Tạm biệt NAFTA, xin chào USMCA!

Thắng lợi của ông Trump !

Cuối cùng thì sau vô vàn những trắc trở, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận ở phút cuối cùng, cứu cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Là một hiệp định thương mại tự do giữa ba nước Mỹ-Mexico-Canada trị giá tới 1,2 nghìn tỷ USD mỗi năm, nếu NAFTA bị phá vỡ thì nó sẽ có tác động dây chuyền rất lớn và ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với ba nền kinh tế tham gia hiệp định mà còn đến thương mại toàn cầu.

Đàm phán NAFTA vòng thứ bảy tại Mexico City tháng 3-2018.
Đàm phán NAFTA vòng thứ bảy tại Mexico City tháng 3-2018.

Trong đàm phán với Canada, Mỹ có lợi thế lớn là đã đạt được một thỏa thuận với Mexico trước đó hồi tháng 8. Bởi thế nên Mỹ đã ra tối hậu thư cho Canada về thời hạn phải đạt được thỏa thuận là trước nửa đêm ngày cuối cùng của tháng 9, nếu không sẽ bị loại bỏ khỏi hiệp định giữa Mỹ với Mexico. Trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau vẫn luôn cam kết với người dân nước này là sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận có lợi nhất cho đất nước, đồng thời không ít lần bày tỏ thái độ cứng rắn đối với ông bạn láng giềng hùng mạnh trong các cuộc đàm phán thì Mỹ cũng thể hiện thái độ cương quyết không nhượng bộ.

Cuối cùng thì thỏa thuận đã đạt được sau khi Canada đồng ý mở cửa rộng hơn thị trường sản phẩm sữa cho các công ty của Mỹ, còn ở chiều ngược lại, phía Mỹ đồng ý không áp thuế lên các sản phẩm ô-tô xuất khẩu của Canada.

Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về một “thắng lợi của ông Trump” sau khi Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận trong những giờ phút cuối cùng để tiến tới một thỏa thuận ba bên Mỹ-Mexico-Canada có tên mới là USMCA thay thế cho tên của NAFTA. Cả khi đang tiến hành vận động tranh cử cũng như sau khi vào Nhà Trắng, ông Trump không chỉ một lần nói rằng hiệp định NAFTA là một trong những hiệp định “tệ hại” nhất mà nước Mỹ từng ký, thế nên sau khi đạt được thỏa thuận với Canada (và trước đó là Mexico), không có gì ngạc nhiên khi ông Trump nói đây là hiệp định “tuyệt vời” đối với cả ba quốc gia!

Sách lược nhất quán

Với thỏa thuận vừa đạt được với Mexico và Canada, một lần nữa, ông Trump lại đạt được mục tiêu mà ông từng (tuyên bố) theo đuổi: Nước Mỹ trước tiên.

Thỏa thuận sẽ cho phép nông dân Mỹ được tiếp cận 3,5% thị trường sữa của Canada trị giá 16 tỷ USD một năm, trong khi có một điều khoản khác quy định rằng 40% linh kiện cho xe hơi được sản xuất trong phạm vi USMCA có hiệu lực phải được thực hiện tại các khu vực trả lương ít nhất 16 USD một giờ cho công nhân. Điều này có nghĩa là một phần công việc chế tạo các linh kiện cho xe hơi với mức giá rẻ ở Mexico sẽ dịch chuyển sang Mỹ, đồng nghĩa với việc nhiều người Mỹ có thêm công ăn việc làm, một mục tiêu mà ông Trump không ngại nhắc đi nhắc lại trong các tuyên bố của mình.

Nhưng điều đáng nói hơn là với việc đạt được thỏa thuận USMCA, phải chăng Mỹ đang tiếp tục cuộc chiến chống lại hệ thống thương mại đa phương, với hình mẫu là những thỏa thuận hoặc song phương, hoặc ba bên như vừa đạt được với Mexico và Canada?

Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, chính quyền của Tổng thống Trump liên tục có các động thái nhằm “khắc phục” những điều mà Mỹ cho là “bất công” trong các hiệp định thương mại đa phương. Việc Tổng thống Trump nhanh chóng ký quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là thí dụ điển hình.

Tuy nhiên, dù sao thì Mỹ không thể một mình trong khu chợ toàn cầu mà bắt buộc sẽ phải có các hiệp định, thỏa thuận mới với các đối tác cũ để tiếp tục vận hành nền kinh tế quốc gia, trong đó ngoại thương là một thành phần không thể thiếu.

Sách lược của Mỹ cơ bản sẽ là bước đầu sử dụng những biện pháp cực đoan, nặng thì cấm vận, trừng phạt, nhẹ thì áp thuế (hay đe dọa áp thuế).

Sau khi sử dụng các biện pháp cực hạn như vậy, Mỹ sẽ buộc đối tác ngồi xuống đàm phán với Mỹ, mà nghệ thuật đàm phán thì ông Trump luôn tự tin rằng mình ở trình độ thượng thừa. Trong suốt quá trình đàm phán, sức ép tối đa sẽ được áp đặt lên phía đối tác (từ chối gặp mặt, các dòng tuyên bố cứng rắn trên Twitter, ra tối hậu thư, đặt thời hạn cuối cùng...) để đạt được những điều kiện có lợi nhất cho Mỹ.

Cuối cùng là những dòng Tweet báo tin thắng lợi!

Chặng đường nhiều chông gai

Sẽ không bất ngờ khi đã đạt được thỏa thuận thương mại ba bên với Canada và Mexico, Mỹ quay sang gây sức ép để có các thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản và EU, những đối tác chủ chốt của Mỹ trên toàn cầu.

Hồi tháng 7-2018, Nhật Bản và EU đã ký thỏa thuận song phương lịch sử, theo đó hai bên cam kết sẽ xóa bỏ các dòng thuế đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của nhau. Việc đạt được thỏa thuận này đã tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 600 triệu dân, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Nó cũng được coi như một trong những nỗ lực của cả Nhật Bản và EU nhằm tạo ra đối trọng đối với xu hướng phá bỏ thương mại đa phương đang ngày càng hiển hiện trong các hoạt động giao thương trên thế giới hiện nay.

Nhưng Mỹ cũng đã nhanh tay ra đòn với việc từ hồi tháng 3, đồng loạt áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ EU và Nhật Bản. Đấy vẫn là đòn thế quen thuộc mà đối phương muốn hóa giải thì không có cách nào khác là chấp nhận đàm phán với Mỹ. Đến cuối tháng 9 vừa qua, bên lề kỳ họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí với nhau về việc hai bên sẽ đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.

Trong khi đó thì sau những vòng xoáy trả đũa lẫn nhau về việc áp thuế, cả Mỹ lẫn EU cũng đều nhận thấy rằng hiện trạng đó chỉ có thể gây thiệt hại cho cả đôi bên và một thỏa thuận thương mại song phương là cần thiết để tháo gỡ thế bế tắc. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 10-2018, hai bên mới chỉ đang thảo luận cách thức tiến hành thương lượng về một thỏa thuận thương mại hạn chế chứ vẫn chưa bước vào giai đoạn đàm phán chính thức.

Điều đó có nghĩa là sẽ còn rất nhiều chông gai trước khi có được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU. Ông Trump không có nhiều con bài lợi thế để tạo đòn bẩy trong đàm phán với một đối tác “rắn” như EU.

“Điều khoản thuốc độc”

Mặc dù không có một dòng nào nhắc đến Trung Quốc nhưng đối thủ đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ này vẫn ẩn hiện sừng sững phía sau thỏa thuận mà Mỹ vừa đạt được với Mexico và Canada.

Bởi trong USMCA có một điều khoản cho phép hai thành viên trong bộ ba có quyền rút ra khỏi USMCA nếu thành viên thứ ba ký một hiệp định song phương với một “nền kinh tế phi thị trường”. Nói cách khác, USMCA thay thế cho NAFTA đã tồn tại 24 năm qua có điều khoản cho biết bất kỳ thành viên nào trong bộ ba cũng phải thông báo về bất kỳ một cuộc đàm phán tự do thương mại song phương với một “nền kinh tế phi thị trường” ngay ở giai đoạn đầu; khi ấy hai thành viên còn lại sẽ “xem xét lại” USMCA và có thể ký hiệp ước song phương với nhau, loại bỏ thành viên kia ra khỏi hiệp định ba bên.

Mà khi nhắc đến “nền kinh tế phi thị trường” thì hẳn là ai cũng hiểu đó là Trung Quốc!

Bất chấp những đòi hỏi liên tục của Trung Quốc, cả Mỹ lẫn EU cho tới nay đều từ chối chưa công nhận Trung Quốc là «nền kinh tế thị trường». Đây là một điều kiện kỹ thuật nằm trong thỏa thuận khung của Tổ chức Thương mại thế giới WTO để giảm bớt khả năng cả Washington và Brussels tiến hành các biện pháp cấm vận chống lại Bắc Kinh.

Điều khoản này trong USMCA, được Bộ trưởng thương mại Mỹ Willbur Ross gọi là “điều khoản thuốc độc”, sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng thiết lập một thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc với Canada, hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh. Từ năm 2016, hai bên đã đồng ý tiến hành các tham vấn để tiến tới một thỏa thuận song phương như vậy nhưng kể từ đó đến nay, hầu như không có tiến triển gì.

Nhưng điều khoản này không chỉ đe dọa bất kỳ một thỏa thuận song phương nào giữa Trung Quốc với Canada. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ hoàn toàn có khả năng «cấy» điều khoản này vào trong các cuộc đàm phán trong tương lai với EU và Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là hy vọng của Trung Quốc về việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương với EU và Nhật Bản nhằm giảm nhiệt (và giảm chấn) trong cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng sẽ tan thành mây khói.

Cho đến nay, Trung Quốc đã có hiệp định thương mại song phương với 16 nước, trong đó có Australia, New Zealand, Iceland, Hàn Quốc và 10 nước ASEAN, chiếm khoảng một phần tư ngoại thương của Trung Quốc. Thế nhưng điều không thể phủ nhận được rằng chính Nhật Bản, EU hay Canada mới là những đối tác kinh tế cỡ bự để Trung Quốc tìm kiếm đồng minh và nguồn lực trong cuộc chiến thương mại với đối thủ hùng mạnh bên kia Thái Bình Dương.

Với “điều khoản thuốc độc” cài cắm trong USMCA, chắc chắn Mỹ muốn mở rộng mặt trận, tìm kiếm thêm đồng minh trong trận chiến thương mại với Trung Quốc. Sau giai đoạn nắm quyền đầu tiên với chiến lược “một mình chống lại cả thế giới”, trong đó có cả các đối tác chủ chốt của Mỹ, có lẽ Tổng thống Trump đã suy tính lại, thay đổi sách lược để cố gắng tạo ra một liên minh kinh tế với EU, Nhật Bản và Canada để chống lại đối thủ Trung Quốc.

Còn lắm điều hay trong một trận chiến như vậy.