Xu hướng

Nigeria với ước mơ... nhà vệ sinh

Khi Nasiru Ibrahim đi tuần tra quanh làng, anh không truy tìm tội phạm hay những vấn đề xã hội thông thường, thay vào đó, anh chỉ muốn bảo đảm mọi người ở Yammawar Kafawa thuộc bang Kano phía bắc Nigeria sử dụng nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh hiện diện ở khắp nơi trong ngôi làng.
Nhà vệ sinh hiện diện ở khắp nơi trong ngôi làng.

Từ tháng 10 năm ngoái, dân làng đã đồng ý chấm dứt việc đi vệ sinh ngoài đồng, bờ bụi hay trên đường, mà sử dụng những nhà vệ sinh mới xây. Đây là một trong những động thái của Chính phủ Nigeria nhằm xóa bỏ thói quen xấu này vào năm 2025. “Thông điệp của tôi tới người dân rất đơn giản: hãy sử dụng nhà vệ sinh và bảo đảm rửa tay sau đó” - người đàn ông 36 tuổi nói. Anh nằm trong một ủy ban cộng đồng làm việc nhằm nâng cao hiểu biết về vệ sinh và khuyến khích người dân xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh.

Hằng năm khoảng 70.000 trẻ em Nigeria dưới năm tuổi chết vì tiêu chảy, là kết quả của việc sử dụng nước không sạch và điều kiện vệ sinh kém. Ít nhất 24% dân số (47 triệu người) vẫn đi vệ sinh ngoài trời, theo một khảo sát quốc gia năm 2018. Tổ chức WaterAid cũng cho rằng khoảng 116 trên 200 triệu người Nigeria không được tiếp cận với những nhà vệ sinh tử tế, là nguyên nhân dẫn đến việc đi vệ sinh ở cánh đồng, dòng sông hay đường phố. Giám đốc hành động của tổ chức WaterAid Nigeria, bà Evelyn Mere nói rằng khủng hoảng nước, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân (WASH) đã lan rộng. Khoảng một nửa trường học ở đây không có nước và các trang thiết bị vệ sinh, 50% cơ sở y tế thiếu nước sạch và 88% thiếu thiết bị vệ sinh thiết yếu.

Nigeria với ước mơ... nhà vệ sinh ảnh 1

Khu vệ sinh tạm vẫn còn phổ biến ở Nigeria.

“Chúng tôi không có nước sạch, thậm chí nhà vệ sinh, chúng tôi thường phải ra bụi cây. Một phụ nữ đã bị rắn cắn lúc đi vệ sinh trong bụi”, chị Hannatu Peter, một phụ nữ tại trại IDP (di cư nội địa) New Gongola nói. “Chúng tôi mong muốn chính phủ giúp đỡ, đặc biệt về vấn đề nhà vệ sinh và nước. Nhiều người đã bị nhiễm bệnh và đi bệnh viện rất đắt đỏ”. Đây là cảnh tượng khá phổ biến ở nhiều cộng đồng, đặc biệt trong các trại IDP khắp Nigeria khi mức sống nghèo nàn và cái chết vì thiếu điều kiện vệ sinh thiết yếu vẫn diễn ra.

Theo báo cáo từ chương trình WASH Nigeria, điều kiện vệ sinh của đất nước này là nghiêm trọng. Tổ chức y tế thế giới cho biết việc đi vệ sinh ngoài trời làm ô nhiễm môi trường và gây ra những vấn đề về sức khỏe. Nó dẫn tới một số bệnh truyền nhiễm lây lan bằng đường nước như bệnh tả, tiêu chảy, viêm gan A và nhiều bệnh khác; tỷ lệ tử vong trẻ em cao, tình trạng suy dinh dưỡng và đói nghèo còn phổ biến ở đất nước này. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) trong các chiến dịch tư vấn cũng cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra dịch tả, nhất là khi mùa mưa hằng năm đến khiến bệnh dịch lây lan khắp nơi.

Đây cũng được xem là cơn ác mộng lớn nhất ở châu Phi bởi điều kiện vệ sinh nghèo nàn và đi việc vệ sinh ngoài trời đã giết nhiều trẻ em hằng năm hơn cả AIDS, sởi, sốt rét cộng lại, Tổ chức y tế thế giới và UNICEF ước tính. Ở Ghana tới 40% trường học không có toilet và 20% trẻ bị còi cọc. Ở Uganda nhiều người phải đi gần một dặm mỗi tối để tìm chỗ đi vệ sinh. Tanzania tăng việc đi vệ sinh ngoài trời từ 9 lên 11% trong thập niên qua, và 40% dân số đi vệ sinh ngoài trời ở Nam Sudan, Chad, Namibia, Benin. Vệ sinh ngoài trời làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra 280.000 cái chết từ bệnh tiêu chảy mỗi năm. Cũng bởi nguồn nước nhiễm khuẩn, trẻ em không thể hấp thụ dinh dưỡng gây tình trạng còi cọc lan rộng. Chưa kể nó còn khiến phụ nữ và các bé gái có nguy cơ bị tấn công. Tuy vậy Nigeria được xem là nước đứng đầu châu Phi về thói quen xấu này và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.

Nhận biết tình hình nghiêm trọng này, Tổng thống Muhammadu Buhahi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về WASH vào tháng 11- 2018. Theo đó, một chiến dịch quốc gia - Nigeria sạch: Hãy sử dụng nhà vệ sinh - bắt đầu vào tháng 4-2019 nhằm khởi động việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu năm 2025. Chính phủ đã làm việc với Quỹ nhi đồng liên hợp quốc UNICEF, Văn phòng phát triển quốc tế của Anh (DfID), EU và WaterAid về vấn đề này để đề ra những giải pháp và hỗ trợ thiết thực.

Anh Nasiru Ibrahim là cha của sáu đứa trẻ, trước đây cả gia đình cũng vẫn đi vệ sinh ngoài trời như bao gia đình khác, cho đến khi nhân viên chính phủ đến ngôi làng và giải thích thói quen xấu này gây nguy hại cho sức khỏe thế nào. Dân làng cùng chung tay nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh và khuyến khích các gia đình đào hố vệ sinh. Giờ đây bất cứ ai bị phát hiện đi vệ sinh bên ngoài sẽ bị phạt. Giếng khoan bơm tay cũng được làm với sự hỗ trợ của Unicef và DfID nhằm khuyến khích mọi người rửa tay sau khi đi vệ sinh, dân làng cũng xây dựng chỗ rửa tay. Những nỗ lực của cả cộng đồng đã có kết quả, làng Yammawar Kafawa giờ đây không còn ai đi vệ sinh ngoài trời nữa. Các nhân viên chính phủ đang làm việc để xác nhận chính thức điều này.

Anh Abubakar Sale, 50 tuổi, là cha của bảy đứa trẻ nói rằng, cuộc sống của người dân đang dần thay đổi. “Trước đây chúng tôi hay bị ốm. Chưa kể hằng ngày đi qua những nơi mọi người hay đi vệ sinh luôn phải bịt chặt mũi. Một số người thậm chí còn đi vệ sinh ở cánh đồng hay ngay phía sau nhà. Khi chúng tôi bắt đầu xây nhà vệ sinh và có chỗ rửa tay thì sức khỏe cộng đồng được cải thiện. Giờ đã có toilet ở khắp mọi nơi và bọn trẻ không dễ bị ốm như trước nữa”.

Những dự án do cộng đồng làm chủ như ở Yammawar Kafawa đang chứng tỏ hiệu quả ở nhiều nơi khác trên đất nước Nigeria. Một đánh giá kéo dài bốn năm theo kế hoạch của WaterAid ở 247 cộng đồng bang Enugu và Ekiti bởi Viện nghiên cứu tài chính ở London và Royal Holloway, Đại học London cho thấy những chương trình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS) làm tăng sở hữu toilet lên 10 điểm phần trăm và giảm việc đi vệ sinh ngoài trời 9-10 điểm phần trăm. Đánh giá về chương trình của Nigeria cho thấy “các nguồn lực có thể được sử dụng theo cách hữu hiệu hơn bằng cách nhằm vào những chương trình vệ sinh tại vùng nông thôn nghèo, nơi chúng có khả năng mang ý nghĩa tích cực hơn. Tốt hơn là nhằm vào những chính sách vệ sinh như CLTS nên tính đến thực tế rằng không có giải pháp đơn giản nhanh chóng nào cả và cách tiếp cận này có thể không phù hợp trong mọi hoàn cảnh”.

Tuy nhiên hiện tại mới chỉ có 13 trong số 774 khu vực chính quyền địa phương được xác nhận là đã chấm dứt việc vệ sinh ngoài trời. “Chúng tôi cần đưa thông điệp này tới mọi người, tới các cộng đồng, các hộ gia đình, mọi người có thể tham gia vào chiến dịch và sở hữu nó”, ông Bayo Ogunjobi, chuyên gia vệ sinh và nước ở UNICEF Nigeria nói. Ông Ogunjobi cũng cho rằng cần có nhiều tiền hơn cũng như việc hợp tác tốt hơn giữa chính phủ và cộng đồng địa phương để có sự tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh được cải thiện tốt hơn ở chợ, nơi đỗ xe, đường cao tốc, trung tâm tôn giáo, trường học, trạm y tế.

Khó mà nói được rằng mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn việc đi vệ sinh ngoài trời vào năm 2025 sẽ thực hiện được hay không, bởi nó sẽ là công việc khó khăn. Cô Britta Augsburg, một tác giả của nghiên cứu trên và là Phó giám đốc phát triển tại Viện nghiên cứu tài chính nói: Tôi biết rằng chính phủ đang có những bước đi quan trọng nhằm cải thiện chiến lược và bảo đảm tài chính cho việc này và tôi tin đó là điều rất quan trọng bởi kinh doanh sẽ không bảo đảm họ đạt được mục tiêu.

Cứ mỗi một đô-la chi phí cho hạ tầng nước và vệ sinh sẽ giảm được 4,3 đô-la chi phí chăm sóc sức khỏe, theo Tổ chức toilet thế giới. Tuy vậy, ngoài xây dựng hạ tầng, đây còn là về vấn đề lòng tin. Bất kỳ cố gắng thay đổi nào cũng phải gắn liền với các chiến dịch giáo dục, giải thích lợi ích về kinh tế, xã hội và sức khỏe của việc sử dụng hệ thống vệ sinh tử tế, là chìa khóa bảo đảm sự thành công của cuộc vận động quốc gia này.