Bản sắc

Kremlin thứ hai và hòn đảo cổ xưa, thơ mộng

Có một nơi ở Moskva luôn đem lại cho ta cảm giác lẫn lộn: vừa giống thôn quê, lại như ở thành phố, vừa như đưa ta trở lại thế kỷ 17, lại vẫn hiển hiện cảm giác đang ở không gian của thế kỷ 21... Đó chính là Kremlin Izmailovo và hòn đảo cạnh bên, với tên gọi từ thời xa xưa Serebryano -Vinogradny. Nơi đây khiến ta như đang lạc bước vào một câu chuyện cổ tích Nga.

Kremlin ở Izmailovo mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Nga.
Kremlin ở Izmailovo mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Nga.

Thật ra, khu Kremlin Izmailovo hiện nay không phải là di tích cổ nguyên bản. Nó chỉ vừa được phục dựng, bắt đầu từ năm 1998 và hoàn thành vào năm 2007. Nhưng nhiều người yêu thích khu Kremlin  Izmailovo bởi những nét kiến trúc đặc trưng đậm phong cách Nga và những câu chuyện lịch sử nhuốm màu sắc huyền thoại của vùng đất này.

Từ “Kremlin” trong tiếng Nga có nghĩa là thành cổ, hoặc pháo đài. Chúng hiện diện ở nhiều thành phố trên khắp nước Nga, được dựng lên để bảo vệ cuộc sống người dân. Nếu như Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ đã trở thành biểu tượng của nước Nga, uy nghi bên dòng sông Moskva, thì Kremlin ở Izmailovo, lại mảnh dẻ, nhẹ nhàng, được coi là mô hình thu nhỏ của Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ. Là một khu phức hợp bằng gỗ, Kremlin Izmailovo được tạo dựng không nhằm bảo vệ thành phố, mà như biểu trưng của một trung tâm văn hóa đô thị, mô phỏng kiến ​​trúc truyền thống từ thế kỷ 17 trên chính khu đất Izmailovo của gia tộc Romanov.

Làng Izmailovo xuất hiện từ thế kỷ 16 mang tên người chủ đất đầu tiên. Từ thế kỷ 16, Sa hoàng (dòng họ Rurik) Ivan Hung đế đã trao tặng Izmailovo cho Nikita Romanovich, anh trai của hoàng hậu Anastasia Romanovna - người vợ đầu tiên và được Ivan Hung đế yêu quý nhất. Trải qua bao biến cố lịch sử, dòng họ Romanov lên nắm quyền cai trị nước Nga. Năm 1654, Sa hoàng Alexei Mikhailovich (phụ thân của Pyotr Đại đế) được thừa kế làng Izmailovo.

Vào thế kỷ 17, dưới thời Sa hoàng Alexei, Izmailovo là một trong những điền trang phát triển nhất ở Nga với những cung điện, nhà gỗ, những cánh đồng, trang trại, vườn cây đầy hoa trái, cối xay gió, hầm rượu, xưởng sản xuất vải lanh, xưởng làm đồ dùng mỹ nghệ, xưởng thổi thủy tinh, nấu đồng, đúc gạch, vườn cây thuốc, vườn nuôi ong lấy mật, nhiều trại gia súc gia cầm... Izmailovo khi đó chiếm một diện tích rộng lớn từ khu Cherkizovsky ở phía bắc đến các làng Kuskovo ở phía nam, từ làng Semenovsky ở phía tây đến khu Pokrovsky tận phía đông.

Sa hoàng Alexei vốn rất thích giới thiệu về sự phát triển của khu vực ngoại ô với các đại sứ nước ngoài. Và họ đã không khỏi trầm trồ Izmailovo đẹp như tranh vẽ. Chính tại đây, các đại sứ đã rất ngạc nhiên trước những thành tựu kinh tế nông nghiệp của Nga sau khi đến thăm các khu vườn và được chiêu đãi nhiều loại rượu vang địa phương. Vào những năm 70 của thế kỷ 17, theo phong cách thượng lưu mới, nhà hát đầu tiên ở Nga đã xuất hiện ở Izmailovo với các buổi biểu diễn đi kèm dàn nhạc. Nhiều nhà thơ nổi tiếng thời ấy đã ngâm nga tác phẩm của mình trước Sa hoàng và các vị khách mời trong cung điện gỗ được trang trí lộng lẫy.

Cuối thế kỷ 17, Izmailovo không chỉ là một điền trang mang lại lợi ích kinh tế, mà dần biến thành khu nghỉ dưỡng hoàng gia. Các lễ hội, những dịp sinh nhật của thành viên hoàng tộc khi đó thường được tổ chức tại cung điện ở Izmailovo.

Theo lệnh của Sa hoàng Alexei, sông Serebrianskaya được bẻ thành hai nhánh để bao quanh vùng đất cao, tạo thành hòn đảo nhân tạo giữa hồ. Người ta xây dựng một cây cầu đá bắc ngang hồ để đi vào đảo, tháp cầu được xây vào năm 1674, vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Nhà thờ Pokrosky bằng gạch và đá trắng với nhiều hoa văn trang trí rất độc đáo, được thánh hiến vào năm 1679 và từ 1990 đến nay, nhà thờ vẫn duy trì các hoạt động thánh lễ. Cổng đá trắng nằm đối diện lối vào phía tây của Nhà thờ Pokrosky, được xây dựng vào năm 1682 và được bảo tồn đến ngày nay.

Tương truyền, phần lớn thời thơ ấu, Pyotr Đại đế đã từng sống ở làng Izmailovo và cũng tại đây, vào mùa hè năm 1688, Pyotr Đại đế lần đầu tiên tìm thấy một con tàu cũ. Với sự giúp sức của vài người bạn và thầy giáo, vị Sa hoàng này đã lái tàu đi dọc sông Yauza và ra tận hồ Prosyansky. Chính con tàu ấy đã hun đúc nên ước mơ của vị Sa hoàng trẻ tuổi về lực lượng hải quân Nga hùng mạnh sau này. Dưới thời Pyotr I, trò chơi đánh trận giả vui nhộn của “quân đoàn Izmailovsky, các trung đoàn Preobrazhensky và Semenovsky” đã được tổ chức tại Izmailovo, nơi trở thành căn cứ ban đầu của quân đội chính quy Nga tương lai. Cho đến giữa thế kỷ 18, Izmailovo vẫn là nơi thường đón tiếp Sa hoàng và những người thân cận trong các chuyến đi săn chim ưng - thú tiêu khiển truyền thống của các đời đế vương (hiện vẫn còn địa danh Đồi chim ưng ở khu vực Izmailovo). Sau khi thủ đô Nga chuyển về Saint Petersburg, khu Izmailovo dần bị xuống cấp, cung điện gỗ bị hư hỏng nặng, trở nên hoang phế và bị phá bỏ.

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, khu Izmailovo rơi vào cảnh tiêu điều trong một thời gian dài. Năm 1974, trên một mảnh đất hoang phế ở Izmailovo xuất hiện khu triển lãm tranh của các họa sĩ phái tiền phong. Đến năm 1991, từ những buổi triển lãm, tại đây hình thành Vernissage - khu trưng bày và bán tranh, đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ... Theo thời gian, Khu chợ lưu niệm nằm chếch phía dưới ngôi làng Izmailovo đã hình thành, là điểm đến được mong đợi với mỗi du khách tới Moskva. Nơi đây hiện diện những sản phẩm tinh xảo nhất của hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống. Búp bê gỗ Matryoshka được chạm trổ và vẽ tay, những quả trứng phục sinh gợi nhớ về danh tiếng lẫy lừng của nhà kim hoàn Nga Peter Carl Faberge, những chiếc khăn dệt tay nổi tiếng Nga từ vùng đất Pavlovsky Posad... Đồ lưu niệm ở Izmailovo rất phong phú, có hàng thủ công tinh xảo do nghệ nhân vẽ tay và ký tên mình lên đó, cũng có hàng sản xuất đại trà. Du khách đặt chân đến nơi này ai cũng muốn mang về một chút kỷ niệm của nước Nga.

Có một thời gian, cạnh khu Vernissage mọc lên khu chợ trời khổng lồ, vẫn thường được gọi là chợ Vòm, làm tổn hại không ít đến cảnh quan và công trình lịch sử ở đây.  Sau khi chợ Vòm được dẹp bỏ, ngày càng có nhiều du khách và người dân đến đi dạo, mua sắm ở Vernissage, tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội vào dịp cuối tuần. Nhiều đám cưới cũng được tổ chức tại đây nhờ có phòng đăng ký kết hôn nằm trong quần thể. Một cây cầu gỗ cong cong dẫn từ khu Kremlin mới sang Chợ lưu niệm. 

Cảnh quan nơi này mang dáng dấp của một thị trấn còn bởi những quầy hàng có mái che dọc theo một lối đi như mê cung, và khu Chợ đồ cũ đông đúc, nhộn nhịp mỗi dịp cuối tuần.  Nơi đây tràn ngập các mặt hàng từ sách, báo, huy hiệu, những bức tranh áp-phích, đồ chơi, đồ nội thất, bát đĩa, cho đến những đồ vật của Liên Xô nổi tiếng một thời, những chiếc mũ lông, những con búp bê, những bức tượng Lê-nin bằng đồng... Đây là địa điểm mua sắm ưa thích của người dân địa phương và khách du lịch.

Khu Kremlin mới ở Izmailovo cũng được xây trên một ngọn đồi gần đó, bao quanh bởi hàng rào gỗ và tường đá với tháp canh có lỗ châu mai, giống các pháo đài ở Nga thời cổ. Đây là dự án của nhà hoạt động xã hội Alexandr Ushakov, nhằm xây dựng một quần thể tái hiện cảnh quan từ thế kỷ 17 với pháo đài đá, cung điện gỗ... được hoàn thành trong suốt chín năm. Đối diện với cung điện Đại tiệc Nga bằng gỗ là nhà thờ Thánh Nicholas, nhà thờ bằng gỗ cao nhất ở Nga hiện nay với chiều cao 46 mét.

Kremlin thứ hai và hòn đảo cổ xưa, thơ mộng -0
Kremlin mới ở Izmailovo như làng quê Nga cổ xưa từ thế kỷ 17. 

Đến thăm Kremlin, bạn cũng nên ghé thăm hòn đảo bên kia hồ, bởi ở Moskva, có lẽ không nơi nào ngắm hoàng hôn đẹp bằng nơi đây. Vào mùa hè, bạn có thể bơi thuyền, phóng tầm mắt sang đôi bờ xanh mướt, phía xa xa là hình ảnh Kremlin cổ kính ẩn hiện, thấp thoáng bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Đảo tràn ngập mầu xanh với những cây sồi cổ thụ, bạch dương, dương liễu và muôn vàn hoa cỏ dại khoe sắc mỗi dịp xuân về. Hồ nước quanh đảo giờ đây được trả lại sự thanh sạch vốn có, thu hút những đàn hải âu bay về làm tổ, tạo ra khung cảnh như thôn quê ngay giữa lòng thành phố Moskva hiện đại, sầm uất.

Đặt chân đến Kremlin Izmailovo giống như phiêu du về quá khứ. Đến đây để ngẫm chuyện đời xưa nay, hay nhiều khi chỉ giản đơn là để lòng mình lắng lại...