Nẻo về...

LTS: Tết đang về, một cái Tết kỳ lạ khi thế giới, và hẳn nhiên cả Việt Nam, đang đương đầu với đại dịch toàn cầu, mang đến trăm mối tơ vò cho cả người ở quê hương lẫn những người xa xứ. Song ba câu chuyện, ba góc nhìn chia sẻ cùng Nhân Dân cuối tuần, lại chung nhau một cảm nhận: Tổ quốc chưa bao giờ hiện hữu sâu đậm đến thế!

"Một năm hai lần ăn Tết"

Nẻo về... -0
 Sau này lớn lên, các con chị Lan sẽ luôn ghi nhớ một nửa tâm hồn mình có Mẹ, có Việt Nam.

Giữ gìn văn hóa Việt cho các con là điều chị Lan (thành phố Brisbane - thủ phủ của bang Queensland) luôn tha thiết. Ðặc biệt là mỗi độ Tết Việt đến, dù khi đó, nước Australia chớm vào… thu.

1 Australia nằm ở nam bán cầu nên khí hậu trái ngược hẳn với Việt Nam. Vào tháng 8, khi Brisbane và khắp Australia đón những cơn gió xuân, Việt Nam đang độ cuối hè, với những chùm bằng lăng, những cành phượng đỏ cuối cùng xòe tán vẫy tay tạm biệt mùa hè.

Dù không phải Tết nhưng trong lòng người Việt, vẫn xốn xang vì đất trời khi ấy cứ gợi lên bao nhiêu ký ức về thời khắc đón chào năm mới. Làn gió xuân man mát, dìu dịu, đến quãng chiều tối vẫn còn se lạnh, cứ y như không khí những ngày giáp Tết. Nhà nào còn đốt bếp củi thì trong không gian lại thoảng thêm mùi khói, tựa như mùi của “khói lam chen mái rạ - những nếp nhà xa xa”. Và hoa đào, vâng, hoa đào, nở bung khắp các khu phố quanh quận Inala - quận có đông người Việt Nam nhất. Chẳng biết nguồn gốc cây hoa đào là từ đâu, chỉ biết rằng khi đi khắp các nẻo đường của thành phố Brisbane, cứ đến mùa xuân, thấy nhà ai có cây hoa đào đang nở rộ, là gần như chắc chắn đó là một gia đình Việt Nam.

Ðây cũng chính là lúc gia đình chị Lan “ăn Tết” - một cái Tết thật dông dài, thoải mái, tranh thủ khi thời tiết đang độ đẹp nhất. Hằng ngày, cả nhà sẽ cùng nhau mở tiệc trà bên gốc cây đào phai đang nở những nụ hồng, cho đến khi những cánh hoa đào bung nở, và đến tận khi chúng lãng đãng rơi. Chị Lan hóm hỉnh: “Mình thật may mắn khi một năm được ăn Tết đến hai lần! Và vì mình rất yêu Tết nên chắc hẳn không có gia đình nào ăn Tết… lâu như gia đình mình đâu!”.

2 Quả thật, đã 10 năm xa quê, năm nào chị cũng tự gói bánh chưng cho gia đình và để tặng bạn bè. Từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, cho đến củ kiệu, mâm ngũ quả... chị đều tự tay nấu và bày biện. Nấu trên bếp củi chưa đủ phong vị, chị còn nghiên cứu xây một cái bếp gạch đắp đất sét ngay trong sân nhà - cái bếp chị gọi vui là “chồng xây vợ đắp”, vì ông xã thì xây khung gạch, còn chị tự đào đất sét trong vườn nhà để đắp bên trong tạo lớp giữ nhiệt. Ðã có rất nhiều món ngon được sinh ra từ chiếc bếp này, như cá kho làng Vũ Ðại, phở bò, phở gà... đều chuẩn chỉnh, đúng cách nấu của quê nhà, chậm rãi từ tốn, không vội vàng, và thấm đẫm mùi vị quê hương từ nguyên liệu cho đến dụng cụ nấu, và thơm lừng mùi củi, rạ.

Mảnh vườn nhỏ xinh được chị chăm chút, trồng từ củ gừng, củ hành, vạt rau thơm, cho đến những cái bắp cải khổng lồ, những bó cải để muối dưa to hơn vòng tay cô con gái bé... Chị dùng chính những nguyên liệu quanh nhà đó để nấu ra những nồi bún, nồi phở đậm đà, thơm lừng, theo cơn gió đẩy đưa, làm những đứa con đi học về cứ tíu tít như đàn chim háu ăn, mong chờ được mẹ chan một bát để ăn cho mau ấm bụng. Không hài lòng với loại bánh phở khô nhập khẩu, chị Lan còn mày mò tự làm bánh phở tươi, và chị đã làm thành công loại bánh phở dai mềm y như trong ký ức của chị về những bát phở “không người lái” ngày ấy.

Cô con gái 6 tuổi của chị cũng giúp chị thái bánh phở. Cô bé đáng yêu có đôi mắt to tròn thông minh và nụ cười xinh như thiên thần cũng rất yêu nấu ăn. Cô bé là động lực để chị tự mình lập ra trang web “Bếp người xa xứ”, chia sẻ rộng rãi các công thức và kinh nghiệm nấu ăn, với mong muốn truyền cảm hứng cho những người Việt xa quê trong việc gìn giữ truyền thống quê hương.

3 Chị Lan nhớ rất rõ cái cảm giác lạnh tê tái, mưa phùn giăng mắc ẩm ướt và đêm ba mươi tối sầm khi trời đất chuyển mình chia tay năm cũ, đón chào năm mới. Ấy lại là lúc Brisbane đang vào những ngày hè nắng chan hòa, có năm có những ngày lên đến 40 độ C.

Thời tiết lúc này vô cùng trái ngược đối với khung cảnh Tết. Tuy vậy, chị Lan vẫn ăn mừng Tết theo cách riêng, bằng những món ăn hợp thời tiết. Chỉ với những quả dừa già bán trong siêu thị, chị khéo léo dùng muôi gõ chung quanh hoặc nướng nhẹ trong lò cho cùi dừa tróc khỏi vỏ và nạy ra dễ dàng. Tiếp đến, chị nạo thành những sợi dừa vừa đủ mỏng, sên dưới lửa nhỏ đến khi mứt dừa khô, rồi xếp thành những bông hoa mứt dừa thơm thảo.

Món quà giản dị, mà sao mang đầy sự khéo léo, tinh tế, và tình yêu thương của người làm ra nó. Như những hạt đường li ti trên miếng mứt dừa thấm dần rồi tan vào miệng một hương vị ngọt ngào, tình yêu với văn hóa Việt Nam và ẩm thực Việt Nam - một nửa dòng máu của các con chị, cứ thấm dần, thấm dần vào các con theo từng món ăn mẹ làm, từng câu chuyện mẹ kể. Ðể rồi một năm hai lần ăn Tết, chị và các con lại cùng nhau xúng xính trong bộ áo dài, tự hào và kiêu hãnh vô cùng, chụp cho nhau những tấm ảnh kỷ niệm. Sau này lớn lên, các con sẽ luôn ghi nhớ một nửa tâm hồn mình có Mẹ, có Việt Nam.

Cái cảm giác đi giữa Brisbane nhìn thấy đào thắm, đào phai thi nhau nở, trong tiết trời se lạnh, còn ở Việt Nam đang độ cuối hè nóng như lửa, thật là khó tả, thật là trái ngược, thật là “một mình một kiểu”.

LILY NGUYỄN (Brisbane, bang Queensland)

Thế là, Tết ơi…

Nẻo về... -0
 Từ một buổi “nghe trộm” vô tình ở cửa hàng tiện lợi, thầy Nam mới quen được đôi bạn “mày mày, tao tao” nơi đất khách.

Lần này, tôi qua Hàn Quốc thỉnh giảng tại Trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, đúng vào những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát ở đây. Suốt cả năm hầu như chỉ dạy học online. Thời gian gặp và được nói tiếng Việt trực tiếp với người khác hầu như rất ít.

Có lẽ khi sống ở nước ngoài, điều làm ta giật mình chú ý nhất chính là những âm thanh tiếng Việt bỗng bất ngờ vang lên đâu đó, ở nơi ta không ngờ nhất. Tôi đã đi nhiều nước, và mỗi lần bất chợt nghe tiếng Việt í ới quanh mình, thần kinh của tôi bỗng tập trung vào những câu từ tiếng Việt đó chứ không nghĩ gì khác nữa. Rồi bỗng dưng biến mình thành một người “nghe trộm”, và rồi không thể nào không bắt chuyện.

Khoảng cuối tháng 3 năm rồi, một buổi chiều tôi vào cửa hàng Daiso ở gần trường để tìm mua mấy thứ lặt vặt, bỗng nghe tiếng Việt vang lên từ hai cô cậu thanh niên dáng chừng 23-24 tuổi. “Mày mua cái này này”, “mày mua thì mua” “tao mua làm gì”… Khoảng 10 phút sau, tôi không chịu nổi nữa, bèn làm một việc mà ở Việt Nam thì không bao giờ làm là tự dưng bắt chuyện. “Chào hai cháu Việt Nam. Bác là người Việt đây”. Trao đi đổi lại, hóa ra cô cậu là sinh viên đang học tại trường tôi dạy. Qua nói chuyện mới biết ở trường có khoảng hơn 100 sinh viên Việt Nam.

Cháu gái bảo cháu trai: “Mày lấy số điện thoại liên lạc của bác đi, có gì giúp bác”. Chỉ vài hôm sau, cậu ấy đã dẫn tôi đi mua được cái xe đạp (mà tôi đã nhờ mấy người, nhưng cả tháng vẫn không biết cửa hàng bán xe đạp ở đâu).

Một hôm đang ở nhà bỗng thấy cậu con trai nhắn tin: “Bác ơi, bác ăn được lòng lợn không ạ?”. “Ôi, đang ở nước ngoài mà lại hỏi thế? Ðược chứ cháu, mà sao?”. “Thế để chiều nay cháu mang qua cho bác. Cháu mới đặt mua và làm ạ”. Thế là 5 giờ, cậu mang đến cho tôi đầy đủ một đĩa lòng như ở Hà Nội, và cả cháo lòng nữa. Cậu bảo “cháu thèm quá không chịu được, thế là cháu đặt trên mạng rồi cháu tự làm, một nồi luôn ạ”.

Lại nói về những món ăn.

Một hôm, tôi đi lên chợ truyền thống Cheongyangni, một khu chợ khá nổi tiếng ở Seoul, bán đủ loại sản vật rau quả, thịt cá, đến thuốc bắc, thuốc nam,… có vẻ như gì cũng có.  Tôi đang dạo, tình cờ nhìn thấy một dãy dài người ta bán nhộng, thế là mua ngay một túi nhỏ nhất với giá 2.000 won (khoảng 40.000 đồng tiền Việt) về xào với hẹ.

Ðĩa nhộng ấy đưa một trời tuổi thơ trở lại. Hồi bé, từ 7-8 tuổi tôi ở với o tôi ở Thanh Cát, Thanh Chương, Nghệ An. O tôi làm nghề nuôi tằm, ươm tơ. “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Tôi vẫn nhớ, mỗi ngày, nếu học sáng thì chiều ra bãi, nếu học chiều thì sáng ra bãi. O tôi giao cho tôi phải kiếm được một “sông du” (một sọt lá dâu). Tôi đi hái lá dâu cùng với mấy bạn trong xóm ở những bãi dâu bạt ngàn bên bờ sông Lam. Thực ra là đi hái trộm của hợp tác xã. Nhưng bãi dâu mênh mông thế, nên các chú bảo vệ cũng không bắt. Tôi lại nhớ buổi sáng đi hái dâu ở bãi sông ngang làng Cát Ðình, bên kia sông là làng Phượng Kỷ (Ðô Lương), bỗng máy bay Mỹ đến thả bom. Chúng tôi cũng đã được biết kinh nghiệm nếu nhìn lên thấy quả bom hình dài thì không sao vì nó rơi xa chỗ mình đứng, còn nếu nhìn thấy hình tròn thì nó đang rơi đúng chỗ mình. Tôi nhìn lên trời và thấy rất nhiều hình tròn, vội ba chân bốn cẳng chạy vào làng. Bom đã nổ ở bên kia làng Phượng Kỷ, rồi trên sông. Sau lưng, đã nghe tiếng những mảnh bom văng vào các thân tre bên đường, tôi chạy thẳng ra đồng. Hôm đó, chị Châu của thằng Chinh trong lớp tôi không chạy kịp. Cũng hôm đó, bên kia làng Phượng Kỷ, anh hùng Nguyễn Quốc Trị, hy sinh vì bom từ trường nổ chậm lúc ông đạp xe từ nhà ra thăm trận địa pháo phòng không.

Lại một hôm khác, tôi đi qua nhà ga Weitei ở gần trường tôi (Weitei là Ngoại đại, tức ga Trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc), thấy một bà cụ ngồi bán rau dọc lối đi gần ga, trước bà cụ là một đống ngải cứu non, tự nhiên lòng tôi reo lên. Và tôi đã mua ngay một ít về làm trứng ngải cứu ăn. Vừa ăn vừa rưng rưng nhớ quê nhà.

Đó, quê hương khi đi xa thực ra không phải là điều gì quá to tát. Là một câu chào tiếng Việt, hay một hương vị ký ức thôi. Nhưng quê hương vẫn làm rung lòng người xa xứ, nhất là những độ “Tết đến Xuân về”. Tôi từng ăn năm cái Tết ở Cam-pu-chia thời trai trẻ, ba cái Tết ở Nhật Bản của thời 30-40 tuổi. Tôi hiểu thế nào là nỗi nhớ nhà, nhớ quê những thời khắc đó. Dường như người ở xa hiểu rõ giá trị của cái Tết hơn khi người đó ở nhà. Tôi nhớ hồi ở Tokyo, tôi có người bạn Việt Nam là GS Lê Văn Cừ, anh lấy vợ Nhật, đã ở Nhật Bản tính đến nay là 45 năm, mà anh nói Tết nào anh cũng “xin phép vợ” tìm đến một nhóm bạn người Việt để ăn Tết Việt, và đón Tết qua đêm. Nhà tôi ở Tokyo thời đó cũng là nơi anh và mấy chục sinh viên Việt Nam quây quần đón Tết.

 Ðợt này tôi đi công tác dài hạn, Tết này cũng vừa lúc kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chưa biết có thể về kịp Tết được hay không vì đại dịch vẫn còn căng thẳng bên đây, và chỉ còn cách chờ máy bay giải cứu. Vậy nên, dù có đang ở giữa mùa đông Seoul âm 12 độ thì tôi vẫn cứ ôm đàn rên rỉ bài hát Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang: “Làm sao về được mùa đông, dòng sông đôi bờ cát trắng, Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gẫy...”.

Ðúng là dẫu có về kịp được Tết hay không thì lòng tôi vẫn sẽ ngân lên: Thế là …Tết ơi!

Seoul, 31-12-2020.

PGS, TS Nguyễn Thiện Nam đã giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong khoảng thời gian 40 năm, bắt đầu từ cuối năm 1980 tại Khoa Tiếng Việt, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã có hơn bảy năm dạy tiếng Việt ở Cam-pu-chia trong những năm 80 thế kỷ trước và sau đó có nhiều năm giảng dạy ở Nhật Bản, Hàn Quốc và trao đổi khoa học ở nhiều quốc gia khác. Chuyên môn sâu của ông là Ngữ pháp tiếng Việt và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hiện ông là GS thỉnh giảng tại Trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc.

NGUYỄN THIỆN NAM

Xin cảm tạ quê hương !

Nẻo về... -0
Bộ quần áo bảo hộ nóng nực khó chịu không thể ngăn nhịp tim nhảy múa trong niềm vui khi được “Về nhà”. 

“Chẳng biết thế nào, có được về chuyến này không đây…”. Tiếng ai đó, vẳng lên từ giữa đoàn người co ro xếp hàng, nằm ngồi la liệt trong những tấm áo khoác tại sân bay, nhìn đã biết mệt mỏi và vô vọng tột độ.  

Đến tận lúc viết những dòng này, tôi vẫn khó có thể tin được là mình đã lại được bước đi trên dải đất hình chữ S. Bởi trước đó, kể cả đã cầm một tấm vé “xịn” trên tay, điều đó vẫn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ được lên máy bay, bỏ lại biển Nhật Bản, men rìa Thái Bình Dương, vào Biển Ðông của Việt Nam, để “về nhà”.

Ðầu tháng 4-2020, với đỉnh dịch 700 ca nhiễm mới mỗi ngày, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sau hơn một tháng khuyến cáo hạn chế đi lại, số ca mắc mới đã giảm xuống chỉ còn 30 ca/ngày. Chính phủ Nhật Bản thời điểm đó được báo chí phương Tây ca ngợi là “hiểu rõ về Covid-19”, đã ngay lập tức bắt tay vào triển khai kế hoạch phục hồi nền kinh tế.

Với hai chiến dịch Go to Travel và Go to Eat, người dân lại được khuyến khích đi du lịch và ăn uống, với sự tài trợ của chính phủ. Ðiều đáng nói là hai chiến dịch này được diễn ra trong tình trạng vẫn còn ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng, và việc tiến hành truy vết không mấy hiệu quả. Hệ quả tất yếu: Ðến tháng 8-2020, số ca nhiễm mới lên tới gần 2.000 ca/ngày. Những ngày đầu năm 2021, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục, gần 8.000 ca/ngày.

Ước tính sau ba lần mở đăng ký thông tin của Ðại sứ quán, có khoảng 20 nghìn người Việt tại Nhật Bản có mong muốn được hồi hương. Trong đó, có những trường hợp rất đáng thương như bố mẹ bị bệnh nặng, vợ sắp sinh, v.v… nhưng họ cũng phải xếp sau nhiều hoàn cảnh cấp thiết hơn. Nhiều người sau hàng tháng trời chờ đợi đã hết hạn visa, hoặc đã sử dụng hết số tiền ít ỏi tích góp được để trang trải chi phí sinh hoạt. Họ đành chấp nhận lao động trái phép để sinh tồn.

May mắn là ngoài các chuyến bay được tổ chức bởi Ðại sứ quán, Nhà nước Việt Nam cũng cấp phép cho nhiều chuyến bay giải cứu khác, tạo điều kiện để đồng bào có cơ hội hồi hương. Nhưng, hành trình để có được một suất vé cũng không hề dễ dàng. Lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn “về nhà”, nhiều vụ lừa đảo, thậm chí xuất vé máy bay giả đã xảy ra.

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát ở Ðà Nẵng, hàng loạt chuyến bay hồi hương từ Nhật Bản đã bị hoãn/hủy, để cả nước một lần nữa tập trung gồng mình chống dịch. Chúng tôi hiểu rằng đó là chuyện cần phải làm, nhưng cũng không thể không chất chứa thêm âu lo.

Vào đầu tháng 12-2020, tôi được báo sẽ có chuyến bay vào đầu tháng 1-2021. Tôi quyết định nghỉ việc, sẵn sàng trở về. Nhưng chỉ ít hôm sau, tôi lại nhận được thông báo chuyến bay bị hủy vì sự phức tạp của virus chủng mới. Hy vọng và niềm vui vừa bừng lên đã lại lụi tắt. Tôi đành chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất: Mình sẽ không thể được trở về, ít nhất là trong vài tháng nữa. Song, như một phép màu, lại có thông báo về một chuyến bay khác.

Ngày đến sân bay, tôi được biết có một chuyến bay của ngày hôm qua bị hoãn. Có những người giữa cái rét lạnh của Tokyo đã phải ngủ ở sân bay hai đêm liền, chỉ để chờ được bay. Tôi lại bắt đầu thấp thỏm đến nghẹt thở. May thay, phép màu vẫn còn hiệu nghiệm.

Bộ quần áo bảo hộ nóng nực khó chịu không thể che giấu được niềm vui trên gương mặt của tôi và đồng bào cùng chuyến bay, với nhịp tim nhảy múa trên từng bậc thang dẫn lên khoang hành khách. Chúng tôi đang “VỀ NHÀ”! So với điều đó, chút khó chịu này có đáng gì!

Ðược đặt chân lên đất mẹ là một cảm giác không thể diễn tả. Bao nhiêu mệt mỏi, hồi hộp lo lắng và đợi chờ cuối cùng đã có thể để lại hết phía sau. Và không gì so sánh nổi cảm giác bùng nổ lúc cả đoàn nhận được thông báo thời gian cách ly đã kết thúc. Theo lịch là 14 giờ sẽ có thông báo, nhưng 15 giờ vẫn chẳng thấy gì. Hàng đoàn xe đã đợi ở ngoài. Vợ gọi điện cho chồng. Con gọi điện cho cha. Nguyên tắc là kết quả xét nghiệm cả đoàn phải âm tính, những cánh cổng mới mở. Thế nên, chẳng ai ngồi yên nổi một chỗ. Ðến 16 giờ, loa mới chính thức phát. Tôi nghe sấm rền theo từng bước chân nhảy cẫng lên của tất cả mọi người, trong từng phòng, suốt cả dãy hành lang.

Và cuối cùng, tôi đã lại được đắm mình vào vòng tay của anh em bạn bè thân thiết, được vùi mặt hít trọn mùi hương tóc người con gái cũng đã khắc khoải đợi từng tin vui buồn trên hành trình trở về gian nan của tôi.

Những ngày vừa qua, cả nước nín thở theo dõi thông tin đợt bùng phát mới nhất, lòng tôi trĩu nặng. Bởi vì tôi biết: Bất chấp mọi hiểm họa chực chờ - những hiểm họa có thật, Tổ quốc Việt Nam sẽ không để ai bị bỏ lại, sẽ dang tay đón tất cả những đứa con lưu lạc.

Có đằng đẵng những ngày buộc phải ru rú trong phòng mới hiểu được giá trị những phút giây tung tăng phố xá. Có đi qua “thời Covid” mới càng thêm yêu quý những ngày bình thường. Có trở về từ vùng dịch nơi đất khách, mới thật sự hiểu tường tận ý nghĩa của ba chữ “được trở về”.

Nhìn những cánh đào rung rinh trong gió - cành đào Nhật Tân tôi mang từ đất Thăng Long nghìn năm về phương nam yêu dấu, chưa bao giờ, tôi thấy Tết của mình nhiều phong vị đến thế. Tết ở nhà, Tết Việt, Tết an vui đầm ấm. Tết thấm đẫm lòng biết ơn, và cả niềm tin.

Nẻo về... -0
 

Trần Minh Tiến, sinh viên ngành Ðiện - Ðiện tử Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, hoàn thành chương trình đại học và thạc sĩ cùng ngành tại Trường đại học Kỹ thuật Nagaoka. Anh từng giành danh hiệu “Sinh viên xuất sắc nhất” của trường đại học này vào năm 2017. Minh Tiến có bốn năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn điện tử lớn ở Nhật Bản.

Trần Minh Tiến