung đô thị. Đây cũng là cơ hội để sắp xếp, cải tạo chỉnh trang nông thôn mới, đồng thời xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… theo hướng phát triển bền vững.