Xu hướng

Khốn đốn vì... chống vắc-xin

Dịch sởi bùng phát trên thế giới thời gian gần đây giống như một “cái tát” giáng vào phong trào anti-vắc-xin - tẩy chay vắc-xin vốn có xu hướng lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Vậy nhưng, để thay đổi được một trào lưu gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng đã tồn tại suốt nhiều chục năm qua không phải là điều dễ dàng...

Trẻ em bị bệnh sởi tại một bệnh viện ở Manila (Philippines).
Trẻ em bị bệnh sởi tại một bệnh viện ở Manila (Philippines).

Trào lưu nguy hiểm vẫn còn đất sống

Trước khi dịch sởi bùng phát nhiều nơi trên thế giới, có lẽ những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà phong trào tẩy chay vắc-xin mang lại vẫn chưa được nhận thức đầy đủ như hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp việc trì hoãn tiêm vắc-xin là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hàng đầu trong năm 2019. Tới mức, một số nước đã bắt đầu có hành động pháp lý cứng rắn để thắt chặt luật tiêm chủng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh những bằng chứng khoa học xác thực không đủ để dập tắt tâm lý nghi ngờ đối với những tác dụng của vắc-xin, phong trào tẩy chay vắc-xin vẫn còn đất sống. Nhất là khi trào lưu lại được tiếp sức trên các trang mạng xã hội, vốn là công cụ lan truyền những tin tức không phải lúc nào cũng có ích cho cộng đồng và xã hội. Người ta dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook những nhóm hay fanpage tập hợp đông đảo thành viên có cùng quan điểm anti-vắc-xin. Phần lớn những nhóm này là nhóm kín, thành viên muốn tham gia phải qua xét duyệt nên rất khó cho các nhà quản lý kiểm soát những nội dung sai trái hay tin tức giả mạo trong đó.

Điều nguy hiểm là những kẻ cầm đầu ngang nhiên quảng bá những tin tức sai lệch liên quan đến vắc-xin gây hoang mang thường nhắm tới những bà mẹ có con nhỏ. Thậm chí có nhóm còn do một chủ hãng sản xuất các liều vitamin cầm đầu, theo như phát hiện trong bài điều tra trên báo The Guardian (Anh) vào thời điểm dịch sởi bùng phát mạnh. Bằng nhiều hình thức, nhóm này lan truyền tin tức sai lệch kiểu tăng cường uống vitamin A hay vitamin C sẽ giúp phòng, chống bệnh sởi..., trong khi các nhà khoa học đã chứng minh các loại vitamin này không giúp con người tránh được dịch bệnh này.

Tuy nhiên, dịch sởi bùng phát toàn cầu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của trào lưu anti-vắc-xin gây hại cho sức khỏe cộng đồng, Facebook đã hợp tác để ngăn chặn các thông tin cũng như các quảng cáo sai lệch về vắc-xin trên nền tảng của mình. Facebook cho biết sẽ gỡ bỏ các quảng cáo sai lệch về vắc-xin, xem xét các biện pháp để đưa thông tin chính xác về vắc-xin lên kết quả tìm kiếm hàng đầu, vô hiệu hóa tài khoản vi phạm...

Chống vắc-xin vì vi phạm... tôn giáo

Giữa lúc dịch sởi bùng phát trở lại ở nước Mỹ, quốc gia từng tuyên bố thanh toán xong bệnh sởi từ nhiều chục năm trước, vẫn có hàng trăm con người theo trào lưu chống vắc-xin biểu tình ở Washington để phản đối những nỗ lực đưa trẻ đi tiêm phòng. Tờ Washington Post ước tính có khoảng 700 người tụ tập tại một phiên điều trần công khai ở Olympia cách đây ít lâu để phản đối một dự luật nhằm thúc đẩy việc tiêm phòng.

Dự luật được nghị sĩ Cộng hòa Paul Harris bảo trợ, đặt ra những yêu cầu đối với những gia đình đang cố tình né tránh thực hiện yêu cầu tiêm phòng bắt buộc cho trẻ. Những con người đó vẫn ngoan cố chống đối, bất chấp sự thật là hầu hết các ca nhiễm sởi ở hạt Clark, thuộc tiểu bang Nevada, chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi từ 1 đến 10, đều chưa được tiêm phòng. Hạt này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi dịch sởi bùng phát. Bà Marry Holland, một người chống vắc-xin nói rằng, nếu dự luật được thông qua, những người như bà, cho dù phải “rời khỏi bang hoặc chui xuống đất”, cũng sẽ không bao giờ tuân thủ.

Ở Mỹ ngày càng có nhiều bậc cha mẹ tin rằng chính phủ đang che đậy mối liên hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ, vốn đã bị các nhà khoa học bác bỏ. Mỹ hiện vẫn cho phép trẻ không cần phải tiêm vắc-xin trên cơ sở đức tin tôn giáo, triết học hoặc y tế. Nhưng dự luật mới nói trên sẽ loại bỏ quyền từ chối của cha mẹ dựa trên những đức tin này.

Câu chuyện về các bà mẹ người Do Thái lan truyền chiến dịch chống vắc-xin ở bang New York là điển hình cho thấy vấn đề tôn giáo có tác động tới việc tiêm phòng cho trẻ ra sao. Những bà mẹ cuồng đạo này đã gieo rắc câu chuyện về trẻ em bị tổn hại và giáo điều bị phá vỡ trong các khu phố ở New York, vốn là tâm điểm bùng phát dịch sởi tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ ở Mỹ. Không chỉ tại Mỹ, ở nhiều quốc gia có dịch sởi hoành hành khác như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines, vấn đề sắc tộc, tôn giáo... cũng khiến trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ.

Định kiến dần thay đổi

Tuy nhiên, trước thực tế không thể phủ nhận việc dịch sởi quay trở lại một phần không nhỏ do phong trào tẩy chay vắc-xin, nhiều bạn trẻ trưởng thành ở Mỹ đã vượt lên định kiến của cha mẹ mình, để hành động tự bảo vệ sức khỏe. Nhiều em sau khi đủ 18 tuổi đã tự quyết định đi tiêm những mũi vắc-xin phòng bệnh bị bỏ lỡ khi còn nhỏ bởi thái độ bài vắc-xin của chính cha mẹ mình. Trong số này có Ethan Lindenberger, sống tại Norwalk, bang Ohio, lần đầu tiên đã đi tiêm phòng khi đủ 18 tuổi để ngừa sáu bệnh, bao gồm quai bị và viêm gan. Ethan cho biết, bố mẹ không cho cậu đi tiêm vắc-xin khi cậu con nhỏ vì lo sợ các mũi tiêm sẽ gây tổn thương não và gây ra bệnh tự kỷ. Ethan đã tìm hiểu về các bằng chứng khoa học liên quan đến tác dụng của vắc-xin trước khi quyết định đi tiêm phòng những mũi đầu tiên trong cuộc đời.

Mặc dù chưa hoàn toàn ngăn chặn được phong trào tẩy chay vắc-xin nhưng ở Mỹ, nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu thay đổi định kiến có phần cực đoan của mình. Trong suốt 15 năm qua, chị Kristina Kruzan, sống tại Seabeck, bang Washington, không hề đưa ba con nhỏ của mình đi tiêm phòng. Nhưng giờ đây chị đã hiểu, vắc-xin không chỉ bảo vệ những đứa con của chị mà còn bảo vệ cả cộng đồng.

Những thay đổi nhỏ hy vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn ở nước Mỹ cũng như trên thế giới trong nỗ lực bảo đảm quyền được tiêm chủng đầy đủ của trẻ em. Hiện nay, Mỹ là quốc gia đứng đầu danh sách các nước có thu nhập cao nhưng nhiều trẻ em chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi giai đoạn 2010-2017 (2,5 triệu trẻ). Bài học của một quốc gia phát triển hàng đầu như nước Mỹ về việc dịch sởi tái bùng phát trở lại sau khi đã thanh toán thành công từ 20 năm về trước, sẽ không bao giờ là thừa đối với bất kỳ quốc gia nào.

Trong một thông cáo đưa ra hồi tháng 4, UNICEF khẳng định, số lượng trẻ em không được tiêm vắc-xin gia tăng đã góp phần khiến dịch sởi bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, những ca mắc sởi tăng gấp đôi trong hai năm gần đây, từ 1,117 ca năm 2017, tăng lên 2.256 ca năm 2018. Hơn một phần ba những ca mắc sởi nằm trong nhóm trẻ từ 1 đến 4 tuổi mà nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ đã do dự mà trì hoãn việc tiêm vắc-xin cho con.

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã có bài học đắt giá về chống vắc-xin, Việt Nam không phải ngoại lệ. Bài học về dịch sởi bùng phát năm 2014 ở Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị cảnh tỉnh. Đây là hậu quả sau khoảng nửa năm tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng sởi xuống thấp do gia tăng tâm lý lo ngại vắc-xin sau một số ca tai biến tử vong sau tiêm chủng ở Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ trên cộng đồng mạng khi một số cá nhân và nhóm đã tự ý lập ra các trang mạng xã hội có nội dung bài vắc-xin. Những chia sẻ ở các trang mạng này đã phản ánh tâm lý lo ngại của những bà mẹ còn thiếu hiểu biết, kiến thức hoặc chưa được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc cần thiết phải tiêm vắc-xin cho trẻ. Trong đó phổ biến việc tuyên truyền thông tin sai không nên cho trẻ đi tiêm phòng để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động hay tiêm vắc-xin có nguy cơ khiến trẻ bị tự kỷ...

Các nhà khoa học khẳng định, tiêm chủng vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay đối với các bệnh đã được đưa vào chương trình tiêm chủng. Nâng cao nhận thức cho mọi người về điều này là cách để bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng, cũng chính là “vũ khí” để chống lại trào lưu nguy hiểm anti-vắc-xin đang lan rộng toàn cầu như một bệnh dịch.

Khốn đốn vì... chống vắc-xin ảnh 1

Vắc-xin phòng sởi.