Những bất ngờ từ một chuyến đi

Chỉ biết về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên qua thông tin bên ngoài, vì vậy, tôi thấy tim đập mạnh khi vừa đặt chân lên mảnh đất này, dù bản thân đã “dạn dày” qua những chuyến đi tới hơn 70 nước và nhiều năm từng sống ở Nga và Mỹ.

Một số công trình ở Triều Tiên.
Một số công trình ở Triều Tiên.

Bước vào nhà ga, đập vào mắt tôi là một không gian không quá lớn nhưng rất ngăn nắp, quy củ. Ở đây không ồn ào, nhốn nháo như những nơi tôi đã đi qua. Anh lính cửa khẩu cúi đầu chào tôi lịch sự tuy không... mỉm cười. Bộ quân phục mầu cỏ úa được cắt, may rất sắc sảo, trên ngực lấp lánh chiếc huy hiệu in hình hai lãnh tụ Kim. Anh lính ra hiệu cho tôi đặt máy điện thoại cùng hành lý qua máy soi rồi yêu cầu nhìn thẳng vào máy kiểm tra an ninh và... thế là xong, nhanh gọn không ngờ, hoàn toàn khác với những gì tôi được dặn dò, nhắc nhở trước khi thực hiện chuyến đi tới xứ sở đặc biệt này.

Bình Nhưỡng đang vào thu, trời se se lạnh. Xe chúng tôi bon bon trên những đại lộ thênh thang, bề ngang rộng tới cả trăm mét, chạy thẳng tắp giữa các hàng cây đầy lá vàng, lá đỏ, kế bên các thảm cỏ, vườn hoa. Các phương tiện giao thông như tàu điện, xe bus, ô-tô... đi lại tấp nập nhưng không hối hả, chen lấn, không bấm còi inh ỏi tranh giành. Dân chúng xếp hàng trật tự lên xe, người xuống, người lên nhường nhau trong yên lặng, thiếu vắng đi sự huyên náo, ồn ào nơi công cộng. Các vỉa hè, đường phố sạch bóng, không hề có rác. Mọi người đi lại thong dong, hầu như ai cũng mang theo đồ xách bằng da: nam thì cặp da, bước trên những đôi giày da bóng loáng, nữ thì uyển chuyển trên những đôi giày cao gót, cầm túi trên tay hoặc điệu đàng khoác chéo trước ngực! Con trai tôi ngồi ghế bên thầm thì: Mẹ hãy nhìn cô gái mặc áo măng tô xám có cổ lông đang ung dung đi tới kìa. Dáng đi của cô ấy thanh lịch, có khác gì với Parisienne đâu! (con gái Paris)! Tôi đưa mắt nhìn cô gái chào, cô nhoẻn miệng cười chào lại. Mọi người trên xe cũng nhoài đầu ra vẫy tay và ai cũng được nhận lại bàn tay chìa ra kèm theo một nụ cười thân thiện.

Chúng tôi ghé thăm một trường trung học. Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên chính lại là dòng khẩu hiệu được treo lên trước mặt tiền: Văn - Thể - Mỹ - những điều ngành giáo dục luôn đặt lên hàng đầu. Theo đó, việc trau dồi kiến thức chỉ dành cho buổi sáng, buổi chiều là các lớp âm nhạc, hát, múa, hội họa, thể thao... do học sinh tự chọn. Dọc theo các hành lang của trường treo kín các bức tranh do học sinh tự vẽ hoặc các bài viết bằng hai thứ tiếng Triều Tiên và tiếng Anh. Đi tham quan các lớp học, chúng tôi bất ngờ khi không thấy một trò nào đeo kính cận. Cô giáo giải thích rằng hoạt động thể chất ngoài trời chính là bí quyết để giữ cho mắt các em khỏe mạnh, không có phương pháp nào khác cả và nhà trường rất chú trọng điều này. Như Singapore là đất nước có thu nhập đứng thứ tư thế giới (hơn 96.000 USD/năm) mà có tới 85% trẻ em bị cận thị vì quá chú trọng vào học hành. Nhưng ở đất nước chúng tôi thì trường học bắt buộc phải có sân chơi hoặc sân vận động cho trẻ và dành thời gian thích hợp cho hoạt động ngoài trời.

Những bất ngờ từ một chuyến đi ảnh 1

Chúng tôi cũng được đón tiếp bởi dàn nhạc của học sinh lớp 6, má hồng hây hây, trong bộ đồng phục áo trắng, váy xanh, khăn quàng đỏ. Tất cả các em vừa tự chơi một loại nhạc cụ nào đó, vừa hát với kỹ thuật giữ hơi lên giọng... cùng nhạc cảm ít thấy ở lứa tuổi các em. Khi chào tạm biệt cô giáo, tôi ngỏ ý băn khoăn về học phí khi được học ở ngôi trường tốt như thế này. Cô giáo lắc đầu: Ở đất nước chúng tôi, giáo dục cho toàn dân là hoàn toàn miễn phí. Cũng như y tế vậy.

Sau khi tham quan các cơ sở giáo dục, cả đoàn đều phấn chấn, liên tiếp đặt câu hỏi cho cô Kim, hướng dẫn viên mới 23 tuổi nhưng nói trôi chảy ba thứ tiếng Trung, Anh, Nga: - Giáo dục, y tế miễn phí rồi, thế còn có gì ở Triều Tiên miễn phí nữa không? - Nhà ở - Cô gái trả lời - Ở đất nước chúng tôi, (cô gái luôn luôn mở đầu mọi câu trả lời bằng cụm từ đầy tự hào này) sau khi kết hôn, đôi vợ chồng trẻ sẽ được cấp một căn hộ rộng 55 m2. Nếu sinh con đầu sẽ được chuyển đến căn hộ mới rộng 85 m2, sinh thêm con nữa thì sẽ được cấp 100 m2. Ở đất nước chúng tôi sinh đẻ là tự do, không hạn chế, không kế hoạch.

Thế còn cuộc sống của người già? - Một bác lớn tuổi lên tiếng - Ở đất nước chúng tôi, cha mẹ luôn ở cùng con cháu, không có cảnh người già cô đơn bởi nếu con cái để cha mẹ sống cô đơn thì chắc chắn họ sẽ bị xã hội ruồng bỏ, bạn bè, đồng nghiệp tẩy chay vì đạo đức kém. - Vậy thì ở Triều Tiên không cần nhà dưỡng lão nhỉ? - Ai đó lên tiếng hỏi - Ở đất nước chúng tôi có cả hệ thống nhà dưỡng lão miễn phí nhưng chỉ dành cho các cụ... không có con !

Chúng tôi tạm biệt đất nước xinh đẹp này với nhiều lưu luyến. Các thức ăn khô mang theo đều không hề đụng tới và bị vứt bỏ lại ở khách sạn, thay bằng các vali đầy ắp thực phẩm hoàn toàn sạch của Triều Tiên. Kiểm tra an ninh ở sân bay nhanh đến không ngờ: Chỉ việc đặt hành lý qua máy soi rồi đi qua, không hề có câu hỏi hay lục soát như đồn đại. Chị L, một bạn đồng hành cùng tôi thầm thì: Tôi bị sốc bởi một sức mạnh mềm to lớn của người Triều Tiên được kết tinh bởi lòng tự hào, tinh thần kỷ luật, niềm tin vào sự lãnh đạo của lãnh tụ... những điều mà ngay cả những quốc gia dồi dào vật chất có thể vẫn còn thiếu hụt. Con tôi góp chuyện: Bởi họ được dẫn dắt bằng tư tưởng Chủ thể do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đề ra: Con người là chủ thể của thế giới. Con người quyết định tất cả.