Tăng dân số - Bài toán khó của lục địa già

Không phải vô cớ mà châu Âu mang danh lục địa già. Nếu không có người nhập cư, dân số khu vực này sẽ ngày càng bị thu hẹp. Bởi chẳng có quốc gia nào trong EU có tỷ lệ sinh đủ cao để thay thế số người mất đi.

Tăng dân số - Bài toán khó của lục địa già

Các quốc gia cần có tỷ lệ sinh ít nhất 2,1 con một phụ nữ để duy trì dân số, nhưng con số trung bình ở châu Âu là khoảng 1,59. Một số nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng dân số chậm có thể có những tác động khôn lường: các công ty đầu tư ít hơn cho tương lai, người lao động lớn tuổi phải tiết kiệm cho lúc về hưu, lãi suất giảm và tăng trưởng bị đình trệ. Nhiều người cho rằng sự lão hóa của xã hội phương Tây là nguyên do chính của tăng năng suất thấp và giảm lãi suất dài hạn.

Xã hội già hóa - vấn đề tiềm ẩn

Một loạt dự báo dân số toàn cầu do Liên hợp quốc công bố năm 2017 cho biết, ở nửa phía tây châu Âu, tỷ lệ sinh giảm dần trong vài thập niên qua khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động và bắt đầu trì hoãn việc sinh con. Ở Trung và Đông Âu, tỷ lệ sinh thấp cộng thêm số lượng lớn thanh niên di cư tới các nước phát triển phía Tây để tìm việc làm, kết hợp với di cư nội địa khiến tình hình trầm trọng thêm. Nghiên cứu cho rằng tổng dân số của 10 quốc gia Đông Âu sẽ giảm từ 292 triệu xuống còn 218 triệu vào năm 2100.

Ủy ban châu Âu ước tính đến năm 2070, dân số lao động trên lục địa sẽ giảm hơn 40 triệu người. Tỷ lệ sinh suy giảm làm thay đổi cấu trúc dân số: tuổi trung bình tăng và số người hưu trí có thể nhiều hơn những người tham gia lực lượng lao động. Trong hơn 50 năm qua, tuổi thọ trên khắp châu Âu đã tăng khoảng 10 năm, tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 20 của thế kỷ trước, hiện nay là 75 tuổi đối với nam và 84 tuổi đối với nữ. Châu Âu cũng có độ tuổi trung bình cao nhất trong các lục địa trên thế giới (42) cao hơn đáng kể so với vị trí thứ hai là Bắc Mỹ (35) và hơn nhiều so với lục địa trẻ nhất thế giới - châu Phi (18).

Điều đó có nghĩa là số người trong độ tuổi nghỉ hưu đang tăng lên và những người già ngày càng sống thọ. Tuổi thọ cao hơn cũng mang đến nhiều thách thức cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có nguy cơ bị quá tải do sự gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tuổi già: tim mạch, loãng xương, mất trí nhớ, tiểu đường, viêm xương khớp và suy giảm khả năng vận động...

Ngoài ra, với những người sống lâu hơn khi nghỉ hưu, các cam kết lương hưu có thể trở nên không bền vững cho cả chính quyền trung ương và cho lĩnh vực dịch vụ tài chính. Tổng chi phí cho dân số già châu Âu (bao gồm cả lương hưu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe) dự kiến sẽ tăng lên 26,7% GDP vào năm 2070.

Di cư cũng ảnh hưởng tới dân số

Với những nước đang thiếu hụt lao động, việc dễ dàng nhất để bù lấp là tiếp nhận người di cư. Số liệu của Ủy ban Châu Âu năm 2018 cho thấy có 22,3 triệu người cư trú tại EU là công dân ngoài EU. Độ tuổi trung bình của các công dân trong EU là 44 tuổi vào năm 2018 nhưng đối với những người không có quốc tịch ở đó là 36. Tuy vậy, di cư cũng chứng tỏ là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng chính trị ở một vài quốc gia.

Trong khi một số nước châu Âu đã tiếp nhận hàng nghìn người di cư bổ sung vào lực lượng lao động, những nước khác lại thấy dòng chảy những công dân của họ rời tổ quốc để tìm kiếm việc làm. Kể từ khi Liên minh châu Âu mở rộng năm 2004 với các nước Síp, Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia gia nhập, nhiều thanh niên Ba Lan đã tận dụng quyền sống và làm việc của họ ở các nước thành viên khác. Đến năm 2050, dân số Ba Lan sẽ giảm khoảng 10%, so với năm 2015, một nửa số người sống ở đó sẽ ở độ tuổi từ 50 trở lên và số người Ba Lan trong độ tuổi lao động sẽ giảm 28%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan trên bình quân đầu người có khả năng giảm từ mức tăng trưởng 4,7% xuống còn 3% (GDP) từ năm 2021 trở đi.

Trả tiền để... sinh con

Theo Liên hợp quốc, hai phần ba các quốc gia ở châu Âu đã đưa ra các biện pháp để tăng tỷ lệ sinh, từ tiền thưởng cho em bé và ưu đãi thuế đến nghỉ phép có lương của cha mẹ, với mức độ thành công khác nhau.

Ở Đông Âu, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã mô tả các phòng khám sinh sản là ưu tiên chiến lược của đất nước của mình, nơi cung cấp điều trị miễn phí cho các bà mẹ muốn có con. Tất cả các gia đình trẻ ở Hungary được cung cấp một khoản vay trước, dựa trên lời hứa sẽ có con trong tương lai. Một trong số đó là khoản vay có giá trị 10 triệu forint (31.000 USD) cho các cặp vợ chồng trẻ, mỗi một đứa trẻ được sinh ra, các khoản thanh toán được hoãn lại, khoản vay đó sẽ được xóa bỏ hoàn toàn nếu họ có con thứ ba và nếu có bốn con họ sẽ được miễn thuế trọn đời. Ông Orban đã chi khoảng 5% GDP vào những chính sách này. Đây là một trong những nước có chính sách ưu đãi tốt nhất ở châu Âu, là hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập.

Cô Bettina, một trợ lý giảng dạy 32 tuổi đến từ làng Mágocs, miền nam Hungary, và chồng, một cảnh sát, đã có một con và đang muốn có thêm một đứa nữa. “Khoản vay thật tuyệt. Nếu không có sự giúp đỡ này thì chúng tôi sẽ phải sống cùng cha mẹ hoặc sống trong điều kiện tồi tệ”, cô nói. Cặp vợ chồng đã vay 1,4 triệu forint (4.300 USD), rút ra ngay sau khi kết hôn và dự định có hai con trong sáu năm.

Bà Erika Simonics, giám đốc một trường mẫu giáo ở Mágocs cho biết khoảng 90% cha mẹ đã nhận một trong số những khoản vay hỗ trợ của nhà nước. “Có thể một số người dự định sẽ chỉ có một con, nhưng nếu có sự hỗ trợ này họ sẽ có thêm con. Đó là một cách khích lệ”, bà nói. Trường mẫu giáo nơi bà làm phục vụ cho bốn ngôi làng, bao gồm làng Alsomocsolad lân cận. “Mỗi năm vào dịp Giáng sinh, chúng tôi thường tặng quà cho trẻ em và dễ thấy số trẻ em bây giờ ít hơn nhiều so với những năm 1990”, ông Laszlo Dicso, trưởng làng nói.

Chính phủ Ba Lan cũng đưa các gói hỗ trợ để khuyến khích các gia đình có thêm thành viên. Chương trình Family 500 + cung cấp 500 zloty (119 USD) mỗi tháng cho các gia đình có thu nhập thấp cho đứa con đầu lòng của họ và cho những đứa trẻ tiếp theo ở mọi gia đình.

Trên khắp châu Âu, các chính phủ đều đưa ra các chính sách có lợi nhằm kích thích tăng trưởng dân số. Tại Nga, khoản thanh toán một lần trị giá hơn 7.000 USD cho các gia đình có hai con trở lên đã được đưa ra vào năm 2007. Vào tháng 1, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố một gói kích thích mới trị giá 400 tỷ rúp (5,4 tỷ USD) mỗi năm. “Định mệnh và tiền đồ lịch sử của nước Nga phụ thuộc vào chúng ta có bao nhiêu người, phụ thuộc vào bao nhiêu trẻ em được sinh ra trong các gia đình Nga”, ông nói khi công bố chính sách này.

Trên thực tế, các biện pháp thành công nhất không chỉ hỗ trợ về kinh tế mà còn nhằm mục đích giúp các bà mẹ có con nhỏ có thể đi làm trở lại dễ dàng hơn, bởi thông thường, phụ nữ châu Âu thường chọn làm việc thay vì nuôi con. Tỷ lệ sinh cao nhất của châu Âu là ở nước Pháp (1,92 con) nhờ vào hệ thống phúc lợi hào phóng của chính phủ và cung cấp sự hỗ trợ chăm sóc trẻ em ban ngày. Thụy Điển đứng thứ hai, cũng nhờ các chính sách gia đình hào phóng cũng như khuyến khích nam giới hỗ trợ việc chăm sóc con. Ở Phần Lan hiện nay, chính quyền thành phố Miehikkala hỗ trợ cha mẹ 10.970 USD cho mỗi em bé mới sinh. Ngoài ra các ông bố Phần Lan nhận được số ngày nghỉ phép có lương tương đương với các bà mẹ. Các quốc gia châu Âu khác cũng đang theo đuổi các chính sách tương tự khi họ cố gắng đảo ngược tỷ lệ sinh trên lục địa.

Nước Đức với các chính sách cải cách đã giúp nâng tỷ lệ sinh từ 1,33 con trên một phụ nữ trong năm 2007 lên 1,57 vào năm 2017, theo dữ liệu của Eurostat. Một mặt điều này phản ánh dòng người tị nạn gần đây mà phần nhiều từ Syria có xu hướng thích các gia đình lớn. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện nỗ lực phối hợp để làm cho cuộc sống của các bà mẹ đi làm dễ dàng hơn và chống lại sự kỳ thị.

Tăng dân số - Bài toán khó của lục địa già ảnh 1

Dân số có tuổi thọ cao mang đến nhiều thách thức cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.