Thế giới 2020

Trong những cơn gió đổi thay

Đây có lẽ là một trong những năm đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại, cũng chính là năm khủng khiếp nhất kể từ khi thiên niên kỷ thứ ba (sau Công nguyên) của loài người bắt đầu. Có lẽ, thế giới sẽ không bao giờ vận hành giống như nó đã từng trước năm 2020 này nữa, sau quá nhiều đổi thay.

Trong những cơn gió đổi thay

1. SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19 không chỉ đơn giản là một trận dịch. Cao rộng hơn thế rất nhiều, đó chính là lời cảnh báo gay gắt từ siêu nhiên, về những nguy cơ hủy diệt cũng như những sứ mệnh sinh tử mà nhân loại cần phải thực hiện, khi đối diện với những nguy cơ đó.
 
Những quyết định nhạy bén và những biện pháp thích hợp luôn phải song hành cùng sự gắn kết và tinh thần sẻ chia, không phải chỉ từ quốc gia này đối với quốc gia kia, từ cộng đồng này tới cộng đồng khác, mà là từ từng cá nhân.  

Chiếc khẩu trang, sau khi bệnh dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, bên cạnh sự quen thuộc của các khái niệm “cách ly” hay “giãn cách xã hội”. Nó mang đến cảm giác an toàn và cũng biểu thị tinh thần trách nhiệm. Những em bé Cuba này, đại diện cho các thế hệ chủ nhân kế cận của địa cầu, thấm nhuần điều đó, kể cả những lúc có thể thoải mái cởi bỏ chiếc khẩu trang khi tham dự các hoạt động đông người. Ý thức ấy, kể cả những liều vắc-xin ngừa Covid-19 công hiệu nhất, cũng không thể thay thế được.

2_1-1608885783099.jpg
 

2. Covid-19 là ấn tượng sâu đậm và kinh hãi nhất về năm 2020, nhưng không phải là duy nhất. Biến đổi khí hậu và thiên tai vẫn tiếp tục gieo rắc thêm nhiều thảm trạng, để cùng bệnh dịch khoét sâu thêm những hố ngăn cách trong xã hội loài người và cũng đặt ra những mệnh đề không thể né tránh.  

Trận cháy rừng kinh khủng ở bang California (Mỹ) hồi mùa thu, nối liền những mùa cháy rừng năm sau tàn khốc hơn năm trước ở Australia hay Brazil, là minh chứng hùng hồn rằng nền nhiệt Trái đất mỗi năm một tăng thêm, vừa nhấn mạnh lại những câu hỏi: Bao giờ thế giới mới nghiêm túc nỗ lực tự cứu chính ngôi nhà chung của mình?

2_2-1608885783032.jpg
 

3. Đó là một câu hỏi lúc nào cũng có thể rơi tõm vào thinh không, khi nhân loại vẫn còn quá bận rộn với những câu chuyện khác. Những điều cao đẹp, như cách các đoàn bác sĩ tình nguyện quốc tế bay tới khắp các vùng dịch trên thế giới, cố gắng giằng giật lại từng sinh mạng con người trên tay tử thần. Và cũng vẫn luôn có cả những mối bận tâm vị kỷ và lạnh lùng, xoay quanh vấn đề mấu chốt muôn thuở: Lợi ích. 

Lợi ích hiện hữu trong việc một vài quốc gia A-rập rời xa “giải pháp hai nhà nước”, khi gia nhập “lộ trình hòa bình Trung Đông mới” mà nước Mỹ khởi xướng, dù điều đó cũng có nghĩa là bỏ qua quyền lợi chính đáng của Palestine. Lợi ích hiện hữu trong câu chuyện lê thê mang tên Brexit, khi nước Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng. 

Lợi ích khiến chiến tranh vẫn chực chờ nổ ra nhằm phục vụ những tham vọng địa chính trị. Có điều, dù là bị cuốn vào kiểu chiến tranh nào, người dân cũng vẫn vậy, vẫn phải đối mặt với tang tóc và vẫn phải cố gắng chạy trốn khỏi vùng chiến sự.

2_3-1608885783651.jpg
 

4. Năm 2020 cũng là năm thế giới bắt đầu thật sự lật lại khá nhiều vấn đề khác, để nghi ngờ không ít giá trị. Phong trào “Black Lives Matter” (dịch thoát: Mọi sinh mạng đều đáng quý) bùng nổ sau cái chết của một thanh niên da đen dưới tay cảnh sát Mỹ, lúc đầu rõ ràng là phản ứng mãnh liệt đối với tình trạng phân biệt chủng tộc. Song, theo dòng thời gian, khi những cuộc tuần hành đó tiếp nối bằng bạo loạn, đốt phá, cướp bóc các cửa hàng… đến độ vô chính phủ, thì dường như câu chuyện đã đi quá xa. 

5. Trong bối cảnh ấy, nước Mỹ - cường quốc số 1 thế giới - dường như cũng đang tự nghi ngờ chính những giá trị mà họ từng muốn áp đặt lên toàn thế giới và có lẽ cũng đang sẵn sàng tự “phẫu thuật” hệ thống chính trị của mình. 

Một cuộc bầu cử với những hệ quả pháp lý vô tiền khoáng hậu đã và đang chia rẽ nước Mỹ. Và bởi vì dù thế nào nước Mỹ cũng là một hình mẫu đối với rất nhiều quốc gia khác, họ buộc phải nhìn vào cách đương kim Tổng thống Donald Trump nhất quyết trì hoãn việc chuyển giao quyền lực nhằm tìm cách lật ngược thế cờ, với không ít băn khoăn, nghi ngại.  “Nền dân chủ lớn nhất thế giới” - như cách các chính trị gia Mỹ tự gọi - đang tự tay làm tróc lở vàng son…  

Ảnh: AP