Bản sắc

Ðồ chơi cũng lắm... công phu

Lấy cảm hứng từ những con quái vật, những chú rô-bốt và văn hóa dân gian truyền thống Nhật Bản, những người sáng tạo ra sofubi - thứ đồ chơi bằng nhựa mềm - đã đưa những tác phẩm đặc sắc bằng chất dẻo đến với người chơi khắp thế giới.

Ông Yuji Mauyamma và các sản phẩm của công ty.
Ông Yuji Mauyamma và các sản phẩm của công ty.

Trong một nhà máy của Công ty đồ chơi Maruyama ở quận Katsushika, anh Cory Privitera đang làm sofubi trong một không gian chật chội, bao quanh ngổn ngang máy móc và những thùng sắt dài. Anh sắp ra hàng loạt những chiếc khay vuông trong đó đặt những chiếc khuôn với hình dáng và kích cỡ đa dạng. Phía sau thùng sắt là hàng chục chiếc khuôn khác, một số trong đó đã hàng chục năm tuổi và ngày nay vẫn được sử dụng.

Anh rót dòng nhựa lỏng không mùi pha với loại bột lấp lánh trong bóng tối vào những chiếc khuôn. Sau một vài phút để trong phòng chân không để loại bỏ những bong bóng khí, khuôn đó được đặt vào trong một bể hóa chất có nhiệt độ tới 200 độ C. Sau một giai đoạn "nấu", nhựa thừa được rót vào thùng chứa để sử dụng lại, còn khuôn được đưa trở lại bể đến khi chất liệu đã định hình hoàn toàn. Sau một vài giây để nguội trong bể nước, anh dùng chiếc kẹp giật mạnh những miếng nhựa ra khỏi khuôn.

Đây là bảy mảnh rời của Wild Hunt, một chiếc đầu lâu không mũi - là tác phẩm của anh. Những mảnh này sẽ được gọt bỏ hết phần rìa, lắp ráp lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh để bán qua mạng hoặc tại một trong nhiều sự kiện trên thế giới dành cho sofubi và những sản phẩm khác thuộc về lĩnh vực đồ chơi thiết kế.

Người đàn ông Mỹ 33 tuổi tự hào nói: Các sản phẩm này đều được làm thủ công, tất cả các chi tiết, những chỗ ráp nối cũng được làm bằng tay, mọi thứ đều vừa khít. Khá nhiều người "có tay" làm đồ này. Thật thích thú khi nhìn một ý tưởng biến thành hiện thực và nó được con người làm chứ không phải máy móc. Phương pháp này vẫn hệt như phương pháp đã được sử dụng hơn 60 năm qua, khi sofubi lần đầu tiên được mang ra bán và Công ty đồ chơi Maruyama mở cửa kinh doanh.

Ông Yuji Mauyamma, Chủ tịch công ty nói: "Những thiết kế có thay đổi. Những khách hàng từ Mỹ của chúng tôi cho ý kiến về thiết kế trong quá khứ. Chúng tôi có thể thay đổi nhưng tổng thể là chúng tôi vẫn sử dụng chúng". Khi còn nhỏ ông Maruyama đã sơn đồ chơi dưới sự giám sát của cha mình. Cùng với anh trai và một nhóm nhỏ những người làm thuê ở các nhà máy ở Tokyo, ông đã nhận những đơn đặt hàng với vô số hình dáng và kích cỡ từ khắp nơi trên thế giới. "Có khoảng tám công ty liên quan tới quá trình làm đồ chơi cho đến lúc hoàn thành", ông Maruyama cho biết. "Có người làm mẫu gốc, người tạo khuôn silicone, người làm điêu khắc sáp, người làm phần ghép nối, chuyên gia mạ kim loại, người làm đồ chơi nhựa dẻo, người tô mầu và người ráp các phần lại với nhau".

Mối quan tâm của anh Privitera với tư cách một nhà sưu tập tạo cảm hứng cho anh tới Nhật và tự mình tham gia công việc thủ công này ba ngày một tuần tại công ty. Anh tự sáng tạo đồ chơi của riêng mình với hơn 40 tác phẩm dưới cái tên Science Patrol và làm việc như một nhà tư vấn cho những người thiết kế đồ chơi khác. Anh cho biết: "Đồ chơi tôi tự hào nhất là Namazu (đặt theo tên con cá trê khổng lồ trong thần thoại Nhật Bản, được cho là kẻ gây ra động đất), bởi nó là đồ chơi đầu tiên tôi làm và liên tục được bán chạy tại các buổi triển lãm".

Trong những năm 1990, 2000, những nhà thiết kế độc lập lấy cảm hứng từ kaiju (quái thú) như Godzilla, hàng loạt tokusatsu (siêu anh hùng) như Ultraman hay Kamen Rider hay robot khổng lồ Gundam và Macross. Nhiều người làm sofubi từ những truyện dân gian Nhật Bản và theo các chủ đề như Maneki Neko (mèo may mắn) và yokai (linh hồn theo truyền thống dân gian). Những nghệ sĩ độc lập và các nhà máy như công ty đồ chơi này thường được kết nối bởi những công ty sản xuất lớn hơn để kết hợp phân phối toàn cầu và bán sản phẩm. Một trong những công ty nổi trội nhất Nhật Bản trong ngành này là Medicom Toy, do anh Tatsuhiko "Ryu" Akashi gây dựng năm 1996. Một trong những sản phẩm nổi tiếng thế giới của công ty là món đồ chơi hình gấu Be@rbrick được rất nhiều fan sở hữu. Medicom làm việc với nhiều nhà sáng tạo sofubi được ưa chuộng nhất của ngành này, cho ra đời 800 sản phẩm mỗi năm. Năm 2014, công ty cho ra đời Vinyl Artist Gacha cộng tác với các nghệ sĩ sofubi, mô phỏng những tác phẩm yêu thích nhất của họ thành các đồ chơi viên nang giá 500 yên.

Anh Akashi cho biết: "Một nghệ sĩ thường bán đồ chơi tại các sự kiện. Tuy vậy luôn luôn có những người hâm mộ không thể đến các sự kiện này. Chúng tôi muốn tạo ra một cầu nối để giới thiệu những nghệ sĩ này với nhóm người rộng lớn hơn. Đó là sự tuyên truyền tốt cho sofubi và đó là vai trò của chúng tôi". Công ty bắt đầu xây dựng hình ảnh của họ tại nước ngoài với triển lãm vào tháng 12 năm ngoái tại DesignerCon trụ sở ở California, Mỹ.

Ở nước ngoài, sofubi và các nhà thiết kế đồ chơi cùng hội tụ tại những sự kiện như Hội chợ đồ chơi Đài Bắc hay Chợ đồ chơi London. Đó là một cơ hội cho các nghệ sĩ tham gia vào mạng lưới và các nhà sưu tập để khoe sản phẩm, bán những phiên bản hạn chế.

Ở Nhật Bản, những năm gần đây, các nhà thiết kế đồ chơi thường xuyên tham gia những triển lãm nghệ thuật vào cuối tuần như Design Festa hay Wonder Festival, một hội chợ hai năm một lần dành cho những sản phẩm liên quan tới anime và bộ lắp ráp nhựa. Một sự kiện chính trong lịch của các fan đồ chơi nhựa dẻo là Super Festival, được tổ chức bốn năm một lần ở Tokyo và Osaka, nơi các nghệ sĩ quốc tế có nhiều cơ hội kết nối với những nhà sưu tầm Nhật Bản. Cô Candie Bolton, nghệ sĩ dành giải thưởng đồ chơi nhựa dẻo đẹp nhất năm 2017 ở Los Angeles nói: Khi một nghệ sĩ tạo ra một đồ chơi, đó là một phần linh hồn họ. Các nhà sưu tầm tìm kiếm thứ họ thấy đồng cảm và cũng là đại diện cho họ, họ muốn lưu giữ và trưng bày những thứ mà họ thích.

Ðồ chơi cũng lắm... công phu ảnh 1

Anh Tatsuhiko Akashi gây dựng Medicom Toy là cầu nối giữa nghệ sĩ và người tiêu dùng.

Tại gian hàng Đồ chơi đẹp từ Hồng Kông, những tác phẩm lấy cảm hứng từ động vật được triển lãm với những sắc màu rực rỡ và những đường nét mềm mại, người làm đồ chơi AT nói: "Tôi muốn đồ chơi của mình khơi gợi cảm xúc của mọi người. Mỗi đồ chơi là một thứ gì đó ngốc nghếch hoặc thú vị khiến mọi người vui vẻ. Ở Trung Quốc các sự kiện đồ chơi phần lớn để bán hàng. Còn ở đây chủ yếu dành cho các nhà sưu tầm". Giá có thể lên tới 100 nghìn yên hoặc hơn cho những hình lớn, sản xuất ít hay những phiên bản sơn giới hạn. Những sản phẩm này thường sẽ được bán tại những cửa hàng đồ cũ hay những nơi đấu giá.

Tuy vậy, nhiều người tin rằng đồ chơi thiết kế cũng đối mặt với sự xuống dốc khó tránh khỏi. "Nhiều người làm đồ chơi nhựa dẻo thường chỉ tập trung vào những khách quen, khi những khách hàng đó mất đi không có nhiều người mới tham gia thị trường. Tôi thường làm những đồ chơi mình thích. Nhưng để bán được, chúng ta cần khách hàng mới", một nghệ sĩ cho biết.

Vượt qua hạn chế đó, một số nghệ sĩ đã mở rộng việc kinh doanh buôn bán bằng các mặt hàng phụ kiện như móc khóa, ghim cài... Con gái của hai nhà thiết kế nữ trang Ayako Takagi đã biến nhân vật được yêu thích nhất của cô, Uamou thành đồ phụ kiện, trang sức, trang trí quần áo và hàng trăm sofubi. Cửa hàng của cô nằm gần Akihabara, thường xuyên đón khách từ khắp nơi trên thế giới. Cô nói: "Tôi hy vọng có thể tiếp tục sáng tạo các nhân vật mà ai cũng có thể thưởng thức bất kể tuổi tác, giới tính và quốc tịch với giá cả hợp lý". Cô Takagi đã vẽ Uamou từ năm 14 tuổi và hoàn thiện nhân vật này trong lúc học tại trường nghệ thuật Camberwell, London. Cô cũng cho ra đời phiên bản viên nang Uamou qua Medicom.

Trong lúc những nhà sưu tầm nam giới có khuynh hướng thống trị thị trường, những nhà sáng tạo nữ giới như Takagi, Bolton, Malham, và những người khác nằm trong đội ngũ tiên phong của những nghệ sĩ sofubi hiện đại. "Nhờ những người như họ, thị trường trở nên lớn mạnh hơn và người mới có thể gia nhập", anh Akashi nói.

Ðồ chơi cũng lắm... công phu ảnh 2

Một phiên bản Be@rbrick.