Gửi ước mơ lên trời cao

Cư dân nhiều đời sinh sống ở làng cổ Thập Phần, Tân Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) đều tin rằng, khi những chiếc đèn lồng chuyên chở theo bao ước vọng tỏa ánh sáng lung linh kỳ ảo giữa nền trời, đó là lúc những giấc mơ tuyệt đẹp mà chủ nhân gửi gắm sẽ biến thành hiện thực.

Du khách thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần.
Du khách thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần.

Giấc mơ về một cuộc sống hạnh phúc

Truyền thuyết về nguồn gốc của những chiếc đèn trời vẫn được dân làng kể lại cho nhau nghe, từ đời này qua đời khác. Rằng thuở xa xưa, làng sống chủ yếu nhờ vào canh tác nông nghiệp, với sản phẩm chính là cây bông và cây cao-su. Và đã thành lệ, cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngôi làng cổ kính Thập Phần lại bị bọn cướp, lũ phỉ tấn công. Để đối phó, người dân đành chọn cách mang đồ đạc, nông sản giấu lên những ngọn núi cao. Chỉ vài trai tráng khỏe mạnh được cắt cử ở lại làng. Họ sẽ dùng những ngọn thiên đăng, như một tín hiệu an toàn để thông báo cho bà con lũ lượt trở về, khi đám chuyên nghề cướp bóc chán nản bỏ đi.

Rất nhiều năm sau đó, nguồn tài nguyên than đá dồi dào đã biến khu làng trở nên sầm uất, như một điểm dừng chân thú vị trên cung đường huyền thoại Bình Khê (Pingxi). Một đường ray tàu hỏa dài 12,9 km cắt ngang qua làng, cần mẫn mang hàng triệu tấn than đến với nhiều miền đất đã được xây dựng vào năm 1921. Ngày nay, đường ray này vẫn hoạt động, những chuyến tàu vẫn thỉnh thoảng rú còi, chầm chậm lướt qua Thập Phần. Cuộc sống của dân làng giờ sung túc, no đủ hơn rất nhiều. Nhưng họ vẫn lưu giữ phong tục thả đèn trời. Để gửi gắm giấc mơ về một cuộc sống viên mãn, đủ đầy lên trời cao. Để ông Trời có thể chứng giám lòng thành và biến những điều ước của họ thành hiện thực. Và hoạt động thả đèn trời cũng chọn đoạn đường ray xưa cũ này là địa điểm diễn ra, như một điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn, không thể bỏ qua với mọi du khách chọn Thập Phần làm nơi dừng chân khám phá.

Nói một cách chính xác, tục thả đèn trời không phải là sở hữu riêng của làng cổ Thập Phần nói riêng, của Bình Khê nói chung. Nhiều địa danh trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á vẫn duy trì tập tục cổ xưa này. Như lễ hội đèn lồng khổng lồ Dai - Chochin Matsuri hay lễ hội thả đèn Obon vào rằm Trung thu của Nhật Bản, lễ hội đèn lồng Jinju ở Hàn Quốc... Nhưng phải công nhận một điều, chỉ trong không gian rêu phong cổ kính nơi làng cổ Thập Phần, chỉ giữa cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với sắc xanh của nền trời, sắc trắng xốp của những dải mây, những chiếc đèn lồng sặc sỡ lững lờ bay lên mới mang lại cho du khách xúc cảm thẩm mỹ tuyệt vời đến thế.

Gửi ước mơ lên trời cao ảnh 1

Đèn trời lung linh trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Công chúa tóc mây.

Lung linh lễ hội đèn trời Bình Khê

Nếu từng hâm mộ bộ phim hoạt hình đình đám do Disney sản xuất có tên gọi Công chúa tóc mây (Tangled), nếu từng say mê thưởng thức bộ phim tình cảm nổi tiếng Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (You’re the apple of my eyes)..., bạn chắc sẽ không thể quên cảnh tượng huyền ảo, lung linh của một lễ hội thả đèn trời. Hiệu ứng 3D giúp khán giả như được đắm chìm trong thế giới đèn lồng kỳ ảo, như một chứng nhân tuyệt đẹp cho mối tình đậm màu cổ tích của nàng công chúa tóc mây. Và trong rực rỡ ánh sáng đèn trời, tình yêu của đôi sinh viên được chắp cánh bay bổng trong không gian thoát tục. Hai trường đoạn đẹp tựa giấc mơ, trong cả hai xuất phẩm điện ảnh kể trên đều được khơi nguồn cảm hứng từ Lễ hội đèn trời Bình Khê được tổ chức thường niên nơi phố cổ Thập Phần trong dịp Tết Nguyên đán để nguyện cầu năm mới an lành.

Hãy thử tưởng tượng một không gian kỳ ảo, được thắp sáng bởi cùng lúc một vạn chiếc đèn lồng rực rỡ sắc mầu. Bốn mặt của chiếc đèn được người thả tự tay viết lên những ước vọng lớn lao trong năm mới, cho bản thân và cho những người mình yêu quý. Khi thả tay cho thiên đăng chầm chậm bay lên, đám đông đều hồi hộp chờ mong, đều hy vọng chúng sẽ biến thành hiện thực. Sử sách xưa ghi lại, từ thời Hán, người dân Trung Hoa tin rằng nếu ai cầm trên tay một ngọn đuốc hoặc một cây đèn, Phật Tổ trông thấy sẽ ban cho phước lành. Phong tục thả đèn, vì thế, đã trường tồn qua bao thăng trầm lịch sử để tồn tại tới tận hôm nay.

Đó cũng chính là lý do khiến kênh truyền hình Discovery Channel xếp sự kiện hoành tráng này ở vị trí thứ hai, trong danh sách lễ hội ban đêm hấp dẫn nhất thế giới. CNN Travel bổ sung lễ hội vào danh sách 52 điều mà du khách cần làm trong năm. Còn trang hướng dẫn du lịch nổi tiếng Fodors Travel Guide gọi đây là một trong 14 ngày lễ đặc biệt mà mỗi người cần được chiêm ngưỡng một lần trong đời.

Hấp dẫn tục thả đèn trời Thập Phần

Không cần chờ tới lễ hội Bình Khê, vốn mỗi năm chỉ diễn ra một lần, mọi du khách giờ đây đều có cơ hội gửi ước mơ lên trời cao, khi đến với Thập Phần. Trước kia, đèn trời thường được làm bằng khung tre và giấy bông. Đèn có bốn mặt, hở phía dưới để hơi nóng trong quá trình đốt cháy giúp đèn bay lên. Nhiên liệu cháy hết, đèn mới rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, đèn truyền thống - đòi hỏi tay nghề chế tác cao của người thợ thủ công địa phương giờ không đủ phục vụ nhu cầu rất lớn của hàng triệu khách du lịch đến với Thập Phần mỗi năm. Vì thế, giờ đây đèn lồng được làm bằng khung dây điện từ, giấy sơn phết các mầu thay thế cho giấy bông. Và để hợp thị hiếu hơn, kích cỡ của đèn giờ to gấp vài lần so với trước. Cái lớn nhất có chiều cao tới 1,5 mét. Với mức giá dao động từ 150 đến 200 Đài tệ (tương đương từ 120 đến 150 nghìn đồng cho tùy loại đèn một mầu hay bốn mầu), du khách có thể thoải mái lựa chọn chiếc đèn hợp với mong muốn của riêng mình. Nếu đỏ tượng trưng cho sức khỏe, xanh da trời biểu hiện cho sự nghiệp, vàng cho tiền bạc, tím cho học hành thì mầu cam đại diện cho tình yêu, xanh lá cây cho may mắn, trắng cho hứa hẹn, hồng cho hạnh phúc... Nhúng bút lông vào nghiên mực tàu, du khách có cơ hội phóng bút như một nhà thư pháp, với đa dạng ngôn ngữ và phong phú hình thức thể hiện. Ai bối rối chưa biết viết gì thì có thể tham khảo những bảng chỉ dẫn bằng cả tiếng Anh và tiếng Hoa được treo khắp nơi, trong đó liệt kê rất nhiều cụm từ chúc phúc, cầu may thông dụng nhất.

Chủ quán ở đây đều nhiệt tình và vô cùng xởi lởi. Không chỉ lắp đèn, căng giá cho bạn gửi gắm ước mong lên mặt giấy, họ còn châm đèn, nhoay nhoáy thao tác đủ loại máy ảnh - điện thoại thông minh để giúp du khách lưu lại được những khoảnh khắc thả đèn ấn tượng nhất.

Đến Thập Phần, du khách không chỉ được thả đèn trời mà còn có cơ hội mua những vật phẩm, bưu thiếp mang hình đèn lồng xinh xắn, đáng yêu để làm quà tặng cho người thân. Niềm hạnh phúc lan tỏa trong những tiếng hò reo, trong ánh mắt háo hức của từng du khách đang hướng lên bầu trời để dõi theo chiếc đèn, ngày càng bé lại như một chấm nhỏ rồi mất hút.

Đèn trời đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, một nét văn hóa vô cùng ấn tượng của làng cổ Thập Phần. Đèn trời đã trở thành nhịp cầu nối giúp con người ấp ủ và gửi gắm những giấc mơ hạnh phúc!

Đèn trời lung linh trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Công chúa tóc mây.