Bình luận

Vụ nổ

Lại một đám mây hình nấm!

8h15 sáng 6-8-1945, chiếc máy bay ném bom B-29 mang tên Enola Gay của không quân Mỹ thả quả bom nguyên tử mật danh “Thằng Nhỏ” với sức công phá 13 kiloton trên bầu trời trung tâm thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Vụ nổ của quả bom nguyên tử đã tạo ra một cột khói hình nấm khổng lồ, giết chết lập tức ít nhất 90.000 người, tạo ra bán kính tàn phá 1,6 km, khiến khoảng 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại...

Máy bay trực thăng dập lửa tại vụ nổ ở Beirut.
Máy bay trực thăng dập lửa tại vụ nổ ở Beirut.

Như một sự trớ trêu của số phận, đúng hai ngày trước khi thế giới kỷ niệm tròn 75 năm quả bom nguyên tử thứ nhất của Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, lại có một cột khói hình nấm khổng lồ xuất hiện ở khu cảng thủ đô Beirut của Lebanon.

Vụ nổ ở Beirut ngày 4-8 tương đương với một trận động đất 3,5 độ Richte, tạo ra đám mây hình nấm khổng lồ trên bầu trời và sóng xung kích do vụ nổ lan ra mạnh đến mức có thể cảm nhận được ở Cyprus, quốc gia cách đó hơn 200 km bên kia Địa Trung Hải.

Tính chất của hai vụ nổ hoàn toàn khác nhau, thương vong cũng khác nhau một trời một vực, nhưng tỷ lệ hủy hoại của vụ nổ ở Beirut thì không kém phần trầm trọng. Vụ nổ tạo ra bán kính công phá tới gần 5 km, hủy hoại nhiều công trình, khiến hàng nghìn người thương vong phải đưa tới các bệnh viện vốn đã quá tải để điều trị.

Ngoài con số thương vong hàng trăm người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, vụ nổ đã tàn phá hơn một nửa thủ đô Beirut. Hơn 300.000 người trong số 2,2 triệu dân thủ đô Beirut bị mất nhà cửa. Toàn bộ khu cảng của Beirut hầu như biến mất hoàn toàn. Một kho thóc ở bến cảng ước tính lưu trữ 85% thóc của Lebanon gần như bị phá sập khiến thóc vương vãi thành đống trên mặt đất. Ở nhiều khu phố của Beirut, cảnh tượng giống như ngày tận thế.

Cũng tạo ra ấn tượng khủng khiếp về đám mây hình nấm nhưng các chuyên gia đã nhanh chóng khẳng định rằng vụ nổ ở cảng Beirut không phải là một vụ nổ nguyên tử. Tuy nhiên, ấn tượng khủng khiếp do nó gây ra đúng vào những ngày kỷ niệm thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki thì không khác mấy. Chẳng phải vô cớ mà nhiều người đã ngay lập tức so sánh vụ nổ này với những vụ nổ nguyên tử diễn ra 75 năm trước ở Nhật Bản. Thống đốc Beirut, ông Marwan Abboud bật khóc mô tả lại: “Vụ nổ tương tự những gì đã xảy ra tại Nhật Bản, ở Hiroshima và Nagasaki. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá lớn như thế. Đây là một thảm họa quốc gia, một thảm họa với Lebanon”.

Đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Beirut của Lebanon bị rung chuyển bởi những vụ nổ. Tháng 4-1983, một vụ nổ do tấn công tự sát nhắm vào đại sứ quán Mỹ ở Beirut đã khiến 63 người chết. Sáu tháng sau, 10-1983, một vụ đánh bom nhắm vào trụ sở của những người làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế tại Beirut khiến 241 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 58 binh sĩ Pháp thiệt mạng.

Thế nhưng tính chất cũng như những thiệt hại của những vụ nổ đó khác hẳn so với vụ nổ vừa xảy ra ở cảng Beirut.

Sự giận dữ của người dân

Làn sóng giận dữ của những người dân Lebanon có người thân thương vong hoặc bị mất hết tài sản, nhà cửa trong vụ nổ dâng cao khi những tin tức đầu tiên về nguyên nhân của vụ nổ bắt đầu dần dần được tiết lộ.

Vụ nổ -0

Người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào an ninh xông vào khu vực trụ sở Quốc hội. Ảnh trong bài | GETTY IMAGES 

Năm 2014, một chiếc tàu chở hóa chất bị giữ lại cảng Beirut do chủ tàu không trả các khoản phí cảng. Thủy thủ đoàn bị giam một năm mới được thả, trong khi toàn bộ số hóa chất trên tàu bị tịch thu, đưa vào lưu trữ tại nhà kho ở cảng. Đây là chất ammonium nitrate, thường được dùng làm phân bón và cả chế tạo bom. Nó là thành phần chính chế tạo bom dùng trong vụ tấn công khủng bố phá hủy tòa nhà văn phòng liên bang ở Oklahoma (Mỹ) hồi năm 1995 khiến 168 người chết.

Trong vụ đánh bom ở Oklahoma, lượng hóa chất ammonium nitrate do bọn khủng bố sử dụng khoảng hai tấn. Còn số hóa chất ammonium nitrate được tồn trữ ở cảng Beirut là 2.750 tấn, nghĩa là lớn hơn gấp 1.000 lần! Theo ước tính của các chuyên gia Mỹ, số hóa chất gây ra vụ nổ ở cảng Beirut tương đương với khoảng 240 tấn thuốc nổ TNT hoặc 1000 quả bom Mk-84, loại bom lớn nhất trong dòng bom không có thiết bị dẫn đường Mk-80.

Và trong suốt sáu năm qua, không hề có một biện pháp đặc biệt nào được giới chức Lebanon thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho số hóa chất chết người này, được cất trữ chỉ cách khu dân cư chưa đầy 100 mét.

Theo một nguồn tin, Tổng cục Hải quan Lebanon đã nhiều lần gửi cảnh báo về chất nguy hiểm đang được cất trữ ở cảng Beirut đến cơ quan tư pháp. Tổng cộng sáu văn bản đã được gửi đi, đề nghị cho xuất số hóa chất bị tịch thu nhưng phía tư pháp không phản hồi.

Hồi tháng 3-2020, Cơ quan An ninh Quốc gia Lebanon (NSS) từng mở cuộc điều tra sau khi phát hiện lượng lớn ammonium nitrate được lưu trữ ở cảng Beirut. Các điều tra viên kết luận hợp chất cất trong nhà kho tại đây “đặc biệt nguy hiểm” và nếu kho này bị nổ, nó có thể “thổi bay Beirut”.

Nhóm điều tra sau đó đề xuất bổ nhiệm một quan chức nhà nước vào cơ quan cảng vụ Beirut để giám sát những biện pháp phòng ngừa thảm họa, trong đó có nguy cơ kho ammonium nitrate này phát nổ. Không một ai biết là đề xuất này có được thực thi hay không và nếu không thì vì sao?

Nhưng không chỉ sự tắc trách cũng như kém khả năng của một số quan chức Lebanon là nguyên nhân duy nhất dẫn tới vụ nổ ở cảng Beirut.

Trong vòng xoáy xung đột

Trong suốt nhiều thập kỷ, Lebanon bị cuốn vào vòng xoáy của các cuộc xung đột, là chiến trường cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực. Cuộc nội chiến đẫm máu và phức tạp giữa các phe chính trị và giáo phái nổ ra từ năm 1975 đến 1990 đã giết chết 120.000 người, khiến một triệu người Lebanon phải lưu vong.

Tiếp đó, cả Syria và Israel đều coi Lebanon như là lãnh địa riêng của mình, chiếm đóng nhiều khu vực của Lebanon trong gần hai thập kỷ. Mãi đến năm 2005, các lực lượng nước ngoài mới rút khỏi Lebanon.

Tuy nhiên, đã diễn ra một hình thức “chiến tranh ủy nhiệm” khi tổ chức Hezbollah thường xuyên dùng Lebanon làm địa bàn để tấn công các mục tiêu Israel và Tel Aviv thường xuyên đáp trả, khiến cho Lebanon phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề.

Lebanon là quốc gia có ba nhóm người chính là người Hồi giáo dòng Sunni, người Hồi giáo dòng Shiite và người Thiên Chúa giáo. Mâu thuẫn giữa các nhóm tôn giáo cũng là nhiên liệu giúp cho ngọn lửa xung đột liên tục bùng cháy, bất ổn liên miên. Các cường quốc khu vực bên ngoài luôn sử dụng các nhóm tôn giáo chịu sự chi phối để tranh giành ảnh hưởng ở Lebanon, khiến đời sống chính trị nước này trong nhiều năm trời luôn xáo trộn.

Tiếp đó, cuộc nội chiến đẫm máu ở nước láng giềng Syria trong nhiều năm cũng đã trực tiếp mang lại những ảnh hưởng tồi tệ đối với Lebanon. Trong khi nhiều người dân Lebanon bỏ chạy ra nước ngoài sinh sống thì cuộc nội chiến Syria lại khiến cho Lebanon phải gánh chịu một lượng người Syria chạy nạn khổng lồ. Với 4,5 triệu dân, một nền kinh tế què quặt do những cuộc xung đột liên miên, Lebanon phải đón 1,5 triệu người chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria.

Họa vô đơn chí

Bị giằng xé giữa những xung đột liên miên và là chiến địa cho cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”, nền kinh tế Lebanon lâm vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, đời sống người dân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Theo một thống kê chính thức, gần nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 35%.

Tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Lebanon tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ Chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, có nghĩa là gần 170% GDP, là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.

Kinh tế sa sút khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tất yếu dẫn tới những sự bất ổn trong xã hội. Tháng 10-2019, người dân ở ít nhất 70 thành phố trên khắp Lebanon đã xuống đường biểu tình, phản đối tình trạng tham nhũng, chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nước máy không bảo đảm và thường xuyên mất điện.

Từ tháng 3-2020, giá hầu hết các loại hàng hóa đã tăng gần ba lần, trong khi giá trị của đồng nội tệ lao dốc 80% và phần lớn hoạt động của quốc gia đã đình trệ. Người dân gửi tiền tiết kiệm rất khó khăn trong việc rút tiền của mình ra khỏi ngân hàng do giới chức chính quyền lo ngại làn sóng người di cư sẽ mang theo một lượng lớn tiền tệ ra khỏi đất nước, vốn đang rất cần tiền để phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tiếp tục giáng một đòn nặng vào kinh tế Lebanon. Mặc dù số người nhiễm bệnh và tử vong không cao nhưng tốc độ lây lan nhanh chóng đang đe dọa phá hỏng hệ thống y tế yếu ớt của Lebanon...

Toàn bộ những yếu tố đó làm kinh tế Lebanon lâm vào tình trạng tồi tệ và vụ nổ khiến tình thế giống như một thảm họa toàn diện.

Vụ nổ ở cảng Beirut đã làm bộc lộ rất nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị và xã hội Lebanon. Người dân Lebanon đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế, nhưng điều họ cần hơn, đó là các thế lực bên ngoài ngừng can thiệp vào Lebanon, sự tắc trách, kém cỏi trong hệ thống chính quyền phải nhanh chóng được loại trừ.