Đuổi khách du lịch, đón người di cư

Thật lạ đời khi thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) lại thích đón nhận hàng nghìn người di cư không xu dính túi hơn những du khách riêng năm ngoái đã tiêu tới 30 tỷ euro ở thành phố này.

Con phố La Rambla ở trung tâm Barcelona luôn đông nghẹt du khách.
Con phố La Rambla ở trung tâm Barcelona luôn đông nghẹt du khách.

Khách du lịch, về nhà đi!

Cái mà truyền thông Tây Ban Nha gọi là turismofobia (nỗi sợ du lịch) xâm chiếm khắp các thành phố châu Âu mùa hè năm ngoái với các cuộc biểu tình phản đối diễn ra trên khắp các thành phố lớn như Venice, Rome, Amsterdam, Florence, Berlin, Lisbon, Palma de Mallorca và nhiều nơi khác ở châu Âu chống lại sự xâm chiếm của khách du lịch. Những dòng chữ “Khách du lịch, về nhà đi”, “Chào mừng người di cư” bắt đầu xuất hiện trên các bức tường ở Barcelona. Thành phố nhanh chóng ngập trong làn sóng các cuộc tuần hành phản đối ngành du lịch với khẩu hiệu “Barcelona không phải để bán” và “Chúng tôi sẽ không bị hất ra (khỏi thành phố)”.

Du lịch đang làm thành phố mất ổn định, thậm chí những người làm việc trong ngành này cũng phải thừa nhận không thể tiếp tục tình trạng như vậy nữa. Năm 1990 thành phố nhận 1,7 triệu du khách, năm ngoái là 32 triệu, gần gấp 20 lần dân số. Dù du lịch chiếm tới 12% GDP của Barcelona và nhiều người dân đang sống phụ thuộc vào nó, nhưng không thể kiếm tiền bằng mọi giá. Barcelona đang đánh mất dần bản sắc ở trung tâm thành phố, bến cảng, những phong tục truyền thống vốn hấp dẫn du khách, là nỗi lo ngại lớn nhất của người dân của thành phố lớn thứ hai Tây Ban Nha này.

Vấn đề thật sự là áp lực lên không gian công cộng vốn không được thiết kế để đối mặt với số lượng du khách lớn hiện nay. Khách du lịch chiếm các quán bar và nhà hàng, điểm đến ưa thích của dân địa phương. Họ tràn ngập phương tiện giao thông công cộng và làm tắc nghẽn vỉa hè, khiến cư dân địa phương không lên nổi xe buýt ở những điểm du lịch nổi tiếng như Công viên Guell. Họ tiêu tốn tài nguyên tự nhiên như nước hơn dân bản địa rất nhiều. Bà Fatima Bernado ở đại học Evora Albert Recio, người phát ngôn của Hiệp hội các liên hiệp dân Barcelona, đại điện cho khoảng 100 nhóm, nói rằng việc tăng chóng mặt những kỳ nghỉ ngắn ngày ở các thành phố đã có ảnh hưởng lớn tới giá thuê nhà. Chủ nhà thường lựa chọn kiếm tiền một cách dễ dàng bằng cho du khách thuê và đẩy giá nhà tăng cao. Nhiều người dân không trả nổi phí thuê nhà buộc phải sống ở khu vực phụ cận. Nhiều nghề kinh doanh truyền thống đã tồn tại cả trăm năm bị đẩy ra khỏi thành phố. Cư dân nói rằng, cảm giác bị chiếm đóng rất khó chịu. Nó khiến cho người Barcelona cảm thấy như bị thay đổi chỗ ở, rằng thành phố của họ với những đặc trưng riêng có đã bị đánh cắp, khiến họ nhỏ bé hơn những người mới đến.

Sau 20 năm mệt mỏi với du khách ngoại quốc, hội đồng thành phố được bầu năm 2015 đã đặt nhu cầu của nhân dân trên hết. Họ cấm xây khách sạn mới và có những cố gắng kìm chế sự mở rộng của nhà nghỉ dành cho du khách, lên kế hoạch cho quận Ciutat Vella (Phố Cũ), khu vực cổ kính nhất ở Barcelona và là điểm đến rất được ưa chuộng, trong đó ưu tiên thương mại địa phương hơn là kinh doanh nhằm vào khách du lịch.

Barcelona không cô đơn trong cuộc chiến bảo vệ bản sắc với nhiều thành phố của châu Âu đang tràn ngập du khách bởi ngành du lịch phát triển chóng mặt được đổ thêm dầu bởi những chuyến bay giá rẻ và ứng dụng đặt phòng vô cùng tiện lợi như Airbnb. Theo Hiệp hội các hãng du lịch Anh, 53% kỳ nghỉ Anh năm 2017 là nghỉ ở thành phố so với 41% nghỉ ở biển. Ác cảm lên cao đặc biệt ở Venice, đầu năm nay dân địa phương đã giăng cả barie ra để kiểm soát đám đông du khách.

Đa dạng làm giàu bản sắc

Khác với nhiều thành phố ở châu Âu, Barcelona tuy phản đối khách du lịch mạnh mẽ, họ lại hăm hở đón chào người nhập cư. Đầu năm ngoái, khoảng 160.000 người ở Barcelona đã xuống đường biểu tình yêu cầu Chính phủ Tây Ban Nha cho phép nhiều người nhập cư hơn vào đất nước này. Đầu năm nay, được tin một tàu cứu hộ mang 629 người trôi dạt qua Địa Trung Hải, Thị trưởng Ada Colau nằm trong những người đầu tiên đề nghị dành cho họ một nơi trú chân an toàn.

Năm 2000 con số người nước ngoài ở Barcelona chiếm ít hơn 2% dân số, chỉ 5 năm trước con số là 15% (266.000 người). Trong năm 2018 con số chính thức là 18% dù theo bà Lola Lopez, Ủy viên Ủy ban di cư và hội nhập của thành phố, con số thực tế là gần xấp xỉ 30%. Sự hiện diện của những cư dân mới đã thay đổi tận gốc bộ mặt của thành phố, nhưng chưa hề có cuộc phản đối chống người di cư nào và đó cũng chưa bao giờ là vấn đề trong các cuộc bầu cử địa phương. Bà Natalia Martinez, Ủy viên hội đồng quận Ciutat Vella, nơi đã phải đối mặt với làn sóng cả dân di cư và khách du lịch nói: «Chúng tôi thấy việc nhập cư có ảnh hưởng tích cực, người dân đang hội nhập tốt. Họ mang đến nhiều hơn là lấy đi nếu nói về bản sắc».

Có nhiều nguyên nhân cho thái độ tích cực đối với người nhập cư ở Barcelona nói riêng và Tây Ban Nha nói chung. Một trong đó có lẽ phải kể đến vị trí địa lý và lịch sử di cư tìm kiếm nơi trú ẩn của họ... Mặt khác trong một nghiên cứu năm 2013 do Viện chính sách di cư, một tổ chức think tank ở Mỹ cũng cho thấy niềm tin của người Barcelona rằng việc nhập cư sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như là đại diện cho nền dân chủ, cộng với sự hiện diện ở mức thấp của người nhập cư đã khiến họ không những vui vẻ chấp nhận mà còn có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ người nhập cư, giúp họ hòa nhập và có việc làm. Bản thân bà thị trưởng thành phố từng khẳng định: «Trong một châu Âu không chắc chắn, nơi nỗi sợ người lạ ngày càng tăng lên Barcelona là thành phố của hy vọng».

Hiệu trưởng trường tiểu học ở Ciutat Vella Magda Marti, nơi hơn một nửa trẻ là người nước ngoài cho biết rào cản ngôn ngữ là thách thức lớn nhất ở đây. Hầu hết người di cư đều không biết tiếng Catalan là ngôn ngữ chính thức được dạy ở trường học. Tuy nhiên, điều quan trọng là khiến bọn trẻ và gia đình thấy được chào đón. Thay đổi tích cực nhất là từ những giáo viên mới, những người không coi người nhập cư là vấn đề. Họ nhìn nhận sự đa dạng là yếu tố tích cực.

Số dân gốc ở đây khá nhỏ, đặc biệt là ở khu vực phụ cận nơi tầng lớp lao động sinh sống. Những làn sóng di cư mới nhất đã biến nơi đây thành nhà của họ. Ba nhóm dân di cư lớn nhất là người châu Âu, Mỹ La-tinh và Bắc Phi. Nhưng bọn trẻ sinh ra tại đây của những cặp bố mẹ đa chủng tộc hoặc di cư có khuynh hướng coi chúng là người Barcelona chứ không phải bất cứ nơi nào khác.

Vùng phụ cận nơi người di cư ở đông nhất là El Raval (ngoại thành). Ông Oscar Esteban, Giám đốc Fundacio Tot Raval, một nhóm bảo trợ phối hợp với nhiều tổ chức tình nguyện và luật pháp ở trong khu vực này nói đây là khu cảng lịch sử, và trong nhiều thế kỷ là cửa ngõ thành phố. «El Raval có bản sắc riêng và cách riêng để giải quyết mọi việc. Mọi thứ bắt đầu tại đây, nhiều hiện tượng xã hội xuất hiện ở đây đầu tiên rồi lan rộng. Số người di cư ở đây khá lớn theo thời gian nhưng không có xung đột nào, thậm chí ngay cả sau vụ tấn công khủng bố bằng xe tải mùa hè năm ngoái khiến 13 người chết và hơn 130 người bị thương. Mọi người sốc và căm phẫn, nhưng tất cả cùng nhau lên án hành động đó”.

Tất nhiên phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở Barcelona cũng như ở những thành phố khác nhưng nó không có cơ hội bùng phát. Từ năm 2010, hội đồng thành phố đã theo đuổi một chính sách liên văn hóa nhằm công nhận và tôn trọng sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa, đã được ủng hộ rộng rãi và dân di cư không phải giơ đầu chịu trận bất chấp những giai đoạn khó khăn về kinh tế.

Đuổi khách du lịch, đón người di cư ảnh 1

Một biểu ngữ chào mừng người nhập cư và phản đối du khách.