Bình luận

Hãy thắt dây an toàn!

Ba vị Thủ tướng “Brexit”

Người Anh có thể “phớt tỉnh ăng lê” về nhiều chuyện, nhưng không thể né tránh một thực tế đang dần hiện ra trước mắt ngày càng rõ ràng: với một tân Thủ tướng, nước Anh không hề tìm thấy sự dễ dàng trên con đường rời bỏ châu Âu mang tên Brexit.

Những người ủng hộ Brexit ở London (tháng 1-2019).
Những người ủng hộ Brexit ở London (tháng 1-2019).

Tân Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, khi vừa vào ngồi ở số 10 phố Downing đã ngay lập tức phải đối diện một thực tế nghiệt ngã: Brexit có thể giúp đưa ông lên cương vị Thủ tướng Anh, nhưng có khả năng trở thành cơn ác mộng đối với cá nhân ông cũng như đảng Bảo thủ trong những cuộc bầu cử sắp tới.

Mà Brexit, theo những cách khác nhau, đã tác động lên số phận của ít nhất ba Thủ tướng Anh chỉ trong một thời gian ngắn.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý với kết quả nghiêng về hướng nước Anh sẽ rời EU-tiến trình mang tên Brexit-đã buộc Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron phải từ chức.

Người tiếp quản vị trí của ông David Cameron là bà Theresa May, vị nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh sau “người đàn bà thép” Margaret Thatcher. Ba năm ở trên cương vị người đứng đầu nội các là ba năm bà May phải vất vả đấu trí với các nhà đàm phán EU cứng rắn để nước Anh có thể rời EU trong êm đẹp, một vụ “ly hôn” chính trị có thỏa thuận giúp cho nước Anh sẽ không phải hứng chịu những hệ lụy to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là về kinh tế, thương mại.

Những lần hoãn đi hoãn lại về thời điểm nước Anh chính thức rởi bỏ EU chậm hơn so với dự kiến thật ra chỉ là những phương thức câu giờ để bà May có thể đạt được một Brexit “mềm”, có nghĩa là ra đi có thỏa thuận.

Tuy nhiên, bà May đã không thể câu giờ được cho chính mình! Có tới ba lần những dự thảo thỏa thuận mà các nhà đàm phán Anh đạt được với EU đều bị Quốc hội phủ quyết. Sau ba năm, nước Anh vẫn lạc lối trong sương mù Brexit khiến nội bộ đảng Bảo thủ gây sức ép buộc bà May phải từ chức lãnh đạo đảng, cũng có nghĩa là một người khác sẽ lên thay và giữ vị trí Thủ tướng. Là ông Boris Johnson, người công khai quan điểm nước Anh sẽ rời EU bằng mọi giá đúng ngày 31-10-2019 tới cho dù có đạt được thỏa thuận với EU hay không.

“Điều khoản rào chắn”

Sở dĩ dự thảo thỏa thuận Brexit với EU bị Quốc hội Anh phủ quyết tới ba lần, chủ yếu liên quan đến một nội dung gọi là “điều khoản rào chắn”. Vậy “điều khoản rào chắn” là gì?

Mọi người đều biết rằng Bắc Ireland là phần lãnh thổ duy nhất của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland có biên giới trên bộ với một quốc gia khác là Cộng hòa Ireland, cũng là một thành viên EU. “Điều khoản rào chắn” trong thỏa thuận quy định duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, theo đó, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan EU cho tới khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại mới nhằm tránh một đường biên giới hiện hữu giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Các nghị sĩ Anh có tới ba lần phủ quyết thỏa thuận bởi họ lo ngại điều khoản này sẽ ràng buộc Anh trong các quy định và các loại thuế của EU, khiến London không thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác hậu Brexit hoặc quá trình đàm phán sẽ phải chịu sự giám sát của EU.

Ông Boris Johnson, trong suốt quá trình tranh cử trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như không chỉ một lần trước công chúng, đã công khai cho rằng điều khoản này mang tính chia rẽ và cần phải được loại bỏ nếu Anh và EU muốn đạt được thỏa thuận Brexit.

Tuy nhiên, EU cũng đã nhiều lần cho thấy họ không phải là những đối tác đàm phán dễ dàng. Thỏa thuận đã đạt được với chính phủ bà May là “không thể đàm phán lại”- các đại diện EU nhiều lần khẳng định như thế. Điều đó có nghĩa là “điều khoản rào chắn” sẽ không bị rút ra khỏi thỏa thuận và như thế, nước Anh hoàn toàn có thể ra đi mà không có bất cứ thỏa thuận nào với EU.

Một Brexit “cứng” cùng những hệ lụy của nó - mối lo ngại đối với một bộ phận lớn người Anh - đang dần trở thành hiện thực nếu như tân Thủ tướng Boris Johnson không tìm ra được giải pháp để thoát khỏi tình thế bế tắc trong đàm phán với EU.

Không phải một, mà có tới hai vấn đề đau đầu!

Tin tốt với người Anh là bằng việc ông Boris Johnson chính thức vào ngôi nhà số 10 phố Downing, nước Anh có một tân Thủ tướng theo đường lối cứng rắn sẽ giúp cho đảo quốc sương mù thoát ra khỏi mớ bùng nhùng Brexit với bất cứ giá nào.

Tin xấu với ông Boris Johnson là Brexit không phải vấn đề duy nhất khiến ông đau đầu!

Một cuộc khủng hoảng mang tên “quan hệ với Iran” đang đòi hỏi vị tân Thủ tướng Anh phải tìm ra cách giải quyết sao cho êm đẹp, mà ông lại không có nhiều thời gian cũng như dư địa chính trị để đưa ra các lựa chọn.

Kể từ khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA) hồi tháng 5 năm ngoái, cũng như các đối tác châu Âu khác tham gia thỏa thuận này, Anh vẫn thể hiện lập trường là cần tiếp tục thỏa thuận, bất chấp sự vắng mặt của Mỹ. London tin rằng việc tiếp tục duy trì JCPOA là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân.

Nhưng có lẽ ông bạn đồng minh chí cốt của London ở bên kia Đại Tây Dương không nghĩ vậy. Chiến dịch gây sức ép tối đa của Washington đối với Iran đã dẫn tới việc siết chặt các biện pháp trừng phạt, cấm vận đối với nước Cộng hòa hồi giáo này. Thế nên vụ việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran với lý do tàu này chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh cấm vận của LHQ, đã dẫn tới việc Iran tiến hành bắt giữ một tàu chở hàng treo cờ Anh ở eo biển Hormuz, một hành vi trả đũa rõ ràng, dù Tehran luôn bác bỏ. Ông Boris Johnson phải cấp bách giải quyết cuộc khủng hoảng bắt giữ tàu của nhau này nếu như không muốn nó lan rộng thành một cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc tế vượt khỏi tầm kiểm soát.

Từ tháng 5-2019, Tehran bắt đầu có những bước đi dần dần nhằm giảm bớt việc tuân thủ thỏa thuận với P5+1 (nhưng vẫn có thể đảo ngược). Đến đầu tháng 7 thì Iran đã vượt ngưỡng giới hạn mà JCPOA giới hạn trong việc dự trữ urani cũng như bắt đầu làm giàu urani trên mức cho phép... Thế nên nếu muốn cùng các đồng minh châu Âu khác tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, tân Thủ tướng Anh phải ra tay hành động một cách nhanh chóng.

Rắc rối nằm ở chỗ thời hạn cuối mà Iran cho các đối tác châu Âu ra tay cứu vãn JCPOA cũng sắp hết! Trong khi đó, Quốc hội Anh họp lại vào đầu tháng 9 sau sáu tuần nghỉ hè cũng khiến ông Boris Johnson không còn nhiều thời gian để giải quyết mắc mứu với EU chung quanh việc đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Yếu tố Mỹ

Brexit không thỏa thuận và khủng hoảng quan hệ với Iran tưởng chừng như hai vấn đề độc lập với nhau, thế nhưng đối với ông Boris Johnson, chúng lại có mối liên quan mật thiết với nhau thông qua một yếu tố quen thuộc: nước Mỹ. Chính xác hơn là với vị Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Donald Trump không giấu diếm sự ủng hộ đối với ông Boris Johnson trong thời kỳ cựu Thị trưởng London tiến hành tranh cử vào chức vụ Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Boris Johnson đã khôn ngoan giữ khoảng cách: khi ông Trump tới thăm Anh chỉ vài ngày trước khi bà May rời nhiệm sở, ông Boris Johnson đã chỉ nói chuyện qua điện thoại mà không gặp mặt trực tiếp.

Nhưng nay, khi đã ở trên cương vị Thủ tướng, điều hợp lý là ông Boris Johnson sẽ phải nhanh chóng có một mối quan hệ thân thiết với ông Trump để càng sớm càng tốt ký một hiệp định thương mại song phương với Mỹ, một thỏa thuận có thể giảm “sốc” cho nước Anh do những dư chấn của một Brexit “cứng” có thể mang lại.

Nhưng ai cũng biết ông Trump vốn là bậc thầy đàm phán. Để có được một thỏa thuận như vậy, hẳn nhiên Thủ tướng mới của Anh phải hiểu rằng London cần phải “tăng cường hợp tác” chặt chẽ hơn với Mỹ, mà trước hết là trong quan hệ với Iran. Không loại trừ khả năng nước Anh sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với những vi phạm JCPOA của Tehran, mà điều đó cũng có nghĩa là đẩy thỏa thuận này đến bên bờ vực sụp đổ.

Ấy là chưa kể Anh cũng sẽ phải chịu sự thỏa hiệp trong một số khác biệt nữa với Washington, chẳng hạn như tham gia lực lượng hàng hải được đề xuất nhằm bảo vệ các tuyến vận tải hàng hóa quốc tế, hay hạn chế tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G tại Anh...

Thời gian để tân Thủ tướng Anh hành động giải quyết các vấn đề hóc búa là cực kỳ giới hạn. Tiếng chuông đồng hồ ở tháp Big Ben tại London đang đều đặn vọng tới dinh Thủ tướng Anh ở phố Downing để nhắc nhở rằng thời gian không còn nhiều. Hãng AP của Mỹ bình luận: “Nước Anh sẽ chào đón một Thủ tướng mới, hãy thắt dây an toàn để bắt đầu một hành trình mới đầy khó khăn”!