Quy hoạch - Đầu tư

Cân bằng lợi ích

Chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại sẽ nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực, bộ mặt đô thị hiện đại hơn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong quá trình thực hiện là việc bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên (Nhà nước, người dân, doanh nghiệp). Tháo gỡ được nút thắt này, tiến trình tái thiết đô thị sẽ thuận lợi hơn.

Về tiến độ cải tạo, xây dựng các nhà chung cư cũ, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thành phố đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn, đồng thời giao bổ sung hai khu chung cư cũ, nâng tổng số lên 30 khu. Việc khảo sát, điều tra xã hội bổ sung làm cơ sở đề xuất ý tưởng quy hoạch theo hai phương án: Phương án một là thực hiện theo đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch, quy chế cao tầng được duyệt; phương án hai là thực hiện điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để bảo đảm cân đối tài chính dự án và phương án hai đang được hầu hết các nhà đầu tư đề xuất.

Về tiến độ thực hiện, đến nay có năm khu đã lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ý tưởng quy hoạch. Việc lập quy hoạch 28 chung cư cũ được thành phố tổ chức thí điểm chủ yếu nằm trong khu vực nội đô và một phần của quận Hà Đông. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ chế đền bù (hệ số K) thống nhất cho toàn bộ các khu chung cư cũ chưa có, trong khi mỗi khu được cải tạo người dân lại yêu cầu một hệ số K khác nhau. Phần lớn các khu chung cư cũ nằm ở khu vực nội thành bị hạn chế phát triển dân cư theo quy hoạch, cho nên việc xác định hệ số đền bù luôn là bài toán nan giải. Để giải quyết bài toán này, chỉ có giải pháp tăng chiều cao công trình như dự kiến phương án hai nêu trên là hợp lý. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chiều cao sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch và tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cho khu vực nội đô.

Nhiều chuyên gia, cũng như lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đều thừa nhận, nếu không tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, hoặc không có giải pháp linh hoạt trong kêu gọi đầu tư thì 5 năm, hoặc thậm chí 20 năm nữa rất khó hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp. Theo PGS, TS Nguyễn Quang Đạo (Khoa Cầu đường, Trường đại học Xây dựng) cho rằng, TP Hà Nội nên thành lập một tổ chức nghiên cứu trực thuộc UBND thành phố với các chức năng nghiên cứu chương trình tái thiết chung cư cũ, mô hình đô thị mới phục vụ chung cho phát triển đô thị bền vững; điều chỉnh và xóa bỏ những rào cản về quy hoạch phục vụ cho chương trình tái thiết.

Thực tế triển khai cải tạo chung cư cũ trong hơn 10 năm qua cho thấy, lý do lớn nhất khiến người dân bất chấp nguy hiểm vẫn ở lại chưa di chuyển khỏi các khu chung cư cũ xuống cấp là do họ chưa đồng ý với các giải pháp đền bù. Có chuyên gia gợi ý, có thể xem xét giải pháp để người dân góp vốn cùng doanh nghiệp cải tạo chung cư cũ dưới sự bảo đảm của Nhà nước. Những người góp vốn sẽ nhận được một số ưu đãi. Nhà nước cũng có thể tổ chức việc mua trái phiếu xây dựng khu chung cư cũ từ chính cư dân đang sống tại đó.

Khi nhận thức rõ lợi ích, người dân sẽ yên tâm góp vốn cùng doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án. Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là trong quý I-2020, hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chung về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn cho cư dân.

Nhiều người kỳ vọng, tiến trình tái thiết chung cư cũ sẽ thuận lợi hơn khi những chính sách mới hoặc đặc thù được đưa ra tập trung giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.