Ngày Tết thiên hạ ăn gì?

Đối với các nước Đông Á, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ truyền ngày Tết âm lịch là ngày lễ lớn và linh thiêng nhất trong năm. Trong dịp này, cùng với các nghi lễ, phục sức, phong tục truyền thống vốn được duy trì thì ẩm thực là một phần rất quan trọng.

Chè trôi nước “đoàn viên”. Ảnh | Sebastian Mary
Chè trôi nước “đoàn viên”. Ảnh | Sebastian Mary

Trung Quốc
 
 Một điểm đặc trưng trong văn hóa truyền thống Trung Quốc là sử dụng các từ đồng âm khác nghĩa để ẩn dụ cho ý muốn hoặc diễn đạt đa tầng nghĩa. Các món ăn ngày Tết đã sử dụng đặc điểm ngôn ngữ này nhằm thể hiện mong muốn cầu chúc một năm mới may mắn, sung túc hơn năm cũ.

Ngày Tết thiên hạ ăn gì? -0
 Món cá chiên hình sóc tỉnh Giang Tô.  Ảnh | Walter Grassroot

 Bữa ăn tất niên tối 30 Tết là bữa ăn đoàn viên, các thành viên trong gia đình (dù ở xa đến mấy cũng cố về để kịp) quây quần bên nồi lẩu. Nồi lẩu nghi ngút khói đặt giữa bàn ăn tròn tượng trưng cho sự quây quần, ấm cúng. Số bát đĩa đựng món ăn trên bàn thường là số chẵn như sáu hoặc tám vì lục, bát đọc gần giống lộc, phát.
 
 Ở miền bắc Trung Quốc, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi thành viên trong nhà sẽ cùng nhau ngồi gói sủi cảo (giảo tử) để sau đó đem hấp và ăn vào đêm Giao thừa. Món bánh hấp này có hình dạng giống như những nén vàng, nén bạc thời xưa nên được cho là đem lại may mắn. Nhiều gia đình còn cho một đồng tiền xu vào một cái sủi cảo bất kỳ. Hôm đó ai cắn phải... đồng xu thì năm tới hẳn sẽ rất nhiều tiền! Người miền bắc cũng thường có món mì sợi gọi là trường thọ miến vì nguyên thủy của món mì chính là một món ăn dùng trong nghi lễ cúng tế, hình dạng của nó tượng trưng cho trường tồn, dài lâu nên luôn được dùng ăn trong những dịp hỉ như sinh nhật, đám cưới, mừng thọ.
 
 Ở miền nam Trung Quốc thì món ăn có khác nhưng nguyên lý đồng âm thì vẫn vậy. Một món không thể thiếu trong cỗ tất niên là bánh trôi nước, gọi là thang viên, chữ thang cũng đồng âm với chữ đoàn trong đoàn viên. Món ngọt thứ hai thường có là bánh niên cao (ở Việt Nam gọi là bánh tổ), làm bằng bột gạo nếp nhào đường nâu đem hấp. Bánh chín cắt ra vẫn rất dính tay nên mới có tên như vậy: niên nghĩa là dính, cao là bánh ngọt. Tuy nhiên niên cũng có nghĩa là năm, cao là cao lớn tức là năm sau (bay) cao hơn năm trước!
 
 Mâm cỗ cuối năm đương nhiên là có nhiều thịt như gà, vịt, bò, lợn nhưng một món quan trọng nhất mà từ bắc chí nam, từ đông sang tây đều có trên bàn ăn là món cá. Cá là ngư hoàn toàn đọc giống dư trong dư dả. Cá khi nấu phải đủ đầu đủ đuôi thể hiện có đầu có đuôi, đầu xuôi đuôi lọt. Riêng món cá sẽ không được ăn hết mà phải để thừa (dư) lại đến hôm sau. Hành động này nhằm hiện thực hóa câu tục ngữ niên niên hữu dư/ngư tức là năm nào cũng có cá, hay là năm nào cũng có dư!
 
 
 Hàn Quốc
 
 Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc thường được gọi là Seollal (tiếng Hàn là “năm mới”) hoặc Wondan (phiên âm tiếng Hán là Nguyên đán, tức sáng mồng Một). Vì thế, các nghi lễ quan trọng nhất đều diễn ra vào sáng đầu tiên của năm mới âm lịch. Tất cả thành viên gia đình đều mặc quần áo mới, thường là bộ hanbok truyền thống. Sau khi các món ăn được bày thành mâm cỗ trên bàn, mọi người quỳ thành hàng và cúi lạy thật thấp, nhằm thể hiện sự thành kính với tổ tiên. Sau đó lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ, sẽ tiến hành việc lạy các thành viên lớn tuổi nhất trong nhà như ông bà, bố mẹ rồi cô chú. Trẻ nhỏ sẽ nhận được phong bao tiền mừng tuổi.

Ngày Tết thiên hạ ăn gì? -0
Bánh canh tteokguk ăn mừng tuổi mới ngày đầu năm. Ảnh | James 


  Bữa cỗ ngày đầu năm mới không thể thiếu món bánh canh tteokguk. Tteok (đọc “tốc”) là bánh gạo, guk (đọc “gúc”) là canh. Người Hàn Quốc vẫn quan niệm tính tuổi truyền thống theo năm âm lịch, chứ không phải theo ngày sinh dương lịch như phương Tây, tức là mỗi ngày mồng một đầu năm, người ta sẽ thêm một tuổi. Món tteokguk vì vậy chính là một món ăn mừng tuổi mới, phải ăn xong mới già đi một tuổi. Người Hàn Quốc dùng câu “Thế đến nay anh/chị đã ăn được bao nhiêu bát tteokguk rồi?” để hỏi tuổi. Bánh gạo tteok được làm bằng bột nếp (thường pha thêm bột tẻ) hấp chín rồi giã và nặn thành những thanh dài hình trụ tròn to bằng hai ngón tay. Sau đó tteok được thái vát hoặc thái tròn thành những hình đồng xu (tượng trưng cho sự giàu có trong năm mới). Bánh tteok mầu trắng thể hiện sự trong sạch, tinh khiết, một khởi đầu sạch sẽ của năm mới. Nước dùng vì thế cũng phải trong. Nước hầm thịt và thủy sản pha thêm xì dầu sau đó sẽ được lọc hết cái, đun sôi và thả bánh canh vào. Trên bát có thể bày thêm trứng rán thái chỉ, rong biển thái sợi và một ít thịt hầm.
 
 Ngoài ra, món chả chiên jeon cũng là một món ăn phổ biến dịp này. Jeon thường làm bằng thịt bò hoặc cá và hải sản xay nhuyễn, nặn thành bánh rồi nhúng trứng đánh, tẩm bột và chiên. Đây là một món tương đối nhiều... đạm động vật nên ngày xưa là thức ăn sang trọng, vốn xuất hiện với tần suất dày đặc trong cỗ cung đình Triều Tiên. Nhà dân thường thì chủ yếu làm jeon với rau củ hoặc độn thêm rau củ. Ngày nay thì Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước châu Á tiêu thụ nhiều thịt nhất trên đầu người, nên jeon trở thành một món khai vị bàn tiệc hay món nhậu vỉa hè vô cùng phổ biến với ngày càng nhiều loại nhân đắt đỏ như bào ngư hay bò kobe.
 
 Nhật Bản
 
 Người Nhật tuy không còn ăn Tết theo lịch âm từ năm 1873 thời Minh Trị nhưng các phong tục truyền thống thì vẫn được thực hành, chỉ khác là diễn ra vào ngày 1 tháng 1 dương lịch hằng năm. Đặc biệt các món ẩm thực truyền thống ngày Tết ở Nhật được gọi bằng tên riêng là osechi. Các món osechi được đặt vào những hộp gỗ sơn (ngày nay là nhựa) hình vuông có thể chồng lên nhau thành nhiều tầng gọi là jubako, giống như những hộp cơm bento ta thường thấy.

Ngày Tết thiên hạ ăn gì? -0
Hộp cơm osechi-ryori đựng đa dạng món ăn. Ảnh | Haruhiko Okumura 


 Rất nhiều các món osechi trong ngày Tết Nhật Bản cũng theo nguyên lý đồng âm khác nghĩa và mang ảnh hưởng của nhiều tôn giáo, có thể kể vài thí dụ như:
 
 Daidai: Cam đắng. Daidai đồng âm với “đại đại” nghĩa là “đời đời”, thể hiện mong muốn con đàn cháu đống. Ebi: Tôm luộc rượu sake. Tôm luộc mầu đỏ tượng trưng cho “vận đỏ”, còn râu dài và lưng cong thì thể hiện mong muốn sống lâu. Kombu: Rong biển. Đọc gần giống “yorokobu” nghĩa là (việc) “hỉ”. Rong biển được cuốn như cuộn sách thời xưa nhằm biểu dương việc học hành đỗ đạt. Kuro-mame: Đậu tương đen luộc nước đường. Mame vừa nghĩa là hạt đậu vừa đồng âm với “vô bệnh”. Mầu đen theo đạo Lão là mầu trấn áp ma quỷ nên món này dùng để cầu chúc sức khỏe. Subasu: Củ sen ngâm dấm. Trong Đạo Phật, ở cõi Tây phương cực lạc có hồ sen cát vàng lót đáy nên sen được coi là loài cây thanh tịnh, sạch sẽ, phù hợp với năm mới. Củ sen nhiều lỗ với hy vọng mọi sự sẽ hanh thông. Tazukuri: Cá cơm khô rang xì dầu. Chữ Hán của món này là “điền tác” (làm ruộng) xuất phát từ việc ngày xưa người Nhật dùng xác cá cơm để bón phân cho ruộng lúa. Đồng thời, phiên âm tiếng Nhật là gomame, đồng âm với ngũ vạn mễ (năm vạn gạo), nên tượng trưng cho mùa màng bội thu.

Ngày Tết thiên hạ ăn gì? -0
Ăn bánh mochi trong canh ozoni. Ảnh | M-louis 

 Đặc biệt nhất là món canh ozoni ở Nhật, là canh rau củ nhưng có thả bánh giầy mochi vào. Bánh mochi làm bằng gạo nếp hấp chín rồi giã nhuyễn, siêu dai siêu dính, có thể dùng răng kéo dài cả gang tay, tượng trưng cho sự dẻo dai, trường thọ. Trước khi bỏ vào canh, bánh được nướng giòn phồng. Món này được coi là nhất định phải ăn dịp năm mới để lấy may. Tuy nhiên, điều trớ trêu là miếng bánh to, lại rất dính nên khi ăn cả miếng hoặc nhai không kỹ thì đặc biệt là người già và trẻ nhỏ có thể mắc nghẹn. Gần như dịp năm mới nào ở Nhật cũng có người đi cấp cứu và tử vong vì húp canh ozoni rồi bánh mochi mắc luôn vào cổ họng. Số ca tử vong vì ăn ozoni có lẽ chỉ đứng dưới cá nóc ở Nhật.
 
 Khắp mọi nơi, người người đều hướng về năm mới với hy vọng nhiều sức khỏe và may mắn, nhất là sau một năm dịch bệnh và thiên tai với quy mô chưa từng có đã làm cả thế giới tê liệt. Mong rằng những ước muốn tốt đẹp gửi gắm trong từng món ăn đều sẽ sớm trở thành hiện thực!