Những dịch chuyển không ngờ

Năm 2019, thế giới đã chứng kiến những dịch chuyển không ngờ trên bản đồ địa chính trị, buộc người ta băn khoăn tự hỏi: phải chăng một trật tự thế giới mới đang hình thành?

Các bộ phận thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 bốc dỡ khỏi máy bay vận tải Nga tại sân bay quân sự Murted, Ankara tháng 7-2019. Ảnh | AP
Các bộ phận thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 bốc dỡ khỏi máy bay vận tải Nga tại sân bay quân sự Murted, Ankara tháng 7-2019. Ảnh | AP

“Chiến tranh Lạnh” kiểu mới

Không nghi ngờ gì nữa, quyết định của Tổng thống Donald Trump tăng thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã là cú “big bang”- vụ nổ lớn - có lực cực mạnh đẩy hai siêu cường Mỹ - Trung ra xa nhau, tạo ra một vực thẳm ngăn cách khó bề hàn gắn trong một sớm một chiều. Sau một năm thương chiến dài đằng đẵng với nhiều vòng thương lượng cam go, kết quả mà hai bên đạt được vẫn chỉ là tiếp tục có những vòng đàm phán mới!

Vậy mà hai bên đã từng được coi là đồng minh của nhau. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dưới bàn tay của “phù thủy ngoại giao” Henry Kissinger, Trung Quốc trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng trong ván bài của Washington nhằm kiềm chế Liên Xô.

Suốt hơn một thập niên sau đó, Mỹ đã cố gắng hướng Trung Quốc vào hệ thống thể chế thương mại và kinh tế theo kiểu phương Tây, hy vọng bằng cách đó, cũng đưa Trung Quốc vào những hệ quy chiếu giá trị về dân chủ theo kiểu phương Tây.

Kết quả là gì?

Mỹ nhận thấy có vẻ như Trung Quốc đã đi quá nhanh và do đó, trở nên nguy hiểm (đối với Mỹ). Mức thu nhập bình quân đầu người trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã từ 194 USD năm 1980 tăng lên 9.174 USD năm 2015. Với một nước nhỏ, chẳng hạn như Singapore, mức tăng đó có thể ấn tượng nhưng không tạo nên sự lo ngại; nhưng với một quốc gia khổng lồ hơn 1,3 tỷ dân như Trung Quốc, nó khiến cho các chính trị gia trong các hành lang quyền lực ở Washington lo lắng.

Ở những thập niên cuối của thế kỷ trước, Trung Quốc sử dụng phần lớn nguồn vốn đầu tư đến từ bên ngoài (tăng với tốc độ chóng mặt) vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép, hoặc các ngành công nghiệp chế biến như lắp ráp các thiết bị điện và điện tử cho các công ty đa quốc gia nắm quyền sở hữu trí tuệ những sản phẩm này.

Nói cách khác, với tư cách một “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc là mắt xích đạt lợi nhuận thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và Washington có thể xoa tay hài lòng khi phần lớn lợi nhuận rơi vào túi các tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ.

Tình thế thay đổi khi sang những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã trở thành một nhà nước hùng mạnh, khuyến khích và định hướng sự phát triển của các tập đoàn công nghiệp quốc gia, đặc biệt là trong các lĩnh vực viễn thông, tàu biển và tàu cao tốc, dành một tỷ lệ đáng kể GDP cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng tỏ ra quyết đoán hơn trong các động thái ở khu vực Biển Đông, nơi có tuyến vận tải huyết mạch của thế giới đi qua.

Thế nên, Washington buộc phải tung đòn thương chiến, mà ẩn phía đằng sau nó là cuộc chiến công nghệ, với mục tiêu nhằm vào các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Đòn đánh vào Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng không dây lớn nhất thế giới của Trung Quốc chính là “điểm bùng nổ” khiến Bắc Kinh không thể nhượng bộ và hai nước lao vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới không biết bao giờ mới kết thúc.

Chỉ biết rằng mặc dù vẫn cần đến nhau, sau năm 2019, khoảng cách giữa Bắc Kinh và Washington trở nên vô cùng xa xôi.

Lưỡi kiếm cong ở sườn Ðông Nam NATO

Nhưng sự dịch chuyển đáng kinh ngạc nhất trong năm 2019 chính là sự xa cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và NATO nói chung.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên của NATO. Mỹ là quốc gia đứng đầu liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một thành viên bình thường, nhưng vai trò cực kỳ quan trọng của nước này đối với NATO là điều không thể chối cãi. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO có mối quan hệ “chúng ta cần nhau”: Thổ Nhĩ Kỳ cần nằm dưới cái ô bảo trợ hạt nhân của NATO trong khi tổ chức này cần Thổ Nhĩ Kỳ như một chiến sĩ xung kích (thời kỳ Chiến tranh Lạnh) và một đối trọng quyền lực với các quốc gia “cứng đầu” (thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh).

Mọi sự bất ngờ chuyển sang chiều hướng xấu kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến Syria từ năm 2011. Cuộc nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad đã mở đường cho sự can thiệp của nước ngoài vào Syria. Cả Mỹ, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đều hậu thuẫn các phe phái nổi dậy ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc. Biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là tuyến đường trọng yếu tiếp viện vũ khí và quân đội từ bên ngoài vào Syria. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng được “tạo điều kiện” để đe dọa chính quyền Tổng thống T.Erdogan từ lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, những diễn biến bất ngờ đã khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO nói chung và Mỹ xấu đi. Năm 2015, khi Nga chính thức đưa quân vào tham chiến ở Syria, trong một tình huống gây tranh cãi, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Quan hệ giữa Ankara và Moscow lập tức căng như dây đàn. Thổ Nhĩ Kỳ hoảng sợ viện đến tình bằng hữu kiểu “ba chàng ngự lâm pháo thủ” (điều 5 trong Hiệp ước NATO). Câu trả lời khiến Ankara chới với: “Đó là chuyện riêng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, phía Mỹ - NATO không liên quan!”.

Cuộc đảo chính bất thành năm 2016 chống chính quyền của Tổng thống Erdogan khiến mọi sự trở nên hết sức tồi tệ. Trong cuộc đảo chính đó, các phi công tham gia đảo chính đã sử dụng 16 máy bay chiến đấu của NATO để đánh bom Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. Nhưng đó chỉ là chi tiết bề nổi của tảng băng. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng một số nước phương Tây đã hậu thuẫn phong trào của Giáo sĩ Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Dù Thổ Nhĩ Kỳ có thúc ép thế nào, Mỹ cũng không chịu dẫn độ Giáo sĩ Gulen, viện cớ không có đủ bằng chứng vị giáo sĩ này liên quan đến cuộc đảo chính.

Rồi đến khi Mỹ liên minh với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) để chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thì Ankara cảm thấy cay đắng vì đó chính là kẻ thù không đội trời chung của chính quyền Tổng thống Erdogan...

Những phản ứng của Ankara khiến Mỹ và NATO bứt rứt không yên. Bất chấp mọi sự đe dọa của Mỹ, kể cả hủy vai trò Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình phát triển máy bay F-35 tốn kém của NATO, Tổng thống Erdogan vẫn quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không di động S-400 cực kỳ hiện đại của Nga. Điều này chẳng khác gì Thổ Nhĩ Kỳ đặt một lưỡi gươm cong ở sườn phía Đông Nam của NATO!

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không chịu ký vào Kế hoạch bảo vệ Ba Lan và các nước vùng Baltic trong trường hợp bị Nga tấn công của NATO. Điều này chẳng khác gì Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết điều 5 của Hiệp ước NATO, nền tảng tồn tại của tổ chức này!

Với những mâu thuẫn khó hóa giải như vậy, dù vẫn là một thành viên, trong năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã dịch chuyển ra xa NATO và Mỹ, một sự dịch chuyển mà một trong những hậu quả của nó (cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sau khi Mỹ rút quân) khiến cho Tổng thống Pháp E.Macron mô tả “NATO đã bị chết não!”.

*

* *

Năm 2019 đã chứng kiến thế giới vận hành với không ít bất ngờ. Sau những hào hứng buổi ban đầu, các cuộc gặp thượng đỉnh chưa vào thực chất, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn “đóng băng”. Trong khi ấy, một sự “tan băng” nguy hiểm đang diễn ra sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran với nhóm P5+1 khiến cho Iran từng bước khôi phục những quá trình phát triển hạt nhân giống như trước khi có thỏa thuận. Đa phương thương mại bị Mỹ coi là “điều xấu”, còn thương chiến Mỹ - Trung gây ảnh hưởng tiêu cực, đẩy kinh tế toàn cầu đến những rủi ro khó bề kiểm soát...

Trên những mảng mầu u ám ấy, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng. Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc trong vòng một năm, thuộc vào quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu. Đây là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ của công cuộc cải cách mà chính phủ Việt Nam tiến hành suốt thời gian qua.

Việt Nam bước sang năm 2020 với cương vị Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng chính thức bắt đầu vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Từ chỗ là một thành viên có trách nhiệm, tuân thủ nghiêm chỉnh luật lệ quốc tế, Việt Nam có cơ hội tham gia và định hình luật chơi, khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Với những gì đã làm được trong những năm qua, có thể tự tin Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác trên thế giới, thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình.