Sóng gió quanh một quyết định

Tổng thống D.Trump bất ngờ tới thăm binh sĩ Mỹ tại Iraq.
Tổng thống D.Trump bất ngờ tới thăm binh sĩ Mỹ tại Iraq.

Một “nghi lễ” truyền thống của Nhà Trắng

Sau 11 giờ bay trên chiếc Không lực Một, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt chân tới Iraq trong chuyến đi xuất phát vào đêm Giáng sinh nhằm úy lạo các binh sĩ Mỹ tại đây. Như vậy là phải sau hai năm tại vị ở Nhà Trắng, ông Trump mới lần đầu tiên tới thăm lực lượng quân sự Mỹ ở nước ngoài sau những lời đồn đoán và không ít chỉ trích nhằm vào ông Trump khi chậm trễ thực hiện một “nghi lễ” truyền thống của Nhà Trắng.

Trước ông Trump, các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đều có truyền thống bất ngờ đến thăm các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú ở nước ngoài.
Vào ngày lễ Tạ ơn năm 1990, Tổng thống George Walker Bush (Bush cha) đã thăm đơn vị quân đội Mỹ đang đóng ở Saudi Arabia. Chỉ một tuần sau đó, Hội đồng bảo an LHQ chấp thuận cho lực lượng liên quân tấn công Iraq dưới quyền Tổng thống Saddam Hussein nếu quân đội nước này không rút khỏi Kuwei. Cuộc tấn công này đã diễn ra vào ngày 15-11-1991.

Tháng 1-1996, Tổng thống Mỹ Clinton bất ngờ tới thăm các đơn vị quân đội Mỹ ở Bosnia-Herzegovina và hơn một năm sau, quay trở lại vào tháng 12-1997 để thăm các đơn vị Mỹ và NATO đồn trú tại căn cứ không quân Tuzla ở Bosnia-Herzegovina.

Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, ông Bush (con) có lẽ là người “chăm” đi thăm binh lính ở nước ngoài nhất. Đúng vào ngày lễ Tạ ơn tháng 11-2003, Tổng thống Bush thăm các đơn vị quân đội Mỹ đang chiếm đóng Iraq sau cuộc tấn công nước này trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần hai. Tháng 9-2007, ông Bush quay lại Iraq, thăm đơn vị Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Al Assad ở tỉnh Al Anbar. Tháng 12-2008, ông Bush có chuyến cuối cùng tới Iraq thăm binh sĩ Mỹ. Đó là chưa kể ba chuyến thăm các binh lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc vào các năm 2002, 2005 và 2008. Tháng 3-2006, ông Bush cũng có một chuyến thăm binh lính Mỹ đóng quân tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan.

Người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Barack Obama cũng có nhiều chuyến thăm binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước ngoài nhưng trọng tâm ở Afghanistan. Mới vào Nhà Trắng được ba tháng, tháng 4-2009, ông B.Obama đi thăm binh sĩ Mỹ tại Iraq. Tháng 12-2010, ông B.Obama có chuyến thăm binh sĩ Mỹ đầu tiên tới Afghanistan tại căn cứ không quân Bagram. Chuyến thăm thứ hai diễn ra vào ngày 1-5-2012. Chuyến cuối cùng vào tháng 5-2014. Xen kẽ là ba chuyến thăm binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc vào các năm 2009, 2012 và 2014. Hầu hết các chuyến thăm đó của Tổng thống Mỹ đều nhằm khích lệ, úy lạo tinh thần binh sĩ Mỹ, thúc đẩy họ tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ.

Quyết định bất ngờ

Tổng thống Mỹ Donald Trump thì khác. Theo một số nguồn tin thân cận với Nhà Trắng thì một trong những nguyên nhân khiến ông Trump trì hoãn thăm các binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước ngoài là vì lý do lo ngại về an ninh. Nhưng điều cơ bản là ông Trump không muốn tên tuổi mình bị liên hệ với những cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở nước ngoài, hoặc đơn giản hơn, những chiến dịch quân sự ở nước ngoài mà ông Trump đánh giá là “thất bại”.

Mặc dù tự nhận mình là một trong những Tổng thống quan tâm đến các lực lượng vũ trang Mỹ “nhiều hơn bất cứ một tổng thống nào khác”, thế nhưng ông Trump vẫn coi những chuyến thăm đó là “không cần thiết”, bởi vì lịch trình của ông quá dày và ông còn quá nhiều việc khác phải làm.

Rồi trong sự ngạc nhiên của nhiều người, bất thần ông Trump tới thăm binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq.

Thế nhưng khác biệt hoàn toàn với những người tiền nhiệm của mình, ngoài việc thăm hỏi binh lính, một trong những nội dung chính trong chuyến thăm của ông Trump tới Iraq là để chuyển cho các binh lính tại đây một thông điệp: bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria mà ông thông báo một tuần trước đó.

Một quyết định có thể nói khiến cho cả Nhà Trắng, Quốc hội lẫn Lầu Năm góc choáng váng, một số cộng sự thân tín giận dữ và các đồng minh bối rối.

Từ tháng 8-2014, Mỹ đưa quân đến Syria dưới danh nghĩa để chiến đấu tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thế nên bốn năm sau, để giải thích cho quyết định của mình, ông Trump đưa một dòng Tweet ngắn gọn trên trang mạng Twitter rằng cuộc chiến chống IS ở Syria “đã thắng lợi hoàn toàn!”.

Đã thắng lợi hoàn toàn rồi thì không rút quân còn để lại đó làm gì?

Ai trả tiền để được bảo vệ?

Nhưng lẽ nào một cuộc chiến hao người tốn của kéo dài trong suốt bốn năm trời lại có thể kết thúc chỉ bằng một dòng tweet ngắn gọn như vậy?

Mọi sự không đơn giản như thế.

Mặc dù đã bị đánh bật ra khỏi phần lớn những lãnh thổ mà chúng chiếm được ở Syria và Iraq trước đây, thế nhưng IS không hoàn toàn bị tiêu diệt mà đã chuyển sang những hình thái khác để tồn tại và tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình. Theo số liệu của Lầu Năm góc, ngay tại Syria, IS vẫn còn tới hơn 17.000 tay súng. Một quân số đủ lớn để làm xoay chuyển tình hình ở nước này nếu như thiếu đi những lực lượng áp chế có đủ sức mạnh cần thiết.

Thế nên nguyên nhân căn bản của quyết định rút quân này không đơn thuần như ông Trump nói là do đã “chiến thắng hoàn toàn” IS. Lý do cơ bản của nó đã hé lộ qua phát biểu của ông Trump ngay tại Iraq, trước các binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây: “Thật không công bằng khi gánh nặng đè lên tất cả chúng ta. Chúng ta không muốn bị bất cứ quốc gia nào lợi dụng để bảo vệ họ. Họ không trả tiền cho điều đó và (nếu muốn tiếp tục được bảo vệ), họ sẽ phải làm thế!”.

Như vậy vấn đề căn bản ở đây là tiền. Nói cho đúng hơn là dưới thời ông Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, sẽ chấm dứt việc Mỹ đi bảo vệ không công cho những nước cần được bảo vệ (khỏi ai?). “Mỹ cũng sẽ không đóng vai trò cảnh sát quốc tế nữa” - ông Trump nói rõ với những ai còn nghi ngờ phương hướng chính sách của ông.

Ông Trump luôn trách móc những vị Tổng thống tiền nhiệm đã kéo nước Mỹ vào những cuộc chiến sa lầy ở nước ngoài không đáng có. Theo đánh giá của ông Trump, cuộc chiến ở Trung Đông đã tiêu tốn 700 triệu USD mà không mang lại bất cứ món lợi nào, do vậy cần phải chấm dứt chúng.

Việc rút quân khỏi Syria còn là một thông điệp mà ông Trump muốn gửi tới các cử tri ruột của mình, những người đã ủng hộ ông vào Nhà Trắng hai năm trước, rằng ông đã và sẽ luôn thực hiện các lời hứa tranh cử của mình.

Rút lui toàn diện, thu hẹp tổng thể

Nếu theo quyết định của ông Trump thì Mỹ sẽ rút toàn bộ binh lính ở Syria, tổng cộng chỉ khoảng 2.000 người. Một con số như muối bỏ bể nếu so với tổng số 1,35 triệu quân nhân đang tại ngũ trong các lực lượng vũ trang Mỹ.

Thế cho nên vấn đề không phải là số lượng thực tế quân nhân Mỹ rút khỏi Syria. Điều khiến cho cả đội ngũ trợ lý thân cận của ông Trump giận dữ lẫn các đồng minh của Mỹ hoảng hốt chính là động thái này đã khẳng định một xu hướng nhất quán của chính quyền ông Trump: “rút lui toàn diện” khỏi các hiệp ước, các định chế quốc tế (nếu cảm thấy không có lợi), hoặc “thu hẹp tổng thể” bằng cách rút khỏi các địa bàn, nếu như không được trả tiền (hoặc quốc gia sở tại phải trả tiền cho hoạt động đó).

Cụ thể là trong trường hợp Syria, phần lớn các cộng sự thân cận phản đối quyết định của ông Trump bởi lo ngại việc Mỹ rút quân (dù chỉ mang tính biểu tượng), sẽ để lại khoảng trống mà Nga, Iran và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thế chỗ.

Đó sẽ là một mối đe dọa lớn đối với Israel trước sự đe dọa của Iran và các lực lượng trong khu vực mà nước này ủng hộ.
Một động thái như vậy cũng chẳng khác nào là “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ xuống tay với các nhóm vũ trang người Kurd ở Syria, lực lượng mà Ankara luôn coi là ‘khủng bố” nhưng lại đã nhiều năm trời sát cánh cùng người Mỹ chống lại IS. Rút quân khỏi Syria chẳng khác nào như “phản bội” lại người Kurd và điều này sẽ khiến Mỹ khó tìm được đồng minh trong những cuộc chiến trong tương lai chống lại các tổ chức khủng bố (như IS).

Với việc còn một số lượng tay súng đáng kể, IS, trái với tuyên bố của Tổng thống Trump, trên thực tế vẫn đang kiểm soát một địa bàn dọc theo sông Euphrate gần biên giới Iraq. Quyết định Mỹ công khai rút quân sẽ tạo cảm hứng để tổ chức này ngóc đầu dậy và quay trở lại lén lút hoạt động. Lịch sử đã cho thấy IS biết cách tận dụng sự hỗn loạn do cuộc nội chiến ở Syria để phát triển, đánh chiếm các địa bàn nhanh như thế nào...

Quyết định rút quân của ông Trump không chỉ khiến các đồng minh bối rối mà nó còn gây bão trên chính trường Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức để phản đối. Các nghị sĩ Quốc hội ở cả hai đảng thì giận dữ vì không được tham vấn trước khi Tổng thống đưa ra quyết định, còn những phần tử “diều hâu” chủ trương cứng rắn với Iran dĩ nhiên cũng không hài lòng. Bằng quyết định bất ngờ này, dường như ông Trump đã đặt sẵn một khối thuốc nổ trong nội bộ những người Cộng hòa.

Trước sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía như vậy, ông Trump buộc phải tuyên bố sẽ “cân nhắc kỹ” đối với quyết định rút quân khỏi Syria và thay vì đưa ra thời hạn 30 ngày, đã lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi Syria trong thời gian bốn tháng. Một tiến trình không thể đảo ngược!