Quy hoạch - Ðầu tư

Bịt "kẽ hở" trong quản lý trật tự xây dựng

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, quá trình xử lý kéo dài, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý trong đó tăng hình thức xử lý, xử phạt.

Trước tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng chưa thuyên giảm, thậm chí, quá trình xử lý vi phạm tồn đọng kéo dài; hàng chục công trình có vi phạm lớn mà xử lý từ năm 2015 đến nay chưa xong, đầu năm nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã công khai các công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng. Trong danh sách, dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (tám trường hợp), tiếp theo là Hai Bà Trưng (bảy trường hợp), quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì (mỗi nơi năm trường hợp), quận Ba Ðình (ba trường hợp), quận Nam Từ Liêm (ba trường hợp)… Tiếp đó, UBND thành phố ra văn bản yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý dứt điểm; xem xét trách nhiệm để xảy ra vi phạm, tuy nhiên, tiến độ vẫn rất chậm. Ðiển hình là sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu UBND quận Ba Ðình và Sở Xây dựng xử lý vi phạm đúng hạn.

Biện minh cho việc để vi phạm kéo dài, lãnh đạo nhiều quận, huyện, đơn vị chức năng cho rằng, do chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì. Còn các chuyên gia nhìn nhận, đó là do sự thiếu quyết liệt của cấp chính quyền cơ sở, khi xử lý trách nhiệm những cá nhân để xảy ra sai phạm còn nhẹ. Ở góc độ kinh tế, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, hiện nay, các chế tài xử phạt vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư, vì lợi ích to lớn từ những mảnh đất "vàng" tại trung tâm mà các chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội xác định, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng kéo dài là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở; trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp của thành phố. Ðã có khoảng 100 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra xây dựng bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Do vậy, cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo để giải quyết vấn đề được tốt hơn.

Giữa tháng 12-2019, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục có công văn yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động xây dựng trên địa bàn từ khi khởi công đến khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các vi phạm trật tự ngay từ khi mới phát sinh; nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị...

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng đã được đưa ra xem xét và đang hoàn thiện. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân; đồng thời, cần có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. Việc bịt kẽ hở trong quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng là đòi hỏi quan trọng với sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này. Qua tổng hợp cho thấy, thể chế pháp luật quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng không thiếu, mà do khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần bổ sung những quy định nghiêm về xử lý, tăng mức xử phạt vi phạm; đáng lưu ý, có ý kiến đề nghị phải "sửa đổi, bổ sung" quy định về đạo đức công vụ của những cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.