Hưu chiến

Ngoài cuộc gặp song phương bị hủy vào phút chót giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina còn thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi một cuộc gặp song phương khác: giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc đặt mua trở lại một lượng lớn đậu nành từ Mỹ.
Trung Quốc đặt mua trở lại một lượng lớn đậu nành từ Mỹ.

Từ bao giờ mà một cuộc gặp song phương bên lề lại có thể làm mờ đi các sự kiện trọng yếu ở một hội nghị đa phương tầm cỡ như thượng đỉnh G20?

Câu trả lời nằm ở hai chữ “thương chiến”, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu nóng lên từ giữa năm 2018 và tăng nhiệt lên đến cấp độ báo động trong những ngày gần cuối năm. Cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập ở Buenos Aires, dẫu chỉ là một hoạt động bên lề của thượng đỉnh G20, nhưng đem lại hy vọng hai bên sẽ tạm thời hóa giải các khúc mắc để có thể giảm nhiệt căng thẳng trong quan hệ thương mại, một mối quan hệ mà không nghi ngờ gì nữa, đã khiến cho kinh tế toàn cầu bị rung lắc dữ dội mỗi khi hai bên ra đòn nhằm vào nhau.

Ngưng chiến trong 90 ngày

Như để đáp lại sự chờ đợi của dư luận, trong cuộc gặp song phương kéo dài hai tiếng rưỡi ở Buenos Aires giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập, hai bên đã thống nhất hoãn áp thuế suất đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để tránh leo thang căng thẳng. Trong thời gian đó, các quan chức hai bên sẽ tiếp tục có các cuộc đàm phán để giải quyết bất đồng và hướng tới một thỏa thuận có thể chấp nhận đối với cả hai phía.

Trước khi diễn ra cuộc gặp song phương, Mỹ đang áp thuế 25% đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD và áp thuế 10% với 200 tỷ USD các mặt hàng khác của nước này. Trong khi đó thì Trung Quốc cũng đang áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời dừng mua các loại nông sản xuất khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu tương.

Vấn đề nằm ở chỗ ông Trump dọa sẽ tiếp tục tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang chịu mức thuế 10% lên 25% vào đầu năm 2019 và nếu như Trung Quốc tiếp tục “ăn miếng trả miếng”, có khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối với toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, theo ước lượng trị giá có thể lên đến 505 tỷ USD.

Trong trường hợp đó, Trung Quốc có muốn trả đũa cũng không thể tương xứng bởi vì tổng lượng hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ cũng chỉ lên đến khoảng 130 tỷ USD mà thôi.

Vậy ở Buenos Aires, nơi mà cả thế giới nhìn vào, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận gì mà đến mức ông Trump, qua những dòng tweet, đã mô tả đây là “sự kiện đặc biệt” và “những điều tốt đẹp sẽ diễn ra”?

Ngoài thỏa thuận hoãn không đánh thuế thêm đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày bắt đầu từ 1-1-2019, Trung Quốc đồng ý bắt đầu dỡ bỏ các thuế suất và hàng rào phi thuế quan, trong đó có việc giảm 40% thuế đối với ô-tô Mỹ. Trung Quốc cũng cam kết nhập khẩu “một số lượng rất lớn” sản phẩm của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác. Hai bên cũng thỏa thuận sẽ tổ chức đối thoại liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, rào cản phi thuế quan và nông nghiệp...

Đổi lại, là lời hứa hẹn của ông Trump sẽ không nâng thuế mức thuế 10% hiện tại lên mức 25% vào đầu năm 2019 đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Một “Hiệp định” đình chiến

Nhìn qua những thỏa thuận tổng thể mà hai lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được ở Buenos Aires, có vẻ như ông Trump đã bước đầu đạt được mục đích của mình. Như nhiều lần trước đó, chiến thuật của Tổng thống Mỹ rất nhất quán và khá đơn giản: xóa bỏ một hiện trạng sẵn có, đẩy tình thế đi đến sát mức khủng hoảng để buộc đối phương ngồi xuống đàm phán và trong quá trình đàm phán này, giành lấy những lợi thế cho nước Mỹ.

Từng cáo buộc rằng “chúng ta (tức Mỹ) đã bị Trung Quốc bóc lột trong một thời gian dài”, ông Trump cũng khẳng định rằng những đòn áp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc không phải là để cho Bắc Kinh sợ hãi mà là “muốn họ (tức Trung Quốc) làm tốt”. “Làm tốt” ở đây là gì? Là buộc phải có những nhượng bộ thuế quan đối với Mỹ (chẳng hạn như thuế đánh vào ô-tô nhập từ Mỹ), chấm dứt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thay đổi chính sách liên doanh với các công ty Mỹ có điều kiện (cưỡng ép chuyển giao công nghệ)...Và mua nhiều hàng của Mỹ hơn, tất nhiên!

Thế nên khi Nhà Trắng ra thông cáo nói rằng Bắc Kinh đồng ý nhập khẩu “số lượng rất lớn” sản phẩm của Mỹ, đó dường như là một thắng lợi của ông Trump. Khoảng cách chênh lệch trong cán cân thương mại giữa hai nước với khoản nhập siêu khổng lồ nghiêng về phía Mỹ luôn là điều khó chịu đối với ông Trump. Nay thì với điều khoản này, ông Trump có thể nói với những người ủng hộ mình và hơn hết, với những người chống đối mình ở trong nước, rằng: “Đấy, các ông thấy tôi đã làm được gì cho nước Mỹ chưa!”.

Nhìn vào thỏa thuận đạt được ở Buenos Aires, có thể thấy ngay rằng với thời hạn đặt ra 90 ngày, đây mới chỉ là một “hiệp định” đình chiến chứ chưa phải là một thỏa ước hòa bình theo đúng nghĩa của nó.

Quá trình hưu chiến kéo dài trong ba tháng đó là để các quan chức cấp chuyên viên của hai bên đàm phán để đi tới các thỏa thuận cụ thể và đó mới chính là thời gian thật sự cam go, bởi vì ai cũng hiểu rằng những nhượng bộ cụ thể sẽ kéo theo nó rất nhiều hệ lụy, tác động lên toàn bộ nền kinh tế và có thể cả chính trị của hai nước Trung-Mỹ.

Và vì Trung Quốc cùng với Mỹ là hai cường quốc nên nó cũng sẽ có tác động không nhỏ đối với phần còn lại của thế giới.

Những đòn thế chưa có tiền lệ

Không ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng toàn bộ những khúc mắc trong quan hệ thương mại (và không chỉ trong thương mại) giữa Mỹ và Trung Quốc lại có thể được giải quyết chóng vánh trong một cuộc gặp ăn tối kéo dài 150 phút.

Nói cách khác, thỏa thuận hưu chiến đạt được giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc không phải là sự kết thúc của cuộc thương chiến giữa hai bên mà nó là sự khởi đầu của một quá trình mới, với những đòn thế tiếp tục được hai phía tung ra nhằm tìm kiếm các lợi thế cho mình.

Trong suốt quá trình trước và trong khi diễn ra cuộc chiến thương mại vừa qua, Tổng thống Trump, người nổi tiếng cơ mưu trên thương trường và giờ đây trên cả chính trường, đã thực hiện những bước đi chưa từng có tiền lệ nhằm làm đối thủ bất ngờ.

Tháng 11-2017, khi ông Trump thăm Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuẩn bị một danh sách mua hàng hóa của Mỹ trị giá 200 tỷ USD. Nhiều người cho rằng đơn hàng “khủng” này có thể giúp xoa dịu Mỹ nhưng thực tế đã không xảy ra như thế.

Trung tuần tháng 5-2018, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người được ủy quyền chịu trách nhiệm tối cao đàm phán thương mại với Mỹ tới Washington, ông đã được đón tiếp vô cùng trọng thị và có cảm tưởng rằng cả hai bên đã đạt tới nhận thức chung về việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ. Chưa đầy một tháng sau, ông Trump tuyên bố áp đặt thuế suất 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, khởi đầu cho thương chiến Mỹ-Trung.

Tần suất tán dương Chủ tịch Trung Quốc của ông Trump cũng giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thuận với độ căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai bên...

“Củ cà rốt” và “cây gậy”

Vấn đề đặt ra hiện nay là hai bên sẽ tiếp tục làm gì sau khi đã có thỏa thuận hưu chiến ở Burnos Aires? Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo: “Thành tích về giữ lời hứa của Trung Quốc không được tốt cho lắm và chúng tôi biết điều đó!”. Tuyên bố này cho thấy mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là chủ trương “câu giờ” mà Trung Quốc đã thực hiện rất thành công qua các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump.

Chẳng thế mà ngay sau khi Tổng thống Trump trở về từ Buenos Aires, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc có những bước đi nhằm cụ thể hóa thỏa thuận cấp cao. Ngày 12-12, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để bắt đầu vòng đàm phán mới. Trưởng đoàn Mỹ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer, một trong số những quan chức Mỹ chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất và việc chọn ông này làm người đại diện đàm phán với Trung Quốc cho thấy Tổng thống Trump không có ý định thỏa hiệp.

Nhưng Trung Quốc không nói gì không có nghĩa là họ sẽ hoàn toàn chịu nhún trước sức ép từ Washington.

Bắc Kinh sẽ không dễ dàng thỏa hiệp trên những vấn đề mang tính căn cốt của mình. Trung Quốc có thể cắt giảm hàng rào thuế quan, tăng mua hàng hóa của Mỹ, nhưng nếu động chạm đến những lợi ích mang tính chiến lược, chẳng hạn như chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” thì khó có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ chấp thuận từ bỏ theo yêu cầu của Mỹ.

Đó chỉ là một trong vô vàn những khúc mắc mà các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết trong thời hạn 90 ngày. “Củ cà rốt” tạm hoãn không tăng thuế mà ông Trump đưa ra ở Buenos Aires đã có tác dụng tạm thời giảm bớt căng thẳng, không để cho khủng hoảng trong quan hệ hai bên lan rộng, nhưng một khi thời hạn 90 ngày qua đi mà không đạt được những kết quả như mong muốn, khi ấy, “cây gậy” áp thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ lên tiếng.