Động lực mạnh mẽ cho phát triển

Nhận định chung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế vừa qua khẳng định, những kết quả nổi bật về đối ngoại và hội nhập đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Tiến trình hội nhập quốc tế bước vào giai đoạn mới, thực chất và toàn diện hơn, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc phát triển đất nước.

Phiên thảo luận về triển vọng địa chính trị châu Á tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh WEF
Phiên thảo luận về triển vọng địa chính trị châu Á tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Ảnh WEF

Ðịnh hướng chiến lược xuyên suốt

Với chủ đề Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững,hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả hội nhập quốc tế thời gian qua. Trong bài phát biểu với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Ðảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng những chiến lược phù hợp từng giai đoạn phát triển. Kết quả hội nhập quốc tế góp phần quan trọng vào thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thể hiện ở bốn khía cạnh: Góp phần củng cố môi trường hòa bình; tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển; giữ vững môi trường chính trị, xã hội ổn định; và quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Là lĩnh vực trọng tâm, hội nhập kinh tế quốc tế đã tranh thủ một cách hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, cùng nội lực quốc gia tạo nên động lực mạnh mẽ cho phát triển. Hệ thống gồm 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký hoặc kết thúc đàm phán, cả song phương và đa phương (như CPTPP, EVFTA, hay Liên minh kinh tế Á - Âu...), cùng bốn FTA đang đàm phán, có thể tạo nên mạng lưới kết nối Việt Nam với 60 nền kinh tế, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đất nước đang lớn mạnh. Ðây là cơ sở giúp duy trì đà tăng trưởng GDP cao trong những năm qua, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ðiểm sáng hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng là góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển. Tiến trình hội nhập mạnh mẽ đưa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhất là với các đối tác ưu tiên và quan trọng, đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Mạng lưới gồm 28 đối tác chiến lược và toàn diện đã được hình thành, trong đó có toàn bộ năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bảy nước nhóm G7 và 13 trong số 20 thành viên G20. Các mối quan hệ chặt chẽ, độ tin cậy ngày càng cao đã tạo thuận lợi cho duy trì hòa bình và ổn định quốc gia.

Các lĩnh vực hội nhập đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam. Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị tầm khu vực và toàn cầu, như APEC 2017, WEF ASEAN 2018 và mới nhất là Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên, đã khẳng định năng lực và uy tín của Việt Nam trong việc tham gia các công việc chung của thế giới. Sau lần đầu đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam tiếp tục được các nước ủng hộ tiếp tục ứng cử vào vị trí này cho nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), trúng cử Chủ tịch Ðại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) càng khẳng định mức độ tín nhiệm cao mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Ðây là những minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại của Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

Chủ động tham gia, tích cực đóng góp

Xuất phát từ giai đoạn ban đầu là hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và tự tin hội nhập một cách chủ động và toàn diện, mở rộng trên cả ba trụ cột là chính trị - quốc phòng - an ninh, kinh tế và khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội. Nhìn từ kết quả hội nhập trong 5 năm qua, nổi bật lên yếu tố mới, đó là, tiến trình hội nhập quốc tế đã bước vào giai đoạn mới, cao hơn, thực chất hơn, nhất là lĩnh vực đối ngoại đa phương. Từ chỗ chỉ "tham dự", tiến trình hội nhập của Việt Nam đã chuyển sang "chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương". Việc được bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ tạo cho Việt Nam cơ hội tham gia, đóng góp vào các quyết định quốc tế quan trọng. Tham gia các cơ quan chuyên ngành của LHQ, như UNCITRAL hay WIPO, Việt Nam được góp phần xây dựng các quy định mang tính toàn cầu, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích quốc gia.

Động lực mạnh mẽ cho phát triển ảnh 1

Lá cờ Việt Nam, Triều Tiên và Hoa Kỳ tung bay tại Thủ đô Hà Nội trong những ngày diễn ra Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Ảnh: ANH SƠN

Môi trường quốc tế đang biến động phức tạp và khó lường, thời cơ và thách thức song hành, hợp tác và cạnh tranh đan xen, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt. Trong khi đó, tiến trình tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường vốn trì trệ lại song hành cùng các hình thức bảo hộ, thậm chí tinh vi và phức tạp hơn. Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thách thức đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam, trong đó nhiệm vụ giữ gìn môi trường hòa bình cho phát triển và loại bỏ nguy cơ tụt hậu, rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" là các thách thức lớn và thường trực.

Hội nghị Tổng kết hội nhập quốc tế vừa qua đã chỉ rõ, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tác động càng nhanh hơn, cạnh tranh càng mạnh hơn, trong khi sau 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước lớn mạnh hơn, nhưng vẫn tồn tại những nguy cơ, năng lực hội nhập chưa theo kịp yêu cầu, có thể làm giảm hiệu quả tận dụng các cơ hội mà tiến trình hội nhập quốc tế mang lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ba phương châm của công tác hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, gồm: Nâng tầm; Toàn diện và sâu rộng; Ðổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Ðặc biệt, yêu cầu mới, rất cao và quan trọng đó là nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia, tích cực đóng góp xây dựng và định hướng các thể chế đa phương.

Tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước chứng minh chủ trương hội nhập quốc tế là đúng đắn và là sự nghiệp của toàn dân. Qua hội nhập, Việt Nam quảng bá và khẳng định với cộng đồng quốc tế về hình ảnh đất nước hòa bình, năng động, luôn vươn lên mạnh mẽ, có đủ năng lực và chủ động, tích cực đóng góp một cách có trách nhiệm, hiệu quả cho công việc chung của cộng đồng quốc tế.