Khi ta chọn sự bình đẳng

100 phần bánh mỳ mỗi tuần tặng bệnh viện, 150 suất cháo và soup mỗi ngày tặng y bác sĩ, 20.000 khẩu trang tặng thành phố và viện dưỡng lão, phát khẩu trang tự may tại siêu thị, chị em làm nghề sơn móng tay tình nguyện gom toàn bộ khẩu trang mà họ dự trữ để làm từ thiện... có lẽ chưa bao giờ tôi được thấy cộng đồng Việt ở Pháp và châu Âu có nhiều nghĩa cử đẹp như thế với nước sở tại mà họ sinh sống: Ba Lan, Đức, Pháp...

Bác sĩ, y tá Bệnh viện Pitie, quận 13 Paris, nhận quà từ nhóm Trái tim Việt. Ảnh: MINH TÂM
Bác sĩ, y tá Bệnh viện Pitie, quận 13 Paris, nhận quà từ nhóm Trái tim Việt. Ảnh: MINH TÂM

Những con số này có nhiều không? Không. Có giúp được điều gì lớn lao cho các y bác sĩ không? Tôi không chắc về vật chất, nhưng tôi nghĩ có mang lại cảm xúc và giá trị tinh thần.

Từ nhiều năm nay tôi được chứng kiến những cuộc quyên góp của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để gửi về trong nước. Góp thuốc gửi về miền nam, góp tiền để giúp đỡ đồng bào bão lũ, nhưng có lẽ đây là lần mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ hơn cả. Vừa mừng vui, vừa tự hào. Nếu đã từng chứng kiến cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc ở châu Âu, thường sẽ thấy hai nhóm chính. Một nhóm hòa nhập và làm việc như người sở tại, một nhóm sinh sống và làm việc chủ yếu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhóm một bình đẳng về cơ hội và đóng góp, nhóm hai chủ yếu nhận sự hỗ trợ và ưu đãi, dù đôi khi không hẳn đã khó khăn. Tôi gặp rất nhiều gia đình người Việt, sống ở châu Âu bằng nhà xã hội, lĩnh tiền trợ cấp khó khăn hằng tháng, con đi học trường công đóng tiền ăn được bù giá. Nói chung thuộc diện được xã hội hỗ trợ, tuy thế euro gửi về Việt Nam hằng năm đều, sở hữu đất đai nhà cửa bằng tiền trốn thuế ở nước sở tại.

Tôi ít nhìn thấy sự khao khát được bình đẳng. Bình đẳng theo khái niệm như một công dân vững vàng. Không chỉ là bình đẳng trong cơ hội được ưu đãi, được hưởng thụ phúc lợi xã hội mà bình đẳng trong cả sự đóng góp, chia sẻ, gánh vác. 1000 chiếc bánh mỳ này, vài nghìn suất cháo kia hay vài trăm chiếc khẩu trang được phát tặng tại siêu thị với tôi như biểu tượng cho sự vững vàng của một cách nghĩ khác, một tư thế mới. Những cá nhân đã dám đặt mình trong tư thế của người chia sẻ trách nhiệm xã hội chứ không còn là những kẻ yếm thế, tránh quê hương nghèo để nương tựa nơi có đời sống tiện nghi hơn.

Khi ta chọn sự bình đẳng ảnh 1

Bác sĩ, y tá Bệnh viện Necker (Pháp) với món quà là những món ăn thuần Việt từ nhóm Trái tim Việt lúc 1 giờ sáng. Ảnh: MINH TÂM

Tôi có dịp nói chuyện với Trịnh Ngọc Linh, một thạc sĩ ngành quản lý doanh nghiệp nay là chủ một nhà hàng nhỏ tại Pháp. Tôi hỏi Linh có quyên góp của cộng đồng để làm bánh mỳ tặng bác sĩ không hay chỉ là tiền của cậu? Linh bảo nước Pháp đã cho cậu ăn học gần như không đồng, vậy cậu tặng lại phần nhỏ này như tri ân, sức đến đâu làm đến đó. Quyên góp thì còn đâu là tấm lòng riêng. Tôi cũng nói chuyện với anh Cao Hồng Thái, một Việt kiều Ba Lan đã nấu mỗi ngày 150 xuất ăn, từ cả tháng nay để tặng bệnh viện công an, nơi đang điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại Vác-xa-va. Thái thì khác, anh làm và kêu gọi cộng đồng cùng làm. Thái lý luận rằng “chẳng phải ai cũng biết em, người ta chỉ biết là cộng đồng người Việt đang chung sức cùng người Ba Lan để chống dịch. Em cứ làm, cộng đồng Việt đóng góp thì tốt, không đóng góp nữa thì em làm đến lúc không thể làm nữa thì thôi”. Mạch lạc. Rõ ràng. Chân thành.

Sống ở nước ngoài rồi sẽ hiểu khái niệm hòa nhập không chỉ là bạn biết nói tiếng, bạn đi làm, đóng thuế đầy đủ. Đấy chỉ là những phương tiện sống thông thường và nghĩa vụ cần thiết để được tồn tại hợp pháp. Những cộng đồng yếm thế vĩnh viễn là những cộng đồng yếm thế khi chỉ tựa vào hệ thống xã hội để mưu sinh, không dám hoặc chưa đặt mình trong một tư thế khác, tư thế của người dám gánh vác, cho đi chứ không chỉ nhận hoặc đánh đổi. Tôi đã thử đi theo những người phát khẩu trang, đi theo xe tặng bánh mì, tôi muốn thật sự được tận mắt chứng kiến và đo được cảm xúc của những người Pháp sẽ được nhận. Cũng như được nhìn thấy cách mà người Việt đem tặng.

Cảm giác hạnh phúc là có thật. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy một cách nghĩ và hành xử bình đẳng của người dân nước tôi với nơi mà họ sinh sống. Dù vật chất không thật lớn, nhưng đã dám nghĩ khác, đã vượt ra khỏi cách nghĩ của người dân nước nghèo đến với nước giàu. Của người luôn nghĩ mình yếm thế hơn, ngửa tay nhận trợ cấp, nhận học bổng, nhận nhà xã hội, mà cho đi thì lại rụt rè không đủ tự tin rằng mình hoàn toàn có thể ứng xử như đang chính trên quê hương mình. Nghĩa là kể cả nghèo cũng có đủ tư thế để chia sẻ trách nhiệm xã hội. Đấy chính là sự bình đẳng. Chỉ khi dám đảm trách những trách nhiệm thì sự bình đẳng ấy mới giúp người ta ngẩng cao đầu, vững vàng từ trong tâm thế.

Trên những nẻo đường đi của tôi ở châu Âu, lúc nào cũng có một nỗi lòng tha thiết mong được chứng kiến một cộng đồng Việt ngẩng cao đầu. Dù có thể không hẳn đã rất giàu, rất thành công nhưng là một cộng đồng dám bước ra khỏi tư thế của người đến từ nước nghèo để sống và hành xử. Bánh mỳ, cháo, khẩu trang chỉ là những vật phẩm. Linh, Thái, Nhung, Phương hay ai nữa chỉ là những cái tên. Đằng sau vật phẩm và những cái tên là những con người đang mong muốn quê hương của họ, được gọi lên theo một cách khác. Tôi ước, bình đẳng theo nghĩa này sẽ được nhân lên mãi.

Khi ta chọn sự bình đẳng ảnh 2

Chủ cửa hàng người Việt tặng khẩu trang cho các nhân viên y tế Đức. Ảnh: QUỲNH NGA