Xu hướng

Khủng hoảng rác thải nhựa - nỗi lo không của riêng ai

Một loạt quốc gia Đông-Nam Á đã kiên quyết trả lại các công-ten-nơ rác thải về nơi xuất xứ là những phản ứng mạnh mẽ thời gian gần đây để tránh bị biến mình thành "bãi rác" của thế giới. Những quốc gia phát triển đã thể hiện hành xử kém văn minh khi đẩy công đoạn tái chế bẩn thỉu, tốn nhiều công sức, gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe cho các nước nghèo hơn...

Rác thải là kế sinh nhai của nhiều người dân nghèo ở các nước đang phát triển.
Rác thải là kế sinh nhai của nhiều người dân nghèo ở các nước đang phát triển.

Lời cảnh tỉnh từ "miền đất hứa" của... rác

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và vòng đời của chúng kết thúc tại các bãi rác hoặc đại dương khắp thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng rác nhựa toàn cầu. Thật không may, một số quốc gia ở khu vực Đông- Nam Á lại trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng này, sau khi Trung Quốc nói không với rác thải nhựa nhập khẩu nhằm bảo vệ môi trường vào cuối năm 2017.

Không nước nào khác ngoài Mỹ, là quốc gia dẫn đầu về lượng rác thải nhựa và chuyển tới các quốc gia khác để tránh thảm họa môi trường. Theo ước tính, mỗi năm Mỹ "tống khứ" được khoảng một triệu tấn rác thải nhựa sang các nước đang phát triển. Các chuyên gia đánh giá, Malaysia là một điển hình không mong muốn về khủng hoảng rác thải nhập khẩu từ Mỹ. Quốc gia Đông-Nam Á này còn được ví như "miền đất hứa" của rác sau lệnh cấm của Trung Quốc.

Chính các nhà máy xử lý rác thải ở Malaysia đã góp phần tiếp tay đẩy đất nước lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng rác. Dù chỉ được phép tái chế rác thải trong nước, những công ty này vẫn lén lút thu gom "rác nhập ngoại" để xử lý bằng những biện pháp trái phép. Tình hình càng tệ hơn khi Malaysia khó kiểm soát việc nhập lậu rác thải từ Mỹ. Các chủ tàu chỉ cần thay đổi mã trên dữ liệu của các công-ten-nơ phế liệu nhằm ngụy tạo bên trong là nhựa nguyên chất để lọt qua cửa hải quan.

Thị trấn Sungai Petani ở phía Tây Bắc Malaysia, là một trong nhiều nơi ở quốc gia này phải sống chung với rác. 20 nhà máy đốt rác bất hợp pháp tại đây đã biến thị trấn có khoảng nửa triệu dân thành một nơi không thể chịu đựng nổi bởi mùi hôi thối và những làn khói độc hại thải vào môi trường. Một nhà hoạt động vì môi trường ở đây đã phải thốt lên rằng "rồi một ngày nào đó, mảnh đất này sẽ không còn bóng người mà chỉ có rác ở khắp nơi".

Rác thải nhựa nhập khẩu đã bị Malaysia "cấm cửa" từ tháng 10-2018. Nhưng "chờ được vạ thì má đã sưng", các công-ten-nơ rác thải bị kẹt lại tại bến cảng sau khi những kẻ kinh doanh vô đạo đức "bỏ của chạy lấy người" trước các hành động mạnh tay của chính quyền. Còn tại những nhà máy đốt rác bất hợp pháp đã bị đóng cửa, những đống rác vẫn hiện diện lừng lững, gây nhức nhối cho cuộc sống của người dân chung quanh.

Cùng với đó, Malaysia tuyên bố sẽ trả lại những rác thải nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển và các nước này phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi. Ngoài một số công-ten-nơ đã được trả về nơi xuất phát, còn hơn trăm công-ten-nơ vẫn đã nằm lại ở ba cảng biển của nước này bởi không dễ gì xác định được nguồn gốc của chúng.

Muộn còn hơn không

Không chỉ Malaysia, một số nước khác cũng không tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng rác như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Campuchia và cả Việt Nam... Muộn còn hơn không, thời gian gần đây, Indonesia đã mạnh tay trả lại hàng trăm công-ten-nơ rác về nơi xuất xứ cho dù phải xử lý nhiều thủ tục không đơn giản. Người phát ngôn của cơ quan hải quan Indonesia Deni Surjantoro cho biết, nước này đã trả lại khoảng 249 công-ten-nơ.

Indonesia nhập khẩu 35 nghìn tấn chất thải nhựa mỗi tháng từ Đức, Australia và Mỹ vào cuối năm 2018. Lợi ích kinh tế đã khiến Indonesia thời gian đầu chưa áp dụng các biện pháp mạnh tay để đối phó với rác thải nhựa. Vào năm ngoái, Jakarta được hưởng thặng dư thương mại 40 triệu USD bằng cách xuất khẩu nhựa tái chế. Dù sao, về mặt kinh tế, rác thải nhựa cũng là một loại hàng hóa. Chúng mang lại lợi nhuận cho những người môi giới, bên vận chuyển và các công ty tái chế.

Tuy vậy, hành động này ngày càng bị các nhà hoạt động vì môi trường ở chính các nước đã và đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng rác thải nhựa phản đối mạnh mẽ. Hình ảnh những dòng sông bị nghẽn đặc bởi rác thải ở các nước Đông-Nam Á và các sinh vật biển bị chết dạt vào bờ với hàng ki-lô-gam rác thải trong dạ dày, đã thật sự có sức lay động.

"Rác thải nhựa từ những nước phát triển đang nhấn chìm các cộng đồng ở Đông-Nam Á, biến những nơi từng sạch sẽ và có tiềm năng phát triển thành bãi rác độc hại", ông Cameron Von Hernandez, thuộc liên minh các nhóm phi chính phủ Break Free from Plastic nói. Theo ông, "thật là bất công khi các quốc gia và cộng đồng có ít khả năng và nguồn lực xử lý ô nhiễm lại bị biến thành nơi thải nhựa của các nước phát triển".

Trước những tác động nghiêm trọng đối với môi trường không thể làm ngơ, một số quốc gia Đông-Nam Á đã khẩn trương hành động. Thái Lan đã giảm hạn ngạch nhập khẩu rác nhựa từ vài trăm nghìn tấn xuống còn 70 nghìn tấn và chỉ cho phép nhập nhựa tốt, có thể tái chế. Khi các tác động môi trường ngày càng trở nên rõ rệt ở các vùng nông thôn Thái Lan, chính phủ nước này đã đẩy mạnh xử lý các nhà máy tái chế nhựa trái phép. Giữa năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan ra lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa trong vòng sáu tháng và cho biết họ có kế hoạch cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa, kể cả có thể tái chế, trước năm 2020.

Ở Philippines vấn đề rác còn khiến nước này rơi vào cuộc tranh cãi ngoại giao căng thẳng, thậm chí suýt sứt mẻ quan hệ với Canada giai đoạn 2013-2014. Nhưng sau đó, rắc rối liên quan đến rác thải giữa hai nước cũng được giải quyết sau khi Ottawa đồng ý nhận lại số rác thải đã xuất khẩu sang Philippines, cho dù hai nước còn phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phía sau.

Khủng hoảng rác thải nhựa - nỗi lo không của riêng ai ảnh 1

Một phụ nữ đang phân loại nhựa tại một cơ sở tái chế ở Huaibei, Trung Quốc. Ảnh trong bài | REUTERS

Cái khó bó cái khôn...

Thông điệp rõ ràng mà các nước ở khu vực Đông-Nam Á muốn gửi đi đó là họ không muốn trở thành "bãi rác" của thế giới. Các nước này đã có đủ các bài học và trải nghiệm đắt giá để hiểu điều này. Ngành kinh doanh rác thải sau một thời gian dài làm ăn phát đạt nhờ nương cậy vào tiêu chí "càng rẻ càng tốt" mà không quan tâm đến môi trường và cuộc sống của người khác, nay đang lâm vào khốn đốn. Trước những tác hại nhức nhối đối với môi trường và sự lên tiếng của dư luận, các nước phát triển đã phải tự nâng cấp hệ thống tái chế của mình, thay vì chỉ chăm chăm đùn "của nợ" sang những nước nghèo hơn.

Sự thực là trước khi được đưa tới nơi tái chế, rác cần phải được phân loại và không có gì lạ khi nó đã trở thành kế sinh nhai của nhiều người dân nghèo ở các nước đang phát triển. Nghịch lý vì đó cũng là nguồn cơn đang cướp đi cuộc sống của họ. Đầu năm nay, Tổ chức môi trường Gaia đã công bố kết quả khảo sát cho thấy những tác động tồi tệ của rác thải xuất khẩu từ Mỹ sang các nước khác: nguồn nước bị ô nhiễm, mùa màng thất bát, cuộc sống của dân nghèo càng tồi tệ, các vấn đề về sức khỏe như bệnh hô hấp tăng do khói độc từ đốt nhựa, cùng những tác động về xã hội như tỷ lệ tội phạm gia tăng... Những tác động này đang đặt gánh nặng lên vai người dân và cả những thế hệ tương lai.

Không chỉ những nước Đông-Nam Á, nhiều quốc gia nghèo khác cũng đang trở thành những nạn nhân mới của rác thải nhựa từ các nước đang phát triển. Theo điều tra, những điểm đến chủ yếu của rác thải từ Mỹ hiện nay còn có Bangladesh, Lào, Ethiopia và Senegal.

Vì vậy, các nước đã bắt tay cùng nhau ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang có nguy cơ lan rộng toàn cầu. Điển hình là việc mới đây chính phủ của 187 quốc gia đã thống nhất kiểm soát dòng rác thải nhựa bên trong biên giới nước mình, bằng cách thêm rác thải nhựa vào Công ước Basel 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm. Tuy nhiên, đáng tiếc là Mỹ và một số quốc gia lại "quay lưng" với nỗ lực chung này.

Nguy cơ khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu là có thật. Vì vậy, không chỉ cần nỗ lực chung mà cần cả những quyết tâm chính trị, hành động trách nhiệm và sự thức tỉnh trước "tiếng kêu cứu" của môi trường sống và của nhân loại.