Triển vọng năm 2021

Khởi động những guồng quay

Những tín hiệu và dự báo gần đây đang thắp lên hy vọng về một năm mới với triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế toàn cầu, sau một năm "giông bão" vì đại dịch Covid-19.

Tiêu dùng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021.
Tiêu dùng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021.

Nhận định về xu thế phục hồi của kinh tế thế giới năm tới, tờ The Business Times của Xin-ga-po (Singapore) nhấn mạnh: 2021 được dự báo là "năm của sự phục hồi", trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng.

The Business Times cho rằng: Năm tới có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, các nhà đầu tư hiện hướng tới triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2021 dựa trên những hy vọng về vắc-xin phòng Covid-19, các biện pháp kích thích tài chính và khả năng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng. Theo giới chuyên gia, các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc đại lục, Ðài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây sẽ chậm hơn. Sự phục hồi ấn tượng của kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2020 có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện cho các nền kinh tế ngoại vi ở châu Á, như Hàn Quốc, hồi phục nhanh hơn.

Cũng như nhận định của The Business Times, trong năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ được "trợ lực" bởi các yếu tố thuận lợi khác như: đồng USD yếu; khả năng Chính phủ Mỹ sẽ theo đuổi một chính sách thương mại ổn định và thân thiện hơn… Trong bối cảnh nêu trên, báo cáo hằng năm của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) công bố ngày 26-12-2020 phán đoán: Trung Quốc dự kiến tăng trưởng kinh tế trung bình ở mức 5,7%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so dự báo trước đây.

Khởi động những guồng quay -0
Những con rồng châu Á, mà Việt Nam là một trong số đó, được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng phục hồi kinh tế trong năm 2021.
 

Một nền kinh tế mới nổi quan trọng khác của châu Á là Ấn Ðộ cũng đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Thủ tướng Ấn Ðộ N.Mô-đi (N.Modi) lạc quan rằng nền kinh tế nước này sẽ phục hồi nhanh với một số chính sách kích thích phát triển của Chính phủ. Như các chuyên gia nhận xét: Với sự điều chỉnh chiến lược gần đây, Ấn Ðộ có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong khoảng 0,25-0,6% GDP của tài khóa này.

Tại các nền kinh tế phát triển phương Tây, dù trước mắt còn nhiều khó khăn do đối mặt nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, song những tín hiệu tích cực cũng đã bước đầu xuất hiện.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có những đánh giá tích cực hơn về các triển vọng tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này trong hai năm tới, và nhận định bức tranh việc làm đang dần cải thiện. Các chuyên gia Mỹ tin tưởng kinh tế "xứ cờ hoa" sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với những dự báo đưa ra trước đó.

Trong khi đó, tại Anh, thống kê chính thức cho thấy đà phục hồi của kinh tế Anh tăng mạnh hơn dự báo trong quý III-2020 với tăng trưởng GDP tới 16%, mức cao kỷ lục. Giáo sư I.Béc (I.Begg) tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Ðôn (LSE) cho rằng: "Kinh tế Anh có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý II-2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi".

Một nền kinh tế phát triển lớn khác là Ca-na-đa (Canada) cũng phục hồi ấn tượng trong thời gian gần đây, bất chấp làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Theo Cơ quan Thống kê Ca-na-đa, GDP của nước này thực tế tăng 0,4% trong tháng 11-2020 ngay cả khi nhiều khu vực tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Chế tạo, bán buôn và tài chính là những lĩnh vực đóng góp chính vào sức tăng trưởng trên, trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng đi xuống. Kết quả khảo sát của Cơ quan Phát triển xuất khẩu Ca-na-đa (EDC) cho thấy các nhà xuất khẩu ở quốc gia Bắc Mỹ này đang dần tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế.

Khởi động những guồng quay -0
  Với một số chính sách kích thích phát triển phù hợp từ Chính phủ,
nền kinh tế Ấn Độ đang hồi phục nhanh hơn trông đợi.

Trước triển vọng kinh tế tích cực như trên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định: Vắc-xin ngừa Covid-19 là nhân tố giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới.

Theo OECD, do các lệnh phong tỏa chống dịch kéo dài nhiều tháng tác động đến kinh tế, tổng GDP của thế giới sẽ giảm 4,2% trong năm nay. Nhưng sau đó, kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2021.

Dù các tín hiệu tích cực đã xuất hiện, song chuyện bức tranh kinh tế toàn cầu có "tỏa sáng" trong năm 2021 hay không còn phụ thuộc nhiều việc các quốc gia có kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 hay không. Nếu dịch bệnh nghiêm trọng vẫn kéo dài, thì hầu hết các nền kinh tế có thể vẫn ở tình trạng bấp bênh và gian nan.

Đông Đô