Cấu trúc đô thị cần rõ nét hơn

Hà Nội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Do vậy, bài toán giải quyết những sức ép của đô thị luôn khiến các cấp quản lý đau đầu, nhất là khi chặng đường mở rộng địa giới hành chính vừa mới bước qua ngưỡng 10 năm.

Dù khẳng định Hà Nội đã có sự bứt phá về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây, song thực tiễn đặt ra không ít áp lực từ sự đô thị hóa quá nhanh, trong khi phương thức quản lý có vẻ như chưa theo kịp. Hà Nội liên tục phải đối mặt sức ép ùn tắc giao thông, hễ mưa lớn là ngập, tình trạng ô nhiễm khu vực ven đô, quá tải trường lớp học, bệnh viện...

Về tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn, nhất là tại khu vực phía tây thành phố, nguyên nhân chủ yếu do xây dựng hạ tầng thoát nước không bắt kịp tốc độ đô thị hóa. Phần lớn hệ thống thoát nước của nhiều khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng tại đây thoát chung với hệ thống kênh tiêu nước của ngành nông nghiệp. Còn trong khu vực nội thành, với nhiều giải pháp đồng bộ được thực thi trong những năm gần đây, thì hiện vẫn còn 15 điểm thường bị úng ngập.

Trong khi đó, nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông cũng rất nhiều, nhưng chủ yếu do sự phát triển quá nhanh số lượng các phương tiện cá nhân trong khi quỹ đất dành cho giao thông không phát triển kịp. Theo số liệu thống kê, hiện thành phố Hà Nội có hơn 5 triệu xe mô-tô, gắn máy; gần 550 nghìn ô-tô các loại và hơn một triệu xe đạp, trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông vẫn còn eo hẹp, chỉ chiếm gần 10% quỹ đất đô thị. Do vậy, sức ép về nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi vẫn cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết những hạn chế của sức ép đô thị phải bằng quy hoạch. Giải quyết hài hòa, khoa học thì mọi sức ép tự hóa giải. Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư, xây dựng hàng loạt tuyến đường mới nhằm khép kín vành đai 1, vành đai 2,5, vành đai 3 và vành đai 3,5..., cùng hai dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, các tuyến đường vành đai đều hướng tâm vào khu vực đô thị lõi, chứ chưa phân bổ, tỏa đi ngoại thành hay vùng đô thị. Có chuyên gia cho rằng, khi mở rộng địa giới hành chính với 17 huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh, Hà Nội đã có những điều kiện, cơ hội rất tốt để cải thiện tình hình giao thông, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là khu vực nội thành. Muốn giải quyết ùn tắc giao thông, cần phải quy hoạch lại cấu trúc đô thị để mở rộng không gian dành cho giao thông. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp chế tài hành chính để kiềm chế sự gia tăng, tiến tới giảm bớt phương tiện cá nhân, đầu tư cho giao thông công cộng để người dân sử dụng phương tiện này nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đồng tình cho rằng, Hà Nội đã thực hiện mở rộng không gian giao thông thông qua việc kéo giãn mật độ đô thị, nhưng chưa thành công. Còn với không gian ngầm, hiện mới bắt đầu tính tới quy hoạch. Cho nên trước mắt, Hà Nội phải nhanh chóng xây dựng các đô thị vệ tinh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đủ năng lực đáp ứng giao thương, kết nối nội bộ và liên vùng. Các đô thị vệ tinh này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phân bố đều mật độ dân cư, giảm tải áp lực đô thị. Muốn đô thị phát triển bền vững, rất cần sự kết hợp giữa phát triển bền vững nói chung cùng với những đặc thù của đô thị. Ðó là kinh tế đô thị; văn hóa xã hội đô thị; môi trường - sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý đô thị. Ðô thị hóa bền vững phải xuất phát từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội, ổn định môi trường sinh thái và bảo đảm cho một tổ chức liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn.