Quyết định nghiêm túc

Khi chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình năm 2019 được xướng danh, không ít những cuộc tranh luận đã dấy lên. Song, cuối cùng, có lẽ cũng chẳng ai phủ nhận được rằng những gì mà Thủ tướng Ethiopia - ông Abiy Ahmed (trong ảnh) - đã thực hiện để được trao vinh dự chính là xu hướng tất yếu mà thế giới phải hướng đến, nếu muốn hàn gắn những vết thương của mình, thông qua đối thoại và hòa giải.

Quyết định nghiêm túc

“Ngay cả khi có những bất đồng phát sinh từ sự khác biệt của chúng ta, chúng ta cũng vẫn nên đứng về phía công lý thay vì bất công, và thay đổi lăng kính đạo đức của mình. Công lý nên là nguyên tắc chính. Tình yêu và sự tôn trọng đối với tất cả mọi con người phải là la bàn đạo đức của chúng ta. Đây là công việc vĩnh cửu mà chúng ta không thể hoàn tất, và luôn luôn phải được thực hiện. Đó là nhiệm vụ suốt đời của chúng ta”.

Vị Thủ tướng 43 tuổi của đất nước Bắc Phi ấy đã nói như thế. Và trên thực tế, ông đã hành động như thế, đặc biệt là chuyện “thay đổi lăng kính đạo đức” của mình. Nếu không thật sự kiên định với tư tưởng ấy, hẳn ông đã không đủ dũng khí nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài qua hai thập niên giữa Ethiopia và quốc gia láng giềng Eritrea – cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70.000 người từ cả hai phía, bằng công cụ duy nhất: Nhượng bộ.

Nhượng bộ luôn là điều nói dễ hơn làm, đặc biệt là ở các vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Không có gì khó hiểu khi Abiy Ahmed từng phải hứng chịu “búa rìu dư luận” bởi quyết định đó. Trong rất nhiều “lăng kính đạo đức” cá nhân, sự thỏa hiệp của ông là không thể chấp nhận.

Song, nếu không có quyết định mềm mỏng đó, có lẽ Ethiopia và Eritrea vẫn sẽ chưa thể thoát khỏi “vũng lầy chiến tranh” của họ. Có lẽ, thiếu sự ổn định cần thiết trong thanh bình, Ethiopia sẽ không thể được đánh giá là một điểm sáng hiếm hoi của toàn châu Phi, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hiện tại. Và chắc chắn, Ethiopia nói chung cũng như cá nhân Abiy Ahmed nói riêng sẽ không thể đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm xóa bỏ mâu thuẫn giữa các nước láng giềng, như việc dàn xếp cuộc khủng hoảng ở Sudan, tác động vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Eritrea và Djibouti, hay nỗ lực làm trung gian giữa hai quốc gia tranh chấp lãnh hải là Somalia và Kenya.

Không chỉ vậy, Abiy Ahmed còn đẩy mạnh những cải cách thể chế mạnh mẽ tại quê hương mình. Dưới thời ông, Ethiopia lần đầu có một Chánh án Tòa án tối cao là phụ nữ. Ông cũng sa thải hàng loạt quan chức cao cấp bị cáo buộc tham nhũng. Ông cũng phát động chiến dịch “Di sản xanh”, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Trong ngày đầu tiên lá cờ ấy được phất lên, có khoảng 353 triệu cây xanh đã được trồng tại Ethiopia.

Vậy nên, bất chấp những nghi ngờ rằng các biện pháp cải cách của Abiy Ahmed còn chưa đạt được kết quả rõ ràng trong dài hạn, Ủy ban Nobel Na Uy vẫn khẳng định: Việc trao Nobel Hòa bình cho ông là “quyết định nghiêm túc” của họ, bởi những nỗ lực của ông “xứng đáng được công nhận và cần được khích lệ”.