Thông điệp hòa bình và phát triển bền vững

Tiếp tục được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, Việt Nam vừa tổ chức thành công Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) - Vesak 2019. Vượt khuôn khổ một lễ hội văn hóa tôn giáo nhằm phát huy tinh hoa và giá trị tư tưởng của đạo Phật về hòa bình, hòa hợp, khoan dung và nhân ái, Vesak 2019 còn đem đến cơ hội kiến tạo và củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần thúc đẩy thế giới hòa bình, phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Ðại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Ảnh: TOÀN VŨ
Các đại biểu tham dự Ðại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Ảnh: TOÀN VŨ

Ðồng điệu mục tiêu hòa bình và chia sẻ

Sau ba ngày hoạt động tích cực và hiệu quả tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Ðại lễ Phật đản LHQ lần thứ 16 đã “thành công viên mãn”, như nhận định của các thành viên Ủy ban quốc tế tổ chức Vesak của LHQ (ICDV). Tuyên bố Hà Nam 2019 là cam kết của cộng đồng Phật giáo thế giới góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại.

Không chỉ là lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường, Vesak 2019 - với chủ đề về lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm xã hội - đã nêu bật ý thức trách nhiệm của cộng đồng Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới, qua đó tăng cường khả năng đóng góp hóa giải những thách thức của thời đại. Trong bài phát biểu khai mạc Vesak 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ðây là dịp để tưởng niệm, tôn vinh Ðức Phật, để suy ngẫm về chân lý hòa bình, tinh thần khoan dung, lòng từ bi và cũng để phát huy chân lý đó vào thực tiễn cuộc sống, nhằm giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc cho toàn nhân loại. Ðó là sự đồng điệu với các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ về phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của LHQ nhắm tới đích là xóa bỏ nghèo đói, bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi, chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, xã hội hòa bình, đem đến sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững. Và đó cũng là các chủ đề thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế, được tổ chức trong khuôn khổ Ðại lễ năm nay, với mong muốn tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu cao cả mà LHQ theo đuổi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các quốc gia ngày càng phát triển, của cải vật chất nhiều hơn, nhưng cuộc sống của người dân một số nơi còn khổ đau bởi chiến tranh, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu... Trong thông điệp chúc mừng Ðại lễ, Phó Tổng Thư ký LHQ A.A-li-xi-a-ba-na nhắc nhớ, để vượt qua những thách thức đòi hỏi thế giới phải chung tay hành động và Ðại lễ là cơ hội nêu bật tính cấp thiết tăng cường sự lãnh đạo toàn cầu nhằm thúc đẩy xã hội và hòa bình bền vững hơn. Tuyên bố Hà Nam 2019, cùng các tham luận, ý kiến của các nhà lãnh đạo, đại biểu đều nhấn mạnh thông điệp về lòng khoan dung, công bằng xã hội và chia sẻ trách nhiệm trong một thế giới kết nối, khẳng định tiếp tục phát huy tư tưởng sâu sắc của Ðức Phật và nhân lên những giá trị tốt đẹp, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và tiến bộ.

Thông điệp hòa bình và phát triển bền vững ảnh 1

Vesak 2019 thêm một lần khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo. Ảnh: MINH ÂN

Khẳng định sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế

Với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo tôn giáo và đại diện các tổ chức quốc tế, Vesak 2019 là lần thứ ba Việt Nam được cộng đồng Phật giáo thế giới tín nhiệm trao nhiệm vụ đăng cai Ðại lễ, sau hai lần tổ chức thành công vào các năm 2008 và 2014. Sự góp mặt tại Ðại lễ của khoảng 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 3.000 tăng ni, Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã nêu bật trách nhiệm và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và hòa hợp toàn cầu.

Trong phát biểu bế mạc Ðại lễ, Chủ tịch ICDV, Hòa thượng P.Bra-ma-pun-dít bày tỏ tri ân sâu sắc tới Chính phủ, Giáo hội Phật giáo và nhân dân Việt Nam đã tổ chức thành công Vesak 2019, qua đó nâng tầm các tiêu chuẩn tổ chức Ðại lễ; lòng mến khách của người Việt Nam đã giúp các đại biểu quốc tế có những trải nghiệm và ký ức tuyệt vời. Hòa thượng P.Bra-ma-pun-dít nhấn mạnh, thành công của Ðại lễ có được nhờ lao động cần cù, tích cực ở phía sau hội trường, cũng như sự hợp tác hiệu quả của cả Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lần thứ ba tổ chức thành công Ðại lễ Phật đản của LHQ càng khẳng định sự tín nhiệm cao của cộng đồng Phật giáo thế giới dành cho Việt Nam, một quốc gia có nhiều tôn giáo, trong đó Phật giáo có lịch sử lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa, truyền thống dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết và khẳng định vai trò cũng như đóng góp xây dựng đất nước. Vesak 2019 thêm một lần khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Phát biểu tại phiên bế mạc Ðại lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Khép lại một kỳ Ðại lễ Phật đản thành công viên mãn, như nhiều đại biểu quốc tế nhận xét, Vesak 2019 đã mang đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam hòa bình, thân thiện, sẵn sàng hợp tác với nhân dân thế giới trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, vì sự hòa hợp các dân tộc, góp phần củng cố và phát huy những giá trị văn hóa cao đẹp của nhân loại. Ðồng thời, thể hiện sống động những cam kết của Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.