Cần vào cuộc quyết liệt hơn

Lộ trình thực hiện việc di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội có nguy cơ thất bại, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện theo đúng quy định Điều 9, Luật Thủ đô: Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ). Theo nhu cầu thực tiễn của các bộ, ngành, thành phố đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan đơn vị để phục vụ di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố, tuy nhiên, tiến độ rất chậm trễ. Hiện nay mới chỉ có một số bệnh viện lớn và cơ sở y tế di dời một số hạng mục ra khỏi khu vực trung tâm, như: Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương…, nhưng cơ sở cũ trong nội thành vẫn tiếp tục được sử dụng. Đối với các cơ sở giáo dục, Trường đại học Y tế Công cộng là đơn vị đầu tiên thực hiện di dời ra khu ngoại thành. Đại học Quốc gia Hà Nội đã được bố trí đất và khởi công xây dựng tại Hòa Lạc, nhưng chưa biết khi nào sẽ di dời.

Nguyên nhân dẫn đến việc di dời các trường học, cơ sở ô nhiễm chậm trễ là do chính sách ưu đãi về đất đai, thuế chưa phù hợp; thủ tục hành chính, việc lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vẫn chưa linh hoạt. Nhưng các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao cho nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp Công văn số 5749/UBND-ĐT ngày 22-11-2018 của UBND thành phố Hà Nội đề nghị thống nhất một số chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch phân khu của thành phố, trong đó có nội dung liên quan đến Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội”. Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, Bộ đã chủ trì việc triển khai điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã rà soát, xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp và di dời các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở công nghiệp... ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội và định hướng quy hoạch trên địa bàn 10 tỉnh vùng Thủ đô trong giai đoạn 2016 - 2030. Hà Nội cũng đã chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong quá trình tổ chức lập, thẩm định và trình duyệt các đồ án quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở để triển khai đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật để di dời các bệnh viện, trường đại học, nhà máy xí nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm.

Đánh giá về việc di dời, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, chuyên gia về quy hoạch đô thị cho biết, việc di dời các trường học, bệnh viện và cơ sở sản xuất tại Hà Nội là rất cần thiết, nhưng phải theo đúng lộ trình. Đối với các bệnh viện và cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ quan chức năng đã phân loại mức độ ô nhiễm, cơ sở nào ô nhiễm mức cao sẽ phải dịch chuyển trước, sau khi ổn định sẽ tiếp tục thực hiện các cơ sở còn lại. Đối với hệ thống đào tạo, di dời hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường nghề thực hiện trước. Lợi thế của Hà Nội là sau khi mở rộng địa giới hành chính có thêm nhiều quỹ đất, nổi bật như khu vực Láng - Hòa Lạc và dọc Đại lộ Thăng Long, hiện đã được đầu tư hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, có thể phát triển thành một trung tâm đào tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thực hiện di dời các trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm thì sẽ không có hạ tầng nào có thể đáp ứng. Áp lực đô thị ngày càng tăng cao gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng sống của người dân. Sau khi di dời, quỹ “đất vàng” cần được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng để tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, bảo đảm giảm tải được áp lực về hạ tầng đô thị cho người dân trong khu vực nói riêng và thành phố nói chung.