Kinh tế toàn cầu 2018

Bức tranh lẫn mầu “sáng tối”

Năm 2018 đánh dấu việc kinh tế toàn cầu trải qua “một thập kỷ mất mát” sau cuộc khủng hoảng tài chính kể từ năm 2008. Theo đó, các nền kinh tế tiếp tục phục hồi với một vài điểm sáng. Tuy nhiên, trên tổng thể lại đã và đang xuất hiện những gam mầu tối đáng lo ngại.

Các bộ trưởng ngoại giao tại Hội nghị Ðông Á tại Xin-ga-po. Ảnh asean.org
Các bộ trưởng ngoại giao tại Hội nghị Ðông Á tại Xin-ga-po. Ảnh asean.org

Năm 2018, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến sự phục hồi của một số nền kinh tế lớn, dù tốc độ phục hồi và tăng trưởng là không đồng đều. Kinh tế Trung Quốc, Ấn Ðộ và các nước Ðông - Nam Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) tiếp tục phục hồi. Theo dự báo mới nhất của OECD, kinh tế Eurozone tăng 1,9% năm 2018 và 1,8% vào năm 2019.

Trong khi đó, nền kinh tế số một thế giới là Mỹ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Văn phòng thống kê kinh tế Mỹ cho biết: Trong quý II và quý III vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt tăng trưởng 4,2% và 3,5%. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố “Beige Book” về tình hình các khu vực kinh tế trọng điểm ở Mỹ, đánh giá nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong gần 50 năm qua, ở ngưỡng 3,7%; lạm phát ở mức mục tiêu là 2%. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ (C.Lagarde), trong trả lời phỏng vấn đài CNBC của Mỹ mới đây nhận định: Kinh tế Mỹ “dường như sẽ không bị suy giảm trong tương lai gần”.

Một “điểm sáng” đáng chú ý nữa trên bức tranh kinh tế toàn cầu năm qua là Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã được các nước thành viên phê chuẩn. Ðầu tháng 11 vừa qua, sau khi Ô-xtrây-li-a (Australia) trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn CPTPP, thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia của khu vực châu Á Thái Bình Dương đã chính thức “hồi sinh” và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, việc CPTPP vượt qua nhiều khó khăn để “về đích” trong năm 2018 đang tạo động lực tăng trưởng kinh tế khu vực cũng như gia tăng niềm tin vào xu thế tự do hóa thương mại. Các chuyên gia kinh tế dự báo: CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông - Nam Á như Ma-lai-xi-a (Malaysia), Xin-ga-po (Singapore), Bru-nây (Brunei) và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. Niu Di-lân (New Zealand), Nhật Bản, Ca-na-đa (Canada), Mê-hi-cô (Mexico), Chi-lê (Chile) và Ô-xtrây-li-a cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP nhờ thỏa thuận thương mại này.

Tuy nhiên, bên cạnh những gam mầu sáng nêu trên, kinh tế thế giới cũng đối mặt không ít khó khăn trong năm 2018. Trước thềm 2019, không ít “những đám mây đen” vẫn đang đe dọa làm u ám “bức tranh” kinh tế toàn cầu. Gần đây, các chuyên gia kinh tế thế giới đều nhấn mạnh: Vấn đề nghiêm trọng nhất với kinh tế thế giới hiện nay là nguy cơ tài chính.

Tỷ phú R.Ða-li-ô (R.Dalio), Chủ tịch quỹ đầu cơ Bridgewater Associates LP lớn nhất thế giới, trong phát biểu với hãng tin Kyodo, cho rằng, kinh tế thế giới “đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời kỳ suy thoái tăng trưởng” và nhiều khả năng cuộc suy thoái mới sẽ diễn ra trong 2-3 năm tới. Theo nhà tỷ phú này, hiện nay nợ của các nền kinh tế gia tăng ở mức báo động, trong khi các ngân hàng trung ương hầu hết chỉ tập trung vào lạm phát mà không chú ý đến “tăng trưởng” nợ. Từng theo dõi các cuộc khủng hoảng nợ trong suốt nửa thế kỷ vừa qua, ông Ða-li-ô khẳng định: Thế giới đang trong “giai đoạn bong bóng,” rất khó có thể giải quyết bởi nhiều nền kinh tế hiện đã ở “giai đoạn cuối của chu kỳ nợ”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP mới đây, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông G.Tri-sê (Jean-Claude Trichet) cũng cảnh báo: Dù thế giới đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng nổ ra cách đây 10 năm, song nợ nần chồng chất của các nền kinh tế mới nổi đang khiến hệ thống tài chính thế giới trở lại “dễ bị tổn thương” như tình trạng năm 2008.

Một nguy cơ lớn nữa với kinh tế thế giới là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia và góp phần đẩy một số nền kinh tế tiến nhanh hơn đến bờ vực khủng hoảng. Một bản báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố cảnh báo: Nền kinh tế thế giới “đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay” vì bất ổn tài chính và các cuộc chiến thương mại. Báo cáo về tình hình thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 của UNESCAP vừa công bố tuần trước nêu rõ: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu giảm tới 400 tỷ USD và GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 117 tỷ USD.

Trong khi đó, ở châu Âu, việc tiến trình đàm phán Brexit giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU), dù sắp hết thời gian nhưng vẫn chưa “cán đích”, đang tạo nên những mối quan ngại lớn. Trong một báo cáo mới đây, Fitch đánh giá rằng, nếu kịch bản “Brexit không có thỏa thuận” xảy ra, điều này sẽ phá vỡ các hoạt động hải quan, thương mại và trở thành “ác mộng” đối với kinh tế Anh. Trong khi đó, IMF dự báo: Một khi Anh rời EU không có thỏa thuận, GDP của Anh sẽ sụt giảm 4% trong khi GDP của 27 nước thành viên EU giảm 0,5%.

Trên thực tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và việc đàm phán Brexit bế tắc đã tạo thành những “làn gió độc” khiến nhiều nền kinh tế lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc tới EU bị “nhiễm lạnh” trong những tháng gần đây với tốc độ tăng trưởng giảm sút. Cách đây nửa năm, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ đạt 3,9%, nhưng trong báo cáo mới nhất, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và 2019.

Như vậy, có không ít tín hiệu bất ổn bộc lộ rằng kinh tế thế giới đang đứng trước “ngưỡng cửa” của một đợt suy thoái mới. Thực tế này đã và đang liên tục đặt ra các yêu cầu cấp bách dành cho các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các nước, về việc cần phải khẩn trương và gấp rút tìm kiếm những phương án xử lý tình hình, thay đổi hiện trạng và chặn đứng nguy cơ suy thoái. Hay ít nhất, cũng phải giảm thiểu được những tác động tiêu cực từ nguy cơ đó.