“Trình diễn”

Màn đón tiếp hoành tráng

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có mật độ công du nước ngoài khá thấp và thường kết hợp thăm vài ba nước trong một chuyến đi, đã có một ngoại lệ khi tới Ấn Độ cuối tháng hai vừa qua. Ông D.Trump đã đáp chuyên cơ bay qua 8.000 dặm thăm Ấn Độ mà không kết hợp thăm một nước nào khác, hay tham dự một hội nghị đa phương nào đó.

Tổng thống D.Trump và Thủ tướng N.Modi tại sân cricket Motero (Ấn Độ). Ảnh | AFP
Tổng thống D.Trump và Thủ tướng N.Modi tại sân cricket Motero (Ấn Độ). Ảnh | AFP

Trên đường đi, Tổng thống Trump viết trên Twitter bằng tiếng Hindu: “Chúng tôi đã sẵn sàng tới Ấn Độ, chúng tôi đang trên đường, chúng tôi sẽ gặp mọi người trong vài giờ tới”. Đáp lại, Thủ tướng Modi viết dòng tweet: “Khách là Chúa trời”.

Chuyến thăm chỉ diễn ra trong vòng 36 tiếng đồng hồ với lịch trình dày đặc, nhưng vẫn xếp đặt sao cho đủ thời gian để Tổng thống D.Trump cùng Đệ nhất phu nhân Melanie đi thăm ngôi đền làm bằng đá cẩm thạch Taj Mahal, niềm tự hào của Ấn Độ, cách New Delhi 200 cây số. Nước chủ nhà dường như đã làm hết sức mình để chuyến viếng thăm đền Taj Mahal để lại những ấn tượng tốt đẹp với người đứng đầu nước Mỹ.

Nhưng ấn tượng hơn phải kể đến buổi lễ long trọng mà nước chủ nhà tổ chức đón Tổng thống D.Trump diễn ra mấy giờ trước đó ở thành phố Ahmedabad, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng N.Modi không những ra tận sân bay Ahmedabad đón ông Trump và bà Melanie, mà sau đó còn cùng hai người trở thành tâm điểm của một lễ đón mang tên “Xin chào Trump” tổ chức tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới Motero với 100.000 người tham dự. Rất nhiều người trong đám đông khổng lồ có mặt tại sân vận động đội những chiếc mũ trắng ghi dòng chữ: “Chào mừng ông Trump”, trong khi các nhân viên phân phát hàng nghìn chiếc mặt nạ có in hình khuôn mặt hai nhà lãnh đạo.

Dường như đây là cách để Thủ tướng N.Modi đáp lễ lại cách mà nước Mỹ đã đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ tới thăm Hoa Kỳ hồi tháng 9-2019 với sự tham gia của 50.000 người trong chương trình “Xin chào Modi” tổ chức ở Houston.

Màn “trình diễn” hoành tráng nhằm truyền đi một thông điệp chính trị: chưa bao giờ quan hệ giữa New Delhi và Washington lại tốt đẹp như trong thời điểm hiện nay.

Một ngoại lệ

Kể từ khi vào Nhà Trắng cách đây hơn ba năm, câu thần chú “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D.Trump đã gây náo loạn thế giới, đặc biệt là trong số các nước bạn bè hay đồng minh thân thiết nhất của Mỹ!

NATO bị nghi ngờ tính hữu dụng của nó và trừ phi một số thành viên bướng bỉnh của tổ chức này chịu nâng số tiền chi phí hằng năm cho quốc phòng lên một mức mới, không có gì bảo đảm là Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết an ninh, vốn đã kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Cũng liên quan tới chi phí quốc phòng, Hàn Quốc, đồng minh châu Á của Mỹ vô cùng tức giận khi ông Trump đòi tăng 500% “phí” có mặt của binh lính Mỹ tại nước này (khoảng 4,7 tỷ USD), đặt ra câu hỏi về mức độ cam kết liên minh quân sự giữa hai bên. Phải chăng là giờ đây, mỗi khi máy bay ném bom của Mỹ dừng chân ở Hàn Quốc để răn đe, thể hiện sức mạnh, chuyến bay sẽ được tính phí như đối với một chuyến xe Uber?!

Nhật Bản, một đồng minh chủ chốt khác của Mỹ ở châu Á, liên tục bị sức ép mạnh mẽ từ Washington, yêu cầu phải căn chỉnh lại sự mất cân đối “khủng khiếp” trong cán cân thương mại Mỹ-Nhật bằng cách “tống khứ” các loại thuế “rất lớn” của Nhật Bản đánh vào các nông sản nhập khẩu từ Mỹ, như lời ông Trump thẳng thừng tuyên bố. Nói một cách đơn giản, hai bên phải tiến hành đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương mới càng sớm càng tốt.

Đàm phán lại thỏa thuận thương mại cũng là cách mà ông Trump buộc đồng minh Canada và nước láng giềng Mexico phải thực hiện để nhằm xóa bỏ Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA, vốn được ông Trump cho rằng có những điều khoản bất lợi cho Mỹ. Kết quả là một thỏa thuận mới ra đời, tất nhiên là với những điều kiện mới, có lợi hơn cho Mỹ.

Đáng ngạc nhiên là nếu so sánh với những diễn biến khó chịu đó, Ấn Độ, dù còn lâu mới trở thành một đồng minh chính thức của Mỹ, dường như được hưởng một ngoại lệ. Quốc gia Nam Á này nhận được sự ủng hộ ngoại giao mạnh mẽ, được tiếp cận những công nghệ hiện đại của Mỹ, bất chấp một thực tế là Mỹ vẫn phải chịu một khoản thâm hụt thương mại lớn đối với Ấn Độ.

Giới doanh nghiệp Mỹ luôn phàn nàn về sự thiếu cởi mở cũng như các rào cản về đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của thị trường Ấn Độ, thế nhưng nếu Mỹ có tăng thuế đối với một số mặt hàng của Ấn Độ như thép và nhôm hay chấm dứt các ưu đãi thương mại theo Hệ thống ưu đãi phổ cập thì phía Ấn Độ cũng trả đũa ở mức vừa phải.

Từ “Tứ giác kim cương” cho đến những đơn hàng khủng

Vì sao lại có biệt lệ coi trọng Ấn Độ trong chính sách của Mỹ như vậy?

Câu trả lời khá đơn giản: Ấn Độ ngày càng có một vị trí quan trọng trong chiến lược cạnh tranh nước lớn của Mỹ, không chỉ ở châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu. So với chiến lược cũ của nhiều người tiền nhiệm giới hạn trên phạm vi châu Á-Thái Bình Dương, từ khi vào Nhà trắng, Tổng thống D.Trump đã đưa ra một chiến lược mới mang tên “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Điều đó có nghĩa là chiến lược mới của ông Trump đã mở rộng phạm vi không gian địa lý từ một đại dương (Thái Bình Dương) sang hai đại dương (thêm Ấn Độ Dương).

Trong không gian chiến lược đó, Ấn Độ có một vị trí không thể thay thế, là một đỉnh trong “Tứ giác kim cương” Mỹ-Ấn-Nhật-Australia. Được hình thành từ trước đây hơn một thập kỷ, khái niệm “Tứ giác kim cương” này vấp phải áp lực mạnh mẽ từ phía Trung Quốc nên cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đều khá e dè. Bốn nước ở bốn đỉnh của tứ giác đã rất cẩn trọng để mối quan hệ tay tư không mang tính hợp thức hóa một cơ chế hợp tác tương tự như một liên minh đa phương.

Nhưng sau hơn một thập kỷ, tình hình đã khác. Cả bốn nước đều sẵn lòng cho một khối “kim cương” địa chính trị vững chắc. Nguyên do thường được chỉ về hướng Trung Quốc, nói cho đúng hơn là sự “trỗi dậy” của nước này. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tăng lên kèm theo những hành vi gây hấn của nước này ở khu vực Biển Đông đã gây nên sự lo ngại cho phần lớn các nước châu Á.

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, “Tứ giác kim cương” cũng có khả năng trở thành đối trọng với dự án “Vành đai và Con đường” và như vậy, Ấn Độ là một thành tố không thể thiếu đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đã ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban và sớm muộn cũng sẽ rút quân khỏi Afghanistan, tất yếu sẽ dẫn tới sự định hình lại diện mạo ở khu vực Nam Á. Khi ấy, Mỹ cần có những đối tác đáng tin cậy ở khu vực này và ngoài Pakistan, Ấn Độ sẽ là một nhân tố quan trọng trên bản đồ địa chính trị khu vực.

Bên cạnh ý nghĩa địa chính trị, Mỹ coi Ấn Độ như một đối tác hữu ích nhằm chống lại những mối đe dọa quân sự đang nổi lên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với Ấn Độ đã tăng vọt đến mức đáng ngạc nhiên trong suốt thời gian qua. Hiện nay, Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ nhiều hơn với bất kỳ một đối tác nào khác không thuộc NATO.

Một giá trị khác mà ông Trump, vị Tổng thống tỷ phú của nước Mỹ luôn quan tâm, là bán càng nhiều hàng hóa ra nước ngoài càng tốt, trong đó có các loại vũ khí. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn, đặc biệt là các mặt hàng quốc phòng. Kho vũ khí của Ấn Độ khá đa dạng, như máy bay chiến đấu của Pháp, tên lửa đất đối không của Nga, máy bay không người lái của Israel và radar của châu Âu. Mỹ muốn là một phần trong sự đa dạng đó, đặc biệt là để cạnh tranh với Nga trên thị trường mua bán vũ khí.

Bất chấp việc nước này đã mua hệ thống tên lửa hiện đại S-400 của Nga (vốn gây cho Mỹ sự khó chịu rõ rệt), đây vẫn là khách hàng có tiềm lực mua hàng cực lớn. Ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ D.Trump, một hợp đồng mua vũ khí trị giá ba tỷ USD đã được ký, theo đó Ấn Độ mua 24 trực thăng SeaHawk có kèm tên lửa Hellfire của Mỹ và dự kiến đặt hàng sáu trực thăng chiến đấu Apache nữa...

Tất cả những gì mà Mỹ cần làm là duy trì một sự cân bằng tinh tế trong quan hệ với cả Pakistan, không để Islamabad nổi giận vì những hợp đồng bán vũ khí cho New Delhi.

Những yếu tố đó lý giải cho màn “trình diễn” hoành tráng trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump.