Sống chậm ở Siphandon

Sẽ không mấy ai nghĩ, nước Lào không giáp biển mà có tới bốn nghìn đảo. Nhưng đó là sự thật khi đến thăm quần thể Siphandon trên dòng Mekong, địa phận tỉnh Champasak, điểm cuối nam Lào. Đến, để khám phá vẻ đẹp kỳ diệu, tận hưởng thiên nhiên hoang sơ và để sống chậm với người dân trên đảo.

Thác Khone.
Thác Khone.

Những khoảnh khắc của trời

Đi thuyền là cách duy nhất để sang được Siphandon (theo tiếng Lào, siphan là bốn nghìn, don là đảo). Đây là quần thể đảo nằm ở đoạn nở rộng tới gần 14 km trên dòng Mekong, giáp biên giới Campuchia. Phần nhiều đảo là những gò đất lớn, nhỏ nổi giữa lòng sông, chỉ rất ít đảo có sự sinh sống của cư dân bản địa, trong đó phải kể đến Don Det, Don Khone và Don Khong.

Phương tiện di chuyển từ bến thuyền ngoài thị trấn vào đảo là những chiếc thuyền kiểu độc mộc, có gắn máy. Dòng Mekong loang loáng dưới bóng trăng huyền hoặc. Xa xa, đảo Det lấp lánh ánh đèn như một thế giới đầy hấp lực mời gọi giữa mênh mang sóng nước. Khoảng 20 phút di chuyển, thuyền sẽ cập đảo Det trong rực rỡ đèn mầu, với quán bar, nhà hàng, quán cà-phê hay cửa hàng bán đồ lưu niệm trên các con ngõ nhỏ. Chủ khách sạn là thanh niên ngoài 30 tuổi người bản địa, nói tiếng Anh lưu loát, giới thiệu cho chúng tôi về lịch trình khám phá Siphandon: tour ngắm thác, săn ảnh cá heo trắng, ngắm bình minh trên đảo...

Ngắm mặt trời mọc và lặn ở Siphandon là trải nghiệm không thể bỏ qua, khi chứng kiến hào quang thay đổi trong từng giây phút. Thức dậy sớm trên đảo khi mặt trời chưa ló rạng, không gian yên tĩnh đến nghe được cả tiếng côn trùng lẫn trong tiếng gà gáy sớm. Bình minh ở Don Det tuyệt đẹp dù chiêm ngưỡng từ từ bờ ruộng thanh bình thấp thoáng đàn cò bay lượn, hay từ phía bờ sông neo bóng những con thuyền. Ở đâu cũng đều cho cảm giác con người hòa quyện vào thiên nhiên hoang sơ. Trên đảo, người dân gần như chỉ trồng lúa và chăn nuôi trâu, bò, nên cứ khoảng sáu giờ sáng, các con thuyền nhỏ chở rau quả, thực phẩm tươi nhộn nhịp ra đảo.

Về chiều, ánh hoàng hôn đỏ lựng phía chân trời như dát vàng lên mặt nước, lúp xúp những thảm thực vật xanh rì. Đậu lại nơi đây, hít thở không khí trong lành cùng sự tĩnh lặng và êm ả khiến con người cảm giác nhỏ bé trong không gian không cùng. Với sự chỉ dẫn của người địa phương, du khách có thể đến được nơi đẹp nhất trên đảo để tận hưởng khoảnh khắc ấy. Người dân đảo tin rằng, được chiêm ngưỡng khoảnh khắc ấy của trời sẽ mang lại nhiều điều may mắn.

Phiêu cùng thác đổ

Điểm nhấn gây cảm giác mạnh nhất ở Siphandon chính là hai thác nước nổi tiếng ở Lào là Khone Phapheng và Somphamit Lhiphi. Từ phía đảo Khone cách đó cả chục cây số đã nghe những âm thanh ầm ào vang trong không gian tĩnh lặng. Với độ cao ước khoảng hơn 20 m với vô số thác ghềnh, kéo dài hơn 10 km, tạo nên những dòng nước xoáy, xoắn xiết quanh những ụ đá trồi lên giữa dòng. Ngắm thác nước gầm gào, du khách như bị cuốn phiêu cùng thác. Thác Khone hùng vĩ là nguyên nhân chính giải thích vì sao sông Mê Kông không thể thông luồng một mạch, khi tàu thuyền di chuyển từ khu vực ven biển Việt Nam lên tới thượng nguồn thuộc địa phận Trung Quốc hay ngược lại. Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã thất bại khi tìm cách cho tàu thuyền vượt qua thác nước này và họ buộc phải tìm phương án khác. Họ chỉ thành công trong việc đưa tàu thuyền vượt qua khúc sông dữ dằn ấy khi xây dựng một đoạn đường sắt nối hai đảo Det và Khone. Tàu thuyền đi tới đoạn sông này buộc phải kéo lên bờ, di chuyển bằng đường sắt với đầu tàu kéo hơi nước. Từ hơn một thế kỷ trước, khi viết bản thảo hồi ký Xứ Đông Dương, tác giả Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương trong thời gian 1897 - 1902), người trực tiếp chủ trương và chỉ huy xây dựng tuyến đường sắt trên đảo, đã lý giải rất rõ về ghềnh thác này. Đảo Khone với thác nước Khone Phapheng đánh dấu sự tách biệt giữa hạ lưu sông Mekong chảy từ đảo này ra biển với khúc trung lưu chạy tới Viêng Chăn. Ngày ấy, theo miêu tả của tác giả, tuyến đường sắt xuyên qua khu rừng đầy những cây lớn và thú hoang. Người ta đã đặt tên ông cho chiếc đầu tàu hơi nước sử dụng tại đây. Hiện nay, chiếc đầu tàu hơn 120 tuổi ấy vẫn được bảo quản tại khu vực chân cầu đường sắt khi xưa, như vật chứng hiện hữu, ghi lại một phần lịch sử vận tải của Lào cũng như của khu vực Đông Dương.

Nằm trong khu vực đảo Khone còn có thác Somphamit Lhiphi. Thực chất đây cũng là một nhánh thuộc thác Khone Phapheng, ăn sâu vào lòng đảo. Thác nước hùng vĩ và trải rộng, ghềnh đá cheo leo, dốc ngược với hàng trăm thác nhỏ tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với những trò chơi mạo hiểm hấp dẫn. Một khu rừng tre trúc mát rượi được chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng, như địa điểm chào đón và giữ chân du khách trước và sau khi trải nghiệm cảm giác phiêu cùng ghềnh thác.

Gìn giữ bản sắc

Khám phá Siphandon, du khách được sống chậm cùng người dân đảo. Họ chủ yếu sống bằng dịch vụ du lịch nhưng hầu như không có cảnh tranh giành khách. Khách thoải mái lựa chọn, trả giá nơi lưu trú, dịch vụ tham quan cho đến khi hai bên cùng hài lòng. Chọn góc nhỏ có view sông, nhâm nhi tách cà-phê vị đặc trưng Lào hay thức uống lên men nổi tiếng xứ này là bia Lào, dường như lắng lại tất cả những xôn xao phố thị.

Sống chậm ở Siphandon ảnh 1

Bến thuyền Don Det.

Nông nghiệp trên đảo phần lớn là trồng lúa và chăn nuôi. Nếp Lào là thứ đặc sản được người bản địa tự hào giới thiệu cho thực khách. Người Lào dùng xôi cũng giống như người Việt dùng cơm. Xôi Lào được coi như nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc. Đó không chỉ là món ăn đặc trưng mà còn mang giá trị văn hóa và tôn giáo đối với người Lào. Ở đất nước mà Phật giáo có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc và ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa, những thói quen truyền thống luôn được gìn giữ trong tâm thức. Điều này được phản ánh trên khắp đất nước, trong đời sống cũng như nghệ thuật. Hằng ngày, trong mỗi buổi sớm mai, các vị sư thường đi khất thực, khi tiếng chuông chùa vang lên cũng là lúc các gia đình mang giỏ xôi ra ngõ, chờ người của nhà chùa đi qua để dâng lên với lòng thành kính tuyệt đối. Xôi của người Lào đồ theo kiểu truyền thống thường đựng trong ống nứa, hoặc giỏ tre, nứa. Cách đồ xôi cũng khác biệt, không dùng nồi kim loại mà sử dụng chõ đan bằng tre nứa, đặt lên nồi nước sâu lòng. Gạo ngâm kỹ và được đồ lâu, khi xôi gần chín được đổ ra mẹt, xới xáo cho đều rồi lại bỏ vào đồ thêm lần nữa. Ngoài kỹ thuật thì việc dùng chõ đan khiến hơi nước thoát ra ngoài nên xôi dền, mềm, dẻo mà không dính hạt. Chỉ cho khách cách đồ xôi, chị chủ nhà nói rằng, người Lào nâng niu món ăn này như cách thể hiện lòng thành với đấng linh thiêng, dâng trước rồi mới được ăn.

Dù cuộc sống đã thay đổi nhiều từ khi có điện ra đảo, du lịch phát triển, du khách đến ngày một đông nhưng cũng như ở khắp nước Lào, phụ nữ vẫn yêu thích trang phục truyền thống. Học sinh nữ ở đảo cũng mặc sinh đi học (sinh là một loại trang phục truyền thống mà nữ giới Lào thường mặc trong sinh hoạt hằng ngày. Đây là một loại váy ống được làm bằng lụa, dệt họa tiết tinh tế, nhất là phần chân váy). Sinh gồm ba phần chính là hua sinh - phần thắt lưng, phuen sinh - phần chính chiếc váy và thiếc sinh - đường viền dưới chân được dệt cầu kỳ nhất, có khi được trang trí bằng vàng.

Người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ môi trường, khó tìm thấy rác thải ở bất kỳ nơi nào. Diện tích mỗi đảo không lớn, đường đi nhỏ hẹp, nên chỉ có xe đạp, xe máy hay tuk tuk làm phương tiện, không có xe hơi. Chính điều này giữ cho quần thể môi trường quanh Siphandon luôn sạch sẽ, trong lành. Thả bộ dọc theo lối nhỏ hay thuê chiếc xe đạp đi vòng quanh các đảo, cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ và yên bình cùng con người hiền hòa, thân thiện, tạo cảm giác thời gian nơi đây không có nhiều ý nghĩa.