Bình luận

"Đồng chí đã làm rất tốt, Fidel!"

Trở thành huyền thoại từ khi còn sống

"Đồng chí đã làm rất tốt, Fidel!"

Không nghi ngờ gì nữa, cái chết của Fidel Castro, lãnh tụ của cách mạng Cuba, người gợi cảm hứng bất tận cho phong trào cách mạng chống chủ nghĩa thực dân đế quốc trên toàn thế giới, đã làm cả thế giới rúng động. Cái chết của một người đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống, người đã sống sót qua hơn 600 âm mưu ám sát nhằm vào mình, quả thật đã khiến ngay cả những kẻ thù của ông cũng phải nghiêng mình!

Cuộc đời và sự nghiệp của Fidel tiêu biểu nhất cho những gì diễn ra trên thế giới trong hậu bán thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21: cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đấy thường xuyên là một cuộc đấu bất cân xứng giữa tí hon David với khổng lồ Goliath, với phần thắng, cũng giống câu chuyện trong Cựu ước, nghiêng về phía bị coi là yếu thế hơn. Minh chứng rõ nét nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trước các “đế quốc to” là Pháp và Mỹ với thắng lợi cuối cùng và trọn vẹn thuộc về nhân dân Việt Nam.

Và một minh chứng khác không kém phần thuyết phục là cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba, lật đổ chế độ độc tài Batista hồi cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, rồi sau đó trụ vững trước muôn vàn đòn tấn công hiểm ác của các thế lực thù địch trong suốt hơn thế kỷ qua, cho đến tận ngày hôm nay.

Người phủ bóng lên toàn bộ tiến trình đó là Fidel Castro.

Đặt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản

Là con trai của một chủ đồn điền, thời thanh niên học để trở thành luật sư nhưng từ năm 26 tuổi, Fidel đã chọn con đường của một chiến sĩ cách mạng. Cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista đầu những năm 50 lập nên chế độ độc tài phụ thuộc vào Mỹ giúp Fidel hiểu rằng biện pháp đấu tranh chính trị của một luật sư hay thậm chí một nghị sĩ, điều mà Fidel có ý định thực hiện thuở trai trẻ, sẽ không thể mang lại kết quả.

Bất chấp thế đơn lực mỏng, Fidel vẫn cùng các chiến hữu thực hiện vụ tấn công táo bạo vào pháo đài trại lính Moncada với hy vọng cướp vũ khí để trang bị cho cuộc đấu tranh vũ trang. Cuộc tấn công thất bại, các chiến hữu hy sinh gần hết, Fidel bị bắt và đưa ra tòa, nơi ông đọc bài bào chữa nổi tiếng: Lịch sử sẽ xóa án cho tôi!

Được ra tù sớm, Fidel lưu vong ở Mexico, nơi ông gặp Che Guevara cùng các đồng chí khác. Cuộc đổ bộ trên con tàu Granma dài 18 m năm 1956 lại là một bi kịch nữa: 82 người chỉ còn 12 người sống sót. Trong số này, cùng với Fidel có người em trai Raul, Che Guevara và Camilo Cienfuegos, những người sau này sẽ là tư lệnh các binh đoàn tiến về đánh chiếm La Habana vào đầu năm 1959, hoàn tất cuộc cách mạng.

Hoa Kỳ lúc đầu vẫn giữ quan hệ với Cuba nhưng khi chính phủ của Fidel quyết định quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân rồi sau đó ký hiệp định thương mại với Liên Xô thì mối quan hệ này nhanh chóng đổ vỡ. Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao và tháng 2-1962, Tổng thống Mỹ John Kennedy ký lệnh áp đặt cấm vận toàn diện đối với Cuba sau khi đã lệnh cho thư ký của mình bí mật mua dự trữ 1.200 điếu xì gà Cuba.

Cuộc xâm chiếm ở Vịnh Con Lợn của các phần tử Cuba lưu vong do Mỹ hậu thuẫn bị Fidel chỉ huy các lực lượng của mình đập tan tháng 4-1961 là một bước ngoặt lớn. Fidel chính thức định hướng Cuba theo chủ nghĩa xã hội, đặt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, còn các thế lực thù địch được Mỹ ủng hộ đã tiến hành-không chỉ các cuộc ám sát nhằm vào cá nhân Fidel-hàng loạt đòn đánh hiểm ác nhằm vào cách mạng Cuba.

Không có trẻ em Cuba phải ngủ ngoài đường!

Câu hỏi đặt ra là vì sao Fidel cùng với cách mạng Cuba lại có thể tồn tại qua chừng ấy năm trời, trong vòng vây thập diện mai phục của chủ nghĩa đế quốc suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau đó là ngàn trùng gian khó vì mất đi chỗ dựa chính khi Liên Xô sụp đổ?

Khi tuyên bố đưa Cuba đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Fidel đã tiến hành cải cách kinh tế triệt để với việc quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế, xuống tới tận các cửa hàng bán lẻ tư nhân. Chăm sóc y tế, giáo dục, an sinh xã hội được cung cấp miễn phí cho toàn dân. Thậm chí tới năm 1976, chương trình chăm sóc sức khỏe được đưa vào Hiến pháp Cuba, theo đó quy định rằng “tất cả mọi người được quyền bảo vệ và chăm sóc sức khỏe miễn phí”.

Khoảng cách thu nhập giữa các thành phần trong xã hội nhanh chóng bị xóa bỏ bởi chênh lệch tiền lương bị thu hẹp, trong khi hàng hóa tiêu dùng cơ bản được chu cấp cho tất cả mọi người thông qua hệ thống phân phối với mức giá được nhà nước bao cấp.

Mà không chỉ sự chênh lệch về thu nhập; sự phân biệt chủng tộc, mầu da cũng bị xóa bỏ khi Fidel cấm tất cả các khu dịch vụ mở những khu vực dành riêng cho các chủng tộc, tất cả mọi người đều bình đẳng khi sử dụng dịch vụ.

Đó là chủ nghĩa Marx kiểu Mỹ la-tinh, với nền kinh tế phi thị trường, các giá trị dân chủ, nhân quyền được đánh giá qua các thông số về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em thuộc vào hàng tiên tiến trên thế giới. Các bác sĩ Cuba được cử đi khắp nơi, tới giúp đỡ các nước nghèo, các nước thuộc thế giới thứ ba. “Chủ nghĩa quốc tế y tế” của Cuba đã mang lại một hình ảnh tốt đẹp về đất nước của Fidel và đến ngay cả Tổng thống Mỹ B.Obama cũng phải thừa nhận hiệu quả ngoại giao của chính sách này.

Năm 1998, Fidel đã nói về thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng của mình một cách giản dị: “Đêm nay có hàng triệu trẻ em phải ngủ ngoài đường; nhưng không có trẻ em nào trong số đó là người Cuba!”.

Mạnh hơn mọi âm mưu

Sự sụp đổ của Liên Xô dẫn tới sự ra đi của ba tỷ USD viện trợ kinh tế hằng năm đẩy Cuba vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhưng đảo quốc dưới sự lãnh đạo của Fidel vẫn đứng vững.

Điều khiến các nhà hoạch định chính sách trong các hành lang quyền lực ở Washington suốt 10 đời Tổng thống không thể hiểu nổi là vì sao chính quyền của Fidel lại có thể đứng vững trong một thời gian lâu đến thế, bất chấp những khó khăn trùng trùng luôn ập tới hòn đảo chỉ cách Mỹ khoảng 150 cây số?

Sự bao vây cấm vận nghiệt ngã kéo dài hàng nửa thế kỷ của Mỹ đã gây thiệt hại khổng lồ cho Cuba, lên tới hàng trăm tỷ USD, nhưng không bóp nghẹt được cuộc cách mạng do Fidel khởi xướng và lãnh đạo. Những âm mưu ám sát nhằm vào Fidel, kế hoạch này nối tiếp kế hoạch khác, lần lượt thất bại trong sự chế nhạo của nhà lãnh đạo Cuba. “Nếu sống sót sau các vụ ám sát mà được trao huy chương Olympic, tôi nhất định sẽ đoạt huy chương vàng” - cựu Chủ tịch Cuba có lần đã từng nói như vậy.

Nguyên nhân chính khiến cho các kế hoạch chống phá cách mạng Cuba thất bại nằm ở chỗ tại Cuba không tồn tại phe đối lập lâu dài và cũng không tồn tại hiện tượng tham nhũng do đặc quyền sinh ra. Nhưng không ai có thể phủ nhận một thực tế là chính nhân cách cá nhân của Fidel, cảm hứng mạnh mẽ về độc lập dân tộc, về phong trào cách mạng thế giới và những tư tưởng cách mạng do ông truyền đạt, đã là nguồn nhiên liệu không hề vơi cạn, giúp cho cuộc cách mạng do ông khởi xướng, dẫn dắt và lãnh đạo đi tới thắng lợi ở Cuba.

Trước sức mạnh tinh thần khổng lồ của Fidel, mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch với cách mạng Cuba đều bị bẻ gãy.

Di sản để lại

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ diễn ra sau khi Fidel đã ra đi?

Trong khi một số phần tử lưu vong ở Miami nhảy lên vui mừng thì một số tờ báo và hãng thông tấn phương Tây đã nhanh chóng đưa ra những dự đoán về sự chấm dứt của một ý thức hệ tại Cuba (!)

Năm 1979, Fidel đã từng nói với hai nhà ngoại giao Mỹ: “Chính sách của các ông là chờ cho tôi chết đi và tôi không có ý định hợp tác”. Chính vì cho rằng vai trò cá nhân của Fidel có một tầm quan trọng sống còn đối với cách mạng Cuba nên các cơ quan đặc biệt của Mỹ, hết đời này qua đời khác, đã tiến hành những vụ ám sát nhằm vào nhà lãnh đạo Cuba. Họ suy nghĩ đơn giản là một khi loại bỏ được Fidel thì tự khắc cách mạng Cuba sẽ chuyển màu!

Các âm mưu thất bại liên tiếp cho thấy sự yếu kém của các cơ quan đặc biệt Mỹ và tài giỏi của an ninh Cuba, nhưng chưa cung cấp đủ lý do cho việc cách mạng Cuba vẫn đứng vững.

Bởi di sản của Fidel trường tồn hơn rất nhiều so với cái hữu hạn của một đời người. Tiến hành cuộc cách mạng để đưa Cuba thoát khỏi sự giám hộ của nước ngoài, xây dựng một xã hội với các thang giá trị về dân chủ, bình đẳng, đặt nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ, chăm sóc người dân lên cao nhất trong các mục tiêu của cuộc cách mạng, thực hiện một chính sách ngoại giao độc lập, tôn trọng phẩm giá con người..., đó là những nền tảng của sự nghiệp cách mạng do Fidel dẫn dắt trong suốt hơn bốn chục năm trời.

Sẽ thật là ngây ngô nếu như cho rằng những giá trị đó đột nhiên biến mất một khi Fidel đã ra đi. Quá trình chuyển giao quyền lực ở Cuba được Fidel thực hiện từ rất sớm, với những người đồng chí cùng chung chí hướng đảm nhiệm gánh vác sự nghiệp cách mạng do ông để lại. Quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế sẽ tiếp tục để đưa một Cuba chủ nghĩa xã hội thích ứng với thực tế hiện tại, trong khi vẫn duy trì các giá trị cốt lõi là chủ quyền quốc gia, phẩm giá và công bằng xã hội, những mục tiêu mà vì chúng Fidel đã cầm vũ khí cách đây hơn nửa thế kỷ.

Tại quảng trường Cách mạng ở La Habana, trên mặt tiền tòa nhà Bộ thông tin truyền thông Cuba có một bức phù điêu cỡ lớn, mô tả chân dung Camilo Cienfuegos, một trong những người bạn, người đồng chí thân thiết nhất của Fidel trong những ngày chiến đấu gian khổ chống chế độ độc tài Batista. Cùng với Che Guevara và người em trai Raul Castro của Fidel, Camilo Cienfuegos là một trong các tư lệnh các cánh quân cách mạng tiến về đánh chiếm thủ đô La Habana trong những ngày đầu năm 1959, kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng do Fidel khởi xướng. Bên cạnh bức phù điêu của Camilo có một dòng chữ: “Đồng chí làm rất tốt, Fidel!”. Đó là những lời mà Camilo Cienfuegos nói khi gặp Fidel lúc tiến vào La Habana để hội quân với các cánh quân của Che Guevara và Raul Castro ngày 8-1-1959.

Đó cũng là câu nói chính xác để nói về sự nghiệp của Fidel, huyền thoại cách mạng Cuba giờ đây đã trở thành bất tử.

Tiến hành cuộc cách mạng để đưa Cuba thoát khỏi sự giám hộ của nước ngoài, xây dựng một xã hội với các thang giá trị về dân chủ, bình đẳng, đặt nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ, chăm sóc người dân lên cao nhất trong các mục tiêu của cuộc cách mạng, thực hiện một chính sách ngoại giao độc lập, tôn trọng phẩm giá con người..., đó là những nền tảng của sự nghiệp cách mạng do Fidel dẫn dắt trong suốt hơn bốn chục năm trời.

Ảnh trong bài | Nguồn các báo nước ngoài.