Quyền lực của sự thật

Họ không cần được biết đến rộng rãi, nhưng sản phẩm của họ luôn được cộng đồng trân trọng. Họ không chỉ có ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình, mà còn là những tấm gương cho bất cứ bạn trẻ nào muốn theo đuổi nghiệp báo chí.

Quyền lực của sự thật

Người phỏng vấn Bin Laden

Rất ít nhà báo phương Tây từng có cơ hội phỏng vấn trùm khủng bố Osama Bin Laden. Tuy vậy, Robert Fisk thậm chí còn làm được điều này tới ba lần trong giai đoạn 1993 - 1997. Ông được đồng nghiệp thừa nhận là “không có đối thủ xứng tầm ở lĩnh vực tin chiến trường” hay “nhà báo nổi tiếng nhất ở mảng tin quốc tế”.

Để có thể phỏng vấn Bin Laden, trước đó Fisk trải qua gần 20 năm làm việc tại khu vực Trung Đông. Tại đây, ông đến những khu vực nóng bỏng nhất nhằm tận mắt chứng kiến khung cảnh chiến tranh. Ông trực tiếp phỏng vấn từng người - các chiến binh, hay những người tị nạn. Ông tự học tiếng A-rập, cải thiện dần qua từng cuộc trò chuyện với dân bản xứ.

Tinh thần cầu thị đó đã dẫn ông đến cuộc phỏng vấn Osama Bin Laden.

“Người làm báo cần có kiến thức sâu rộng, đa chiều, để từ đó có một cái nhìn trung lập nhất về sự việc, không thiên vị bất cứ một bên nào”, đó là tôn chỉ làm báo của Robert Fisk. Nhờ đó, ông nằm trong số ít các nhà báo thẳng thừng chỉ trích cách can thiệp của phương Tây vào tình hình Trung Đông.

Lương tâm cho báo “lá cải”

Dan Wootton là một hiện tượng của báo chí Anh. Năm 2016, khi mới 33 tuổi, anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập tờ The Sun. Hai năm sau, anh trở thành Tổng Biên tập.

Quyền lực của sự thật ảnh 1


Wootton nghiên cứu về truyền thông và khoa học chính trị ở bậc đại học. Đến với ngành báo chí sau khi ra trường, anh thể hiện xuất sắc ở mọi lĩnh vực được giao, từ tin tức thời sự, thương mại, đến giải trí. Wootton chọn gây thiện cảm và ấn tượng với người đọc bằng cách: “Những ai từng làm việc cùng tôi trong nhiều năm sẽ biết tôi không bao giờ viết sai sự thật”.

Những câu chuyện của Wootton luôn chân thực, sống động và đắt giá; đặc biệt khi anh chuyển sang lĩnh vực giải trí. Tôn chỉ “luôn viết sự thực” giúp Wootton tạo được uy tín trong mắt giới nghệ sĩ, trước cả khi anh làm việc cùng họ.

Một số nhà báo thường có thói quen “giấu nghề”, nhưng Wootton không bao giờ làm vậy. Theo anh, các nhà báo nên chia sẻ cách làm và hỗ trợ đồng nghiệp theo hướng tích cực nhất có thể. Đó là lý do Wootton công khai trên mạng bản ghi âm mọi bài phỏng vấn anh thực hiện kể từ năm 2017 đến nay.

Nỗi ngao ngán của mọi ông chủ nhà băng

Mảng kinh tế - kinh doanh là một lĩnh vực đặc biệt trong ngành báo chí. Tại đó, các phóng viên cần phải có kiến thức như những nhà kinh tế học thực thụ. Bởi vậy, một người từng nhận giải Nobel Kinh tế như Paul Krugman trở thành nhà báo ăn khách. Tuy nhiên, nhà báo kinh tế có ảnh hưởng nhất hiện nay lại là một phụ nữ - Gretchen Morgenson.

Quyền lực của sự thật ảnh 2


Morgenson có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt ở mảng điều tra kinh doanh tài chính. Năm 2002, bà được trao giải Pulitzer vì “những bài viết đanh thép và sắc sảo”. Năm 2009, Morgenson được đánh giá là “nhà báo tài chính quan trọng nhất trong thế hệ của mình”.

Nếu đồng nghiệp và độc giả hứng thú với điều tra của Morgenson bao nhiêu, thì các ông chủ nhà băng lại ngao ngán bấy nhiêu. Chính Morgenson là người bóc trần sự thật về mảng tối của Phố Wall.

Cũng như Robert Fisk hay Dan Wotton, “quyền lực” của Morgenson trong lĩnh vực đặc thù được xây dựng, đầu tiên, bằng ý thức về lòng tận tụy và sự chân thực.