Câu chuyện cuối cùng của Y-an-nít

“Nhiệm vụ của tôi là kể lại cho các bạn những câu chuyện, để rồi các bạn tự quyết định mình sẽ làm gì. Nhiệm vụ của tôi là bảo đảm rằng sẽ không ai nói: Tôi không biết gì (về điều đó)”. Đó có lẽ là lời phát biểu được biết đến nhiều nhất từ Y-an-nít Bê-ra-kít (Yannis Behrakis), phóng viên ảnh người Hy Lạp, chủ nhân giải Pulitzer danh giá năm 2016 - người vừa giã từ thế giới hồi đầu tháng 3-2019, ở tuổi 58.

Câu chuyện cuối cùng của Y-an-nít

Trong ký ức những người ở lại

Gắn bó gần như cả sự nghiệp với vai trò là phóng viên chiến trường của “người khổng lồ thông tấn” - Roi-tơ (Reuters), nên mọi lời ngợi ca mà Roi-tơ dành cho “quân át chủ bài” của mình phần nào đó mang thêm những đường nét phóng đại. Tuy vậy, khi CNN đánh giá, một cách lạnh lùng, rằng Y-an-nít “được biết đến rộng rãi nhờ những bức ảnh đầy uy lực, về những quốc gia trong khủng hoảng”, thì người ta có thể hình dung ra tầm vóc của tên tuổi ấy. Nhưng, chỉ tài năng thôi rõ ràng là chưa đủ, để Y-an-nít được yêu mến và tiếc nhớ sâu sắc đến như vậy.

“Chúng ta đã mất đi một người bạn, một người anh em rồi!” - Gô-ran Tô-ma-xê-vích (Goran Tomasevic), người đồng nghiệp có mặt trong những giờ phút cuối cùng của Y-an-nít, thông báo với toàn thể các đồng nghiệp ở Roi-tơ. “Sẽ không thấy ai quyết đoán đến thế, tập trung đến thế, và hy sinh nhiều đến thế để có được những bức ảnh quan trọng”. Trong khi đó, biên tập viên cấp cao Va-xi-lít Tri-an-đa-phi-lâu (Vassilis Triandafyllou) - một người bạn 30 năm của Y-an-nít - hồi tưởng về một con người “đầy khát khao, rất cứng rắn và vô cùng dữ dội, trong cả nghề nghiệp lẫn cuộc đời”.

Lựa chọn và dấn thân

Y-an-nít Bê-ra-kít (sinh năm 1960, tại A-ten (Athens), lúc đầu chỉ đam mê nhiếp ảnh đơn thuần, và cũng chỉ nghĩ đến việc kiếm sống bằng nghề chụp ảnh. Sau những thành tựu đầu tiên qua series ảnh của tờ Time Line, ông đến với một studio, và ở lại đó đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước.

Có lẽ, bước ngoặt cuộc đời của Y-an-nít đến vào năm 1983, khi ông xem bộ phim Under Fire - bộ phim kể về một nhóm phóng viên mắc kẹt tại Ni-ca-ra-goa (Nicaragua), trong những ngày diễn ra cuộc cách mạng 1979. Và Y-an-nít đã nhận ra con đường mình cần lựa chọn, cần dấn thân: Nhiếp ảnh báo chí.

Năm 1987, ông bỏ lại tất cả, tìm đến Roi-tơ, chỉ để làm một phóng viên tự do tại A-ten. Đến tận năm 1989, ông mới được giao nhiệm vụ “xuất ngoại” đầu tiên: sang Li-bi (Libya), để chụp nhà lãnh đạo quốc gia ấy: M.Ca-đa-phi (Muammar Gadhafi). Bằng một cách nào đó chỉ mình ông biết, Y-an-nít vượt qua tất cả để tiến sát vị nguyên thủ, hoàn tất công việc, ở một khách sạn đông nghẹt các phóng viên quốc tế sừng sỏ. Và ngày hôm sau, những bức ảnh mà ông chụp bằng ca-mê-ra góc rộng - một điều thật sự kỳ lạ vào thời điểm đó - có mặt trên trang nhất rất nhiều tờ báo quốc tế nổi tiếng.

Kể từ đó, Y-an-nít không dừng lại. Thậm chí, ông không còn bằng lòng với việc chụp ảnh các sự kiện tại những nơi an toàn nữa. Dấu chân ông đặt xuống hàng chục miền đất đầy nghẹt chia rẽ và xung đột, từ Á sang Âu, từ Trung Đông đến bán đảo Ban-căng (Balkan), tới tận châu Phi nóng bỏng. Những giải thưởng cứ đến, theo nhau. Giải thưởng lớn cuối cùng thuộc về ông, là bộ ảnh được trao Pulitzer năm 2016, về thảm cảnh của những đoàn người vượt biển nhập cư vào châu Âu bất hợp pháp.

Côn-xtan-ti-ni-đít (Konstantinidis), một thành viên của nhóm phóng viên ảnh Roi-tơ đoạt giải năm ấy, hồi tưởng: “Nếu có thể đến đủ gần để ông ấy mở lòng với bạn, Y-an-nít là người mà bạn sẽ muốn ngồi cạnh và trò chuyện hàng giờ đồng hồ. Bạn luôn học hỏi được gì đó từ ông ấy”.

Và đó là điều gì?

Cuộc chiến cuối cùng

Gô-ran To-ma-xê-vích nhận xét tóm tắt: “Y-an-nít luôn kể những câu chuyện theo cách giàu tính nghệ thuật nhất có thể”. Không phải sự kể lể đơn thuần, không phải là mô tả, cũng không chỉ là đặc tả, ảnh của Y-an-nít luôn có tính gợi tả rất lớn, mang đến những dư vị cảm xúc đầy rung động. Kể cả khi ông khắc họa bạo lực, cái chết, sự bi thảm (như trong bức ảnh nổi tiếng về một đứa trẻ thiệt mạng vì chiến tranh năm 1998), đó cũng vẫn gần như là một bức ảnh nghệ thuật.

Và bức ảnh đáng nhớ nhất trong loạt ảnh đoạt Pulitzer năm 2016, không hề có những lăn lộn quằn quại, không hề có đớn đau hay máu lệ. Thân phận con người trong bức ảnh quá đẹp, quá gợi cảm: Một người cha hôn đứa con gái đang ôm cổ mình, dưới một cơn mưa châu Âu tầm tã, khi bước chân đơn độc và vô định vẫn không dừng.

Y-an-nít luôn cố gắng thu thập càng nhiều chất liệu hiện thực càng tốt. Nhưng rồi, ông luôn luôn khe khắt với chính mình trong việc chắt chiu cảm xúc, để lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất. Điều đó nâng ông lên một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt.

Nhưng tại sao ông phải làm vậy?

Có một lời phát biểu khác của Y-an-nít: “Chúng ta cho thế giới thấy những gì đang xảy ra. Nếu thế giới quan tâm, nghĩa là tinh thần nhân văn vẫn sẽ còn sống. Chúng ta làm những điều này, để tiếng nói của những người không may mắn phải được lắng nghe”.

Y-an-nít có một triết lý dẫn đường trong nghề nghiệp, và ông trung thành với triết lý ấy. Nhờ nó, ông luôn là người kể những câu chuyện đẹp, dù u buồn.

Từ nhiều năm rồi, trên những hành trình lăn lộn với nghề, cho đến khi dừng lại ở tuổi 58, Y-an-nít đã luôn chiến đấu, và luôn chiến thắng căn bệnh ung thư…

Câu chuyện cuối cùng của Y-an-nít ảnh 1

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 2016 của Y-an-nít Bê-ra-kít.