Vũ Hán và những người đối diện Thần chết

Gạt đi nỗi ám ảnh về nCoV, các bác sĩ ở tâm dịch vẫn chiến đấu tận tụy, giằng giật lại từng sinh mệnh.

Vũ Hán và những người đối diện Thần chết

Hy sinh vẻ đẹp thanh xuân

Sơn Hiệp, 30 tuổi, là một trong số gần 1.000 nhân viên y tế luôn túc trực tại bệnh viện kể từ thời điểm dịch viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Với bộ đồ bảo hộ cách ly gây nhiễm luôn bó chặt vào người, cô và các đồng nghiệp phải làm mọi cách để ngăn ngừa bệnh dịch lây lan ngay trong bệnh viện, bao gồm cả cắt tóc. “Phải cạo trọc đầu thì mới hạn chế lây bệnh qua tóc, và cũng tiết kiệm thời gian mặc đồ bảo hộ lên người nữa”, Sơn Hiệp giải thích, rồi vui vẻ kể rằng cô và các bạn hay đùa nhau là nhìn ai cũng giống đệ tử chùa Thiếu Lâm. Bước đi tiên phong của Sơn Hiệp đã giúp những nữ y tá khác chấp nhận hy sinh vẻ đẹp tuổi thanh xuân để tập trung cho công việc.

Sau mái tóc trụi lủi của các y tá là khuôn mặt đầy những vết hằn vì phải đeo khẩu trang suốt hơn 20 giờ mỗi ngày. Đôi tay của nhiều người cũng nứt nẻ, thậm chí hiện lên vằn vện các mạch máu nhỏ vì tiếp xúc quá nhiều với thuốc sát trùng (ảnh). Cộng thêm đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, các y tá ở Vũ Hán thoáng nhìn qua có thể khiến người khác hoảng sợ bởi vẻ mặt bơ phờ thiếu sức sống nơi họ. Nhưng, không một ai trong số họ gục ngã.

Những đêm không ngủ

Không ít bác sĩ, y tá đang chống dịch tại Vũ Hán lập gia đình với đồng nghiệp ở chính chỗ họ làm việc. Nhưng làm chung một bệnh viện không có nghĩa là họ có thời gian gặp nhau để chia sẻ vui buồn trong thời khắc khó khăn này. Vì thế, một cặp vợ chồng bác sĩ - y tá đã nghĩ ra cách duy trì liên lạc qua những bức thư được bỏ vào tủ đồ của nhau mỗi ngày. Nhưng không phải ai cũng có thể may mắn nói chuyện với nhau như thế.

Kể từ lúc dịch viêm phổi lây lan, với số lượng bệnh nhân nhập viện mỗi ngày tăng theo cấp số nhân, bác sĩ Trương Định Ngữ vừa phải hoàn thành công tác quản lý, vừa bắt tay vào thực hiện phẫu thuật. Ở cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm của thành phố Vũ Hán, mỗi ngày ông nhận hàng chục cuộc gọi để báo cáo về tình hình điều trị bệnh, rồi sau đó chạy ngay vào phòng cấp cứu để chữa cho những ca nguy kịch. Vì thế, suốt một tháng qua ông chỉ có thể lên giường đi ngủ lúc hai giờ sáng, rồi bật dậy sau đó hai giờ để tiếp tục làm việc.

Nhưng với cá nhân bác sĩ Trương Định Ngữ, việc hy sinh thời gian hay hao tổn về mặt sức khỏe chẳng là gì so với nỗi sợ mất đi những người thân yêu trong gia đình. Mỗi lần bước chân trong đêm tối hay điều trị cho những bệnh nhân chuyển biến xấu, ông đều nghĩ tới hình ảnh vợ mình. Bà cũng là nhân viên y tế, nhưng đang phải nằm trong phòng cách ly ở một bệnh viện khác cách nơi ông làm việc 10 cây số. Hiện bà nằm trong danh sách gần 20.000 người bị chẩn đoán dương tính với vi-rút cô-rô-na.

“Tôi cảm thấy mình thật tội lỗi”, bác sĩ Trương nói. “Tôi có thể là một bác sĩ tốt, nhưng là một ông chồng tồi. Vợ tôi đã ở bên tôi suốt 28 năm qua, nhưng tôi lại không thể ở bên cạnh bà ấy trong khoảng thời gian khó khăn như lúc này. Tôi rất sợ, sợ sẽ mất bà ấy vì căn bệnh hiểm nghèo”. Nỗi sợ đó khiến ông lao mình vào công việc tới mức quên đi cả căn bệnh đang hành hạ ông mỗi ngày.

Mong ngày đoàn tụ

Ngày 22-1, cảnh sát Lý Khất Trường trở về quê nhà cùng bạn gái. Anh muốn tận dụng dịp nghỉ Tết Nguyên đán để đưa người thương ra mắt gia đình hai bên, đồng thời lên kế hoạch kết hôn trong năm nay. Nhưng Lý chỉ ở nhà được ba ngày thì nhận được lệnh huy động đột xuất, hỗ trợ phong tỏa thành phố Vũ Hán và Kinh Châu hạn chế bệnh dịch lây lan.

Tuy nhiên, Lý không thể đặt được vé tàu xe đến Kinh Châu vì thành phố đã bị phong tỏa. Cuối cùng, viên cảnh sát này quyết định một mình lái xe đến thẳng nơi làm nhiệm vụ. Sau 13 giờ liên tục lái xe, Lý đã đến nơi, và lập tức trải qua một phiên gác kéo dài liên tục 30 giờ đồng hồ.

Giữa tiết trời lạnh cắt da cắt thịt của đêm giao thừa, chàng trai trẻ chỉ biết nhắn vài dòng tin cho người yêu: “Đợi anh trở về nhé, rồi chúng ta sẽ có khoảng thời gian thật hạnh phúc bên nhau”. Tương tự Lý, nữ y tá Trương Kinh phải rời nhà ngay trong đêm Giao thừa để lên đường bước vào vùng dịch. Đây đã là cái Tết thứ 11 cô làm nhiệm vụ, nhưng chưa năm nào khiến cô lo lắng như năm nay. Lúc Trương đi, con gái cô đang sốt cao và nhất quyết muốn mẹ ở nhà. Để dỗ con bớt khóc, chồng Trương đã phải nói dối rằng mẹ sẽ sớm về nhà, nhưng cô bé vẫn rất tinh ý. Bé đòi gọi điện cho mẹ mỗi ngày để được nghe giọng mẹ, và thậm chí còn làm một tờ lịch đếm ngày mẹ trở về.

Qua mỗi ngày, nỗi nhớ lại càng tăng thêm, như để thử thách những người ở trong lẫn ngoài vùng dịch. Song, họ vẫn cùng nhau đối diện căn bệnh quái ác với chung suy nghĩ: Cuối cùng trí tuệ và sự hy sinh của con người nhất định sẽ giành chiến thắng!