Nhà báo ở đâu, trong thời đại AI?

Nếu trí tuệ nhân tạo có thể viết tin tức, thì còn vai trò nào cho các nhà báo trong thời đại công nghệ này?

Thời đại mà AI có thể làm thay nhiệm vụ của báo chí, có lẽ sẽ còn lâu mới tới, hoặc không bao giờ nên tới!
Thời đại mà AI có thể làm thay nhiệm vụ của báo chí, có lẽ sẽ còn lâu mới tới, hoặc không bao giờ nên tới!

Câu chuyện đặt phòng

Hãy tưởng tượng: bạn đi tìm một dịch vụ nào đó trên mạng, như cửa hàng ăn uống, địa điểm vui chơi, dịch vụ công chứng hay phòng khám chữa bệnh… Thời nay, phần lớn quyết định của người tiêu dùng đều được đưa ra sau khi “tham khảo” trên mạng. Bạn gõ từ khóa vào ô tìm kiếm của một trang chuyên về ẩm thực, du lịch hoặc mua bán bất động sản. Thuật toán máy tính bắt đầu làm việc.

Với sự phát triển của “trí tuệ nhân tạo” (AI) máy sẽ tính giúp bạn hàng loạt yếu tố, dựa trên hành vi của bạn trước đây. Đơn cử như chọn khách sạn: Lần gần nhất đi du lịch, bạn ở khách sạn 3 sao với giá 1.500.000 đồng một đêm. Máy sẽ ưu tiên giới thiệu các lựa chọn này. Bạn hay chọn phòng đôi và có hút thuốc? Máy đã nhớ từ lâu rồi. Bạn thích tự thuê xe máy đi dã ngoại từ khách sạn đó? Cái máy chủ mẫn cán đã biết việc này từ hồi bạn còn thanh niên. Máy tất nhiên cũng sẽ chọn các khách sạn được chấm điểm cao nhất bởi người dùng.

Trong cửa tiệm mang tên in-tơ-nét, cô bán hàng đứng sau quầy là một người biết tất cả về khách hàng. Mỗi lần tìm kiếm trước đây của bạn đã được lưu lại. Và bởi vì cô bán hàng có AI này luôn đề xuất những thứ cô ta cho là bạn dễ mua nhất, nên bạn sẽ có nguy cơ bị mua hàng một cách đơn điệu. Để bán được hàng nhanh, cô này không đề xuất bạn thử một căn phòng chỉ 300.000 đồng/đêm, tiện nghi đơn sơ, vắng khách, nằm khuất nẻo đâu đó giữa những rặng phi lao do một gia đình thân thiện duy trì. Đó có thể là một trải nghiệm đáng giá. Nhưng bạn thậm chí sẽ không bao giờ biết đến sự tồn tại của một khách sạn lãng mạn như thế nếu trông chờ vào các thuật toán.

Các thuật toán tạo ra nguy cơ phân hóa rất lớn. Hãy thử một thí dụ khác: Hầu hết mọi nền tảng cung cấp dịch vụ trên mạng ngày nay đều dựa vào một nguyên tắc xương sống là “đánh giá của khách hàng”. Nếu bạn tìm một thứ, đơn giản như “bánh mì” tại “Hà Nội” trên trang nổi tiếng nhất về địa điểm ăn uống hiện nay, máy sẽ cho bạn 1.854 kết quả. Nó sắp xếp cho bạn theo “đánh giá tốt nhất”, và loanh quanh cả đời chỉ ăn ở những cửa hàng được chấm 10/10 bởi những người đã ăn trước đó. Cả đời bạn sẽ không bao giờ kéo xuống đến kết quả thứ 1.000, để trực tiếp trải nghiệm.

Cái cửa hàng bánh mì đó, chỉ được chấm 6.5/10, vì cửa hàng xấu, ít chỗ ngồi, nằm trong ngõ, do một bà già chậm chạp vận hành, nhưng thật ra có loại pa-tê làm theo kiểu Nam Định mà bạn đã tìm kiếm suốt từ ấu thơ. Bạn không thể nào biết được: Chưa có loại thuật toán nào ưu tiên “pa-tê thời thơ ấu”, và người ta phải kéo chuột 20 lần mới nhìn thấy cái quán của bà già đó.

Nhân cách của AI

Các học giả phương Tây đã nhận ra rằng AI khuyến khích định kiến từ lâu. “Công nghệ đang chuyển sang một cấp độ tinh vi khiến cho định kiến của chúng ta ngày càng được củng cố hơn” - nhà hoạt động nổi tiếng Will Byrne viết hồi giữa năm 2018. “AI đã điều hướng việc đưa ra quyết định của chúng ta trong một danh sách dài các việc hàng ngày: điểm tín dụng, khám chữa bệnh, lựa chọn ứng viên công việc, trừng phạt tội phạm…”.

Trí tuệ nhân tạo ngày nay tham gia vào việc chúng ta đọc - xem - nghe gì hằng ngày. Bạn mở YouTube và được gợi ý xem những thứ dựa trên sở thích cũ, bạn tìm kiếm về trên Google và kết quả trang đầu tiên sẽ dựa trên các thứ bạn đã đọc trước kia. Điều đó khiến ta càng lúc càng co mình vào một hệ giá trị và ít được trải nghiệm những thứ khác biệt. AI được thiết kế để con người “dễ dàng” hơn trong thực hiện hành vi - nhưng “dễ dàng” không đồng nghĩa với “có lợi”. Quan điểm chính trị, văn hóa, xã hội… của bạn sẽ bị điều hướng bởi AI. Nhân cách của bạn được hình thành bởi AI. Nếu bạn đã thích một thứ, nó sẽ mớm cho bạn thứ đó mãi mãi về sau.

Học giả Will Byrne có nhắc tới việc “trừng phạt tội phạm” trong danh sách các thứ do AI ảnh hưởng. Làm sao bạn có thể có lòng vị tha với người có tội nếu AI biết rằng bạn thích đọc các trang liên quan đến bạo lực, và ngày này qua ngày khác mớm thêm cho bạn các thứ bạo liệt đó thông qua Google. Ngược lại, làm sao bạn có thể có sự nghiêm khắc nhìn xã hội nếu AI biết rằng bạn thích đọc các thứ lãng mạn tốt đẹp, và các mặt tối của xã hội không bao giờ hiện lên trên trang 1 của danh sách kết quả tìm kiếm?

Ai sẽ đi tìm cho bạn những trải nghiệm và những kiến thức khác biệt? Câu trả lời: Chỉ có thể là chính những con người, với sự nhạy cảm và trách nhiệm với cộng đồng.

Vai trò của báo chí

Hãng tin CNN của Mỹ, trong thập kỷ trước, thay đổi câu khẩu hiệu của hãng. Trong nhiều thập kỷ, tôn chỉ của hãng này là “Be the first to know” - “Hãy là người đầu tiên biết tin”, ý nói đến sự nhanh nhạy trong việc đưa tin của CNN. Nhưng họ quyết định đổi câu tuyên ngôn đi kèm với thương hiệu thành “Go There” - “Tới đó”. CNN Go there.

CNN đã đi tới đó. Điều này phản ánh một triết lý khác biệt trong việc làm báo ở thế kỷ 21. Bây giờ cái làm nên đẳng cấp của một tờ báo, một trang tin, hay là bản thân các nhà báo là việc anh ta đã “đi tới đó”. Anh ta không cần là người đầu tiên biết tin. Trên mạng xã hội bây giờ tin tức lây lan chóng mặt, và thậm chí người ta chẳng cần đến tờ báo để biết tin. Nhưng anh ta cần tới đó: Công chúng trông chờ rằng nhà báo sẽ có mặt ở Xy-ri, ở I-rắc, ở những vùng núi xa xôi ở Tây Bắc Việt Nam hay vùng biên giới Lào, để nhìn vào những gương mặt con người, cảm nhận với tư cách một con người và phân tích bằng trí tuệ của một con người.

Thời đại công nghệ thay đổi vai trò của nhà báo. Họ không phải là người báo tin nữa: Tin tức tự đến với công chúng bằng nhiều cách. Thậm chí là AI có thể biết ở đâu tại Hà Nội đang tắc đường. Nó chỉ cần đo mật độ số điện thoại và tốc độ di chuyển của các điện thoại (trong túi người đi đường) là biết. Nếu dữ liệu đủ lớn, AI cũng tự biết vải thiều năm nay được giá hay hồ tiêu năm nay mất mùa. Cái mà nhà báo có thể làm trong thời này, là “tới đó”.

Quán bánh mì giả tưởng với bà già chậm chạp làm món pa-tê Nam Định trong phần đầu bài viết này chỉ là một thí dụ sơ khởi cho những cảm xúc mà chỉ có con người mới bù đắp được. Nó là một nơi cần một cây viết giàu lòng trắc ẩn tới, quan sát và viết. Tương tự, AI có thể giúp bạn biết được mọi thứ về những nông sản đang bày trên kệ siêu thị, từ nguồn gốc xuất xứ đến hàm lượng dinh dưỡng. Nhưng máy móc không thể diễn đạt được tâm trạng đích thực phía sau các món hàng đó, của người nông dân đã làm ra nó - và đó có thể là thứ sẽ khiến bạn quyết định lại khi lựa chọn mua gì và bán gì. Cần một nhà báo đặt chân đến vùng trồng hồ tiêu Đác Nông hay vùng vải thiều Lục Ngạn để kể cho bạn một câu chuyện.

Máy móc có thể làm thay con người rất nhiều thứ. Và trí tuệ nhân tạo có thể nghĩ thay con người rất nhiều việc. Nhưng có một thứ tài sản riêng quan trọng của chúng ta, mà máy móc không được phép vận hành thay thế. Đó là tình cảm!